Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trước và sau kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh đã tiếp nhận 29 ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã trả lời, làm rõ 16 kiến nghị. Trong đó có những kiến nghị về lâm nghiệp, nông nghiệp được nhiều người quan tâm.
Nhân viên tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát.
Cử tri xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên phản ánh, việc giao đất trồng rừng chưa đảm bảo thu nhập, nguyên nhân chủ yếu do cây trồng chính (sao, dầu...) quá lớn, cây trồng phụ để người dân thụ hưởng (keo) chậm phát triển… dẫn đến việc người dân chuyển nhượng hợp đồng trồng rừng, thậm chí phá rừng. Từ thực tế nêu trên, cử tri đề nghị ngành chức năng quan tâm nâng mức hỗ trợ kinh phí, cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ khác để người dân sống được với rừng.
Vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, mức hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 38 ngày 14.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, định mức khoán bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 300 ngàn đồng/ha/năm.
Theo công văn số 4030 ngày 31.8.2017 của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh về kết luận phiên họp UBND tỉnh về điều chỉnh suất hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng và điều chỉnh, bổ sung vốn xây dựng cơ bản đầu tư phát triển và bảo vệ rừng bền vững năm 2017, định mức đầu tư trồng mới rừng, từ ngân sách Trung ương là 30 triệu đồng/ ha. Tuy nhiên, hiện nay bình quân mức đầu tư trồng mới rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 32 triệu đồng/ha.
Về kinh phí phòng cháy và chữa cháy rừng trồng, Trung ương chưa có quy định về mức hỗ trợ này. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh (có hơn 50% diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; 240km đường biên giới giáp với Campuchia, chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng), nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các công đoạn phòng cháy chữa cháy rừng, UBND tỉnh đã hỗ trợ bình quân hơn 800 ngàn đồng/ha/năm.
Ngoài các định mức hỗ trợ đầu tư nêu trên, trong những năm đầu khi rừng trồng chưa khép tán, hộ hợp đồng được trồng xen cây phụ trợ, cây nông nghiệp ngắn ngày và được hưởng toàn bộ nguồn thu.
Nhiều khu rừng trồng bị chặt phá.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, những diện tích rừng có đủ tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ môi trường rừng (rừng trồng đã thành rừng, rừng tự nhiên đang được bảo vệ...) các hộ nhận khoán sẽ được chi trả bình quân 200 ngàn đồng/ha/năm.
Đối với diện tích rừng trên địa bàn huyện Tân Biên hiện chưa có đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, nhưng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chi trả. Trong đó có điều tiết, chia sẻ một phần nguồn kinh phí chi trả cho các hộ nhận khoán trồng, bảo vệ rừng từ các địa bàn rừng khác trong tinh cho địa bàn huyện Tân Biên.
So với mặt bằng chung về mức thu nhập từ các ngành nghề khác trong xã hội, mức hỗ trợ đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng còn khá thấp, nhưng thực hiện đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh cũng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tương Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo động lực cho người dân. Ngày 26.2.2021, Bộ NN&PTNT đã có công văn trả lời. Theo đó, vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình, chính sách và các dự án hỗ trợ đầu tư của giai đoạn 2016- 2020 cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới.
Mì bị bệnh khảm lá, nông dân đốt bỏ cây mì.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, cử tri xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu phản ánh, hiện nay, dịch bệnh khảm lá trên cây mì có xu hướng lan rộng và ngày càng khó kiểm soát, ngành chức năng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây mì. Cử tri đề nghị ngành chức năng thông tin về kết quả, tiến độ việc triển khai thử nghiệm nhân giống khoai mì sạch bệnh để giải quyết nhu cầu cấp bách về giống mì phục vụ cho sản xuất của người dân.
UBND tỉnh cho biết, từ năm 2018 đến nay, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền Nông nghiệp (đều thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh có tính kháng hoặc chống chịu tốt với bệnh khảm lá.
Cụ thể, ngành NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Hưng Lộc trồng thử nghiệm 38 giống khoai mì, gồm 26 giống nhập nội và 12 giống do trung tâm tuyển chọn. Hiện nay, bộ giống này đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm để phân tích, đánh giá về năng suất, hàm lượng bột và tính kháng sâu bệnh hại, nhất là bệnh khảm lá để chọn ra giống tốt và đề nghị công nhận giống. Khi có kết quả được công nhận giống, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ xây dựng mô hình nhân giống để phục vụ người sản xuất khoai mì trong tỉnh.
Mì bị bệnh khảm lá, nông dân bỏ khô.
Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp trồng nghiên cứu khoảng 250 dòng/giống mì. Trong đó, có 50 dòng do CIAT (Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế) nhập vào Việt Nam và nhiều giống sưu tập ở Việt Nam. Kết quả đã tuyển chọn được 8 dòng kháng bệnh có năng suất đạt trên 35 tấn/ha và 9 dòng nhiễm bệnh rất nhẹ (cấp bệnh 2/5 cấp), có năng suất đạt trên 37 tấn/ha để tiếp tục trồng theo dõi vụ thứ hai.
Cũng trên lĩnh vực Nông nghiệp, trong các cuộc tiếp xúc với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, cử tri huyện Châu Thành đề nghị các ngành chức năng quan tâm hơn trong việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao để đời sống người dân ngày một tốt hơn.
Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh đã có 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã biên giới, chiếm 63,4% số xã toàn tỉnh; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh đã trình Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hoà Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vục nông thôn đạt 5.710.00 đồng/người/tháng (theo số liệu thống kê năm 2019), bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 17,1 tiêu chí; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước đi vào cuộc sống, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn cải thiện và nâng cao rõ rệt; công tác huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới được phát huy mạnh mẽ, đặc biệt là việc hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn); hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, phát huy sản phẩm đặc trưng của địa phương; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 xã biên giới); 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 10 xã biên giới); 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó có 2 xã biên giới); 6 huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu đạt chuẩn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (có 100% xã đạt chuẩn). Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025 bằng 1,8 lần so với năm 2020.
Đ.H
Trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Sở NN&PTNT phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp đánh giá 210 dòng/giống mì, trong đó có 107 dòng nhập nội trồng bằng cấy mô với diện tích 2 ha. Kết quả bước đầu ghi nhận, tuyển chọn được một số giống sinh trưởng tốt, không nhiễm hoặc tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp. Vụ Hè Thu năm 2020, hai đơn vị nêu trên trồng thuần 2 giống kháng bệnh (HN3 và HN5) với diện tích 1,3 ha. Kết quả cho thấy cây sinh trưởng tốt. Trong đó, giống mì HN3 chưa nhiễm bệnh; giống mì HN5 có biểu hiện bệnh rất nhẹ (cấp 2) với tỷ lệ nhiễm rất thấp < 0,5%.
Ngoài ra, ngày 24.11.2020, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chi đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn (mì) và đánh giá tính kháng bệnh khảm lá cùa 2 giống mì (HN3 và HN5). Kết quả, Bộ NN&PTNT đã đồng ý cho phép Viện Di truyên Nông nghiệp chuẩn bị hồ sơ tự công bố giống.
Đại Dương