Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong số những ngôi chùa có tượng đất sét (theo như lời kể truyền miệng) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, thì ngôi còn lưu giữ được ghi nhận đầu tiên là chùa Thiền Lâm cổ nằm trong khu phố cũ thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh. Những pho tượng cũ được chứa trong chiếc miễu nhỏ giữa sân chùa. Nằm xen giữa các pho tượng gỗ đã bị mối mọt ăn loang lổ là ba tượng đất sét nắn hình ba vị: Quan Vân Trường, Châu Xương và Quan Bình.

|
Tượng đất sét chùa Tịnh Lý.
Tiếc thay, dù đã thận trọng giở lên thì một ông vẫn bị vỡ tan ra, may mà còn lại hai ông. Tượng nhỏ, chỉ cao hơn 2 tấc, tạo hình toàn thân với giáp trụ, cân đai, áo mũ đàng hoàng. Đấy là chuyện của năm 2012, trước khi Thiền Lâm cổ được dỡ ra xây sửa lại. Và nay tháng 7.2014, phát hiện thứ hai còn đáng chú ý hơn rất nhiều là ở chùa Tịnh Lý thuộc ấp An Khương, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Bởi vì tượng đất sét ở đây có bức rất to, có bức có sự tích đàng hoàng được chép vào sách do người xưa để lại.
Bức tượng mà bài báo “Chùa Tịnh Lý” đã nhắc tới là tượng ông “ba đầu Ma Thắng Phật”; chính là bức tượng lớn nhất trong các pho đất sét còn giữ được ở chùa Tịnh Lý. Thoạt nhìn, cứ tưởng “ông” được làm bằng bê tông cốt sắt, là do đôi chân đi hia của ông trước đó đã bị mưa hắt làm cho đất rã, sư trụ trì phải cho người đắp lại bằng vữa xi măng; may sao vẫn còn phần đùi và thân trên còn nguyên chất đất sét.
Giờ cũng hơi khó nhận ra đây là tượng đất! Bởi lớp mặt ngoài tượng đã được sơn vẽ thêm để mô tả rõ hơn thần thái, hình hài. Khối tượng mô tả một thân người lực lưỡng, với đôi chân và sáu cánh tay có vẻ to hơn thực tế. Hai cánh tay dưới cùng chắp lại để trên đầu gối. Bốn cánh tay còn lại giương lên với các ngón gập, duỗi như đang bắt quyết.
Trên đôi vai vạm vỡ là ba chiếc đầu đặt chồng lên nhau, cái trên nhỏ hơn cái dưới. Tất cả khối hình từ các cánh tay trở lên chóp nón đỉnh đầu được khuôn lại trong một hình tháp, chứng tỏ một bố cục có ý tưởng rõ nét. Các gương mặt đều có cặp mắt to, biểu cảm với đôi tai rất dài và lại có răng cưa như chiếc mào gà. Thân tượng được đặt ngồi trên một chiếc lu tròn, hơi cao như cái trống. Toàn bộ tượng cao tới gần hai mét. Ngắm kỹ rồi mới thấy thật khó tin rằng pho tượng này là của trẻ chăn trâu nắn chơi- thời lưu dân khai khẩn đất. Những bố cục, khối hình này xứng đáng gọi là tác phẩm của một nghệ sĩ điêu khắc tài năng.
Trong chùa Tịnh Lý còn có các pho tượng đất khác. Xin tham khảo câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc An đã chép lại trong cuốn “Tiểu sử làng An Tịnh” (lưu hành nội bộ trong các đình chùa và các bậc cao niên làng An Tịnh) trong đó kể lại chuyện vào năm 1902- ông Huyện Bửu van vái sau khi đã huy động công của xây ngôi chùa mới khang trang hơn thay cho ngôi miễu nhỏ như sau: “Chư Phật chịu về chùa mới, xin cho tôi dùng mấy tượng Phật nhỏ này thêm vào chút ít đất sét nhồi nắn lại một tượng Thích Ca lớn hơn để thỉnh về thờ, chớ nay mấy tượng nhỏ này không danh tánh thiếu vẻ tôn nghiêm. Vái rồi xin keo cũng đặng luôn. Huyện Bửu cậy một ông thày chùa biết lên cốt Phật nắn lại một tượng Thích Ca mới. Khi làm lễ khánh thành làng có thỉnh huề thượng Luật ở chùa Phước Lưu đến chứng minh và đặt hiệu là Tịnh Lý tự…”.
Thật đáng ngạc nhiên khi pho tượng Thích Ca tuổi 112 ấy vẫn còn đây, trong ngôi chùa Tịnh Lý vừa được xây sửa lại. Tượng được đặt ở hàng đầu tiên, giữa ban thờ Phật trên toà đại hùng bửu điện, chứng tỏ các vị trụ trì chùa sau này vẫn hết sức tôn kính những di vật do người xưa để lại.
Chỉ hơi khó nhận ra đấy là tượng bằng đất sét, bởi mặt ngoài đã được sơn vẽ, thếp vàng. Tượng cao độ 70cm, mô tả Phật Thích Ca ngồi trong tư thế kiết già. Người sau cũng đã làm thêm cho Phật một toà sen bằng bê tông để ngài ngự (nay vẫn còn tấm ván xưa làm chỗ Phật ngồi khi chưa có toà sen).
Chếch về phía sau bên tay phải của tượng Phật ngồi là một pho Thích Ca đứng lúc mới sinh cũng làm từ đất sét. Có lẽ đây mới là pho tượng cổ xưa nhất và hẳn là do trẻ chăn trâu nắn hồi khởi thuỷ của chùa. Đoán chừng như vậy là bởi nét mặt Phật sơ sinh chẳng khác nào một cậu bé chăn trâu đang hồn nhiên giơ tay vẫy bạn.
Người ta cũng đã khoác lên cho cậu bé tấm áo cà sa, vẽ sơn trên mặt cậu với da mặt hồng tươi, môi đỏ, mắt đen tròn. Vẫn còn trên đầu và cánh tay giơ lên chỉ trời những vòng hoa lài khô xác có từ mùa Phật đản Vêsak 2014.
Còn một chuyện vui vui liên quan đến pho tượng Thích Ca ngồi. Đấy là chuyện hôm khánh thành chùa (năm 1902): “Huyện Bửu bận việc quan vắng mặt. Khi về ông vô thăm, đến trước bàn hương án đốt nhang lạy rồi dòm lên thấy mặt Phật Thích Ca sao lại day qua một phía. Ông nhớ chắc chắn lúc nắn tượng này rất ngay thẳng, quái lạ sao nay day nghiêng qua một bên… Về nhà ngồi ăn cơm, Huyện Bửu nói đùa với vợ là bà Lê Thị Lộc: Phật mà cũng đảo nhãn o mèo nữa! Bà huyện xì và rầy ông không nên nói bậy. Đêm đó Huyện Bửu đang ngủ lúc canh ba thấy một ông già cầm roi đến đánh, nói rằng: mi không coi để người ta làm sai rồi còn dám nói Phật đảo nhãn o mèo…”.
Sáng hôm sau Huyện Bửu cho mời người tham dự xây cất đến xem xét lại… “Chừng ấy mới vỡ lẽ ra hướng xây đã trật hết vài độ… Đó rồi phải kêu thợ sắp ngói xuống, xây lỗ tán lại cho ngay, khiêng cột nhích qua cho thật đúng hướng…” (sách đã dẫn). Kết quả thế nào thì ông An không nhắc tới.
Nhưng cứ nhìn vị Phật đất sét bây giờ, cũng đủ biết là ngài vẫn “đảo nhãn” như xưa, nhìn tượng Phật vẫn thấy ánh nhìn của ngài như lệch về bên phải. Hay là do người nghệ sĩ dân gian đã cố tình làm vậy? Để có chuyện vui cho người quê An Tịnh bàn tán tới tận ngày nay! Thật đáng yêu sao những pho tượng đất sét của chùa Tịnh Lý.
TRẦN VŨ