BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trận đánh cuối cùng vào Điện Biên Phủ trong lòng cha tôi

Cập nhật ngày: 07/05/2014 - 06:06

Ông Nguyễn Minh Tân, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ thăm, tặng quà CCB Nguyễn Văn Vỵ nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong các trận đánh ở Điện Biên Phủ, ông nhớ nhất là trận pháo binh tăng cường cho Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, trực tiếp chi viện cho Đại đội bộ binh, do anh Giáp Văn Khương làm Đại đội trưởng, tiến đánh cứ điểm 311 (Nà Nọong)- là một cứ điểm mạnh bảo vệ Sở chỉ huy của De Castries.

Trước lúc xuất quân, đơn vị được một tốp dân công toàn nữ đến đơn vị phát cho mỗi chiến sĩ một nắm cơm, có thịt trâu kho khô. Các cô gái đều rất trẻ thuộc nhiều dân tộc Kinh, Thái, Mường, Tày...

Trước lúc chia tay, các cô hát tặng chiến sĩ những bài với nội dung động viên, khích lệ. Đại đội trưởng Giáp Văn Khương và các chiến sĩ xúc động: “Hẹn nhau sau trận đánh này sẽ cùng ca hát cho thoả chí”. 

Vào trận địa, Đại đội trưởng Khương giao nhiệm vụ cho đơn vị pháo binh: “Phải tìm cho được các ụ súng máy của “thằng 311” để khi có lệnh nổ súng là pháo ta tiêu diệt nó ngay, phải bịt họng chúng lại để bộ binh ta xung phong đánh chiếm cứ điểm”.

Đại đội trưởng Khương luôn miệng động viên: “Các cậu cố gắng lên, phát hiện và tiêu diệt được hoả lực địch, tớ sẽ tặng cho các cậu bánh mì của De Castries mới thả dù “tiếp tế”, cũng ngon ra phết”.

20 giờ ngày 5.5.1954, tổ trinh sát pháo binh xác định lại trận địa rồi kéo pháo vào cách mục tiêu 500m, cắm cọc đánh dấu, dẫn khẩu đội pháo 75m vào vị trí. Sau khi đào xong công sự, sửa sang chỗ đặt pháo, lấy phần tử bắn là 22 giờ đêm. Lúc này địch trong cứ điểm 311 không dám đốt đèn như mọi khi nên quan sát rất khó khăn.

 Cha tôi bồi hồi kể tiếp: “Đúng 1 giờ sáng ngày 6.5.1954, lệnh tấn công bắt đầu, đơn vị pháo binh chỉ mới bắn một loạt đạn, lô cốt chính của địch tại cứ điểm 311 đã bị diệt. Bộ binh từ các chiến hào xung phong, bọn địch chống trả quyết liệt, ta và địch giành nhau từng mét giao thông hào.

Trận đánh diễn ra hơn 1 giờ, quân ta chiếm được hơn 100m giao thông hào và nhiều ụ súng, nhiều đợt phản kích của địch đều bị quân ta bẻ gãy. Trận chiến càng lúc càng ác liệt, Đại đội trưởng Giáp Văn Khương yêu cầu pháo bắn chi viện và diệt một số hoả điểm mới xuất hiện, pháo binh đáp ứng yêu cầu ngay và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo mọi thuận lợi cho bộ binh xung phong.

Đến hơn 7 giờ sáng ngày 7.5.1954, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm 311 (Nà Nọong), lúc này sương và khói súng vẫn còn phủ đầy chiến địa, tầm quan sát bị hạn chế. Hơn 8 giờ trời mới bắt đầu sáng, từ đài quan sát nhìn thấy rõ lính Tây đi lại lộn xộn.

Đến 10 giờ, ở phía Tây sân bay Mường Thanh, tiếng súng không còn nổ nhiều. Đến 11 giờ quân ta bắt đầu thấy có “cờ trắng” ở một vài địa điểm. Tuy nhiên, Đại đội trưởng Khương vẫn thận trọng nói: “Phải quan sát cho kỹ, kẻo mắc lừa chúng”.

Khi xác định đúng là quân địch kéo cờ trắng xin đầu hàng, Đại đội trưởng Giáp Văn Khương hô vang: “Địch đầu hàng thật rồi các đồng chí ơi!”. Từ đầu dây bên kia, Chỉ huy sở chính thức thông báo địch đã đầu hàng, nhưng vẫn phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh, đồng thời mỗi đơn vị cử một bộ phận tiếp nhận hàng binh nếu thấy chúng đi ra về hướng của đơn vị.

Tin quân địch đầu hàng, tướng giặc De Castries cùng Bộ chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt làm tù binh lan đi khắp các đơn vị, anh em ôm nhau nhảy múa, mừng vui khôn xiết. Lúc đó là chiều ngày 7.5.1954 lịch sử.

Cha tôi xúc động nói: “Đã qua 60 năm, nhưng trận đánh cuối cùng vào sào huyệt quân thù ở Điện Biên Phủ vẫn còn như in và niềm vui chiến thắng vẫn vang vọng trong lòng cha như vừa diễn ra ngày hôm qua”.                 

KHẮC LUÂN