BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Mô hình canh tác hiệu quả, nông dân thu nhập khá

Cập nhật ngày: 07/05/2012 - 11:39

(BTNO)- Theo cán bộ nông nghiệp huyện, vườn cao su mới trồng thường có diện tích đất trống, chủ vườn phải tốn công làm cỏ; đất lại dễ bị rửa trôi, do đó nông dân cần tận dụng trồng xen canh cây ngắn ngày. Ngoài hiệu quả thu lợi từ sản phẩm, bề mặt đất có các cây công nghiệp ngắn ngày che phủ còn có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ đất, giữ ẩm, chống xói mòn, rửa trôi trong mùa mưa, giúp cao su sinh trưởng tốt hơn vì thu được dinh dưỡng từ thân và rễ các cây này. Một vườn cao su có thể tận dụng để trồng xen cây ngắn ngày từ 2 - 3 mùa, trước khi cây cao su lớn phủ kín bóng.

Đây không phải là mô hình canh tác mới, bởi trước đây đã được người trồng cao su ở các huyện thị áp dụng. Tuy nhiên, đại đa số người trồng đều chọn xen canh cây mì. Tại Trảng Bàng, nông dân ở đây lại chọn trồng nhiều giống cây trồng hoa màu khác trên đất trống trong vườn cao su non. Cách này xem ra cũng khá hiệu quả.

Anh Hồ Văn Bích thu hoạch cà pháo xen canh trong vườn cao su

Gia đình anh Hồ Văn Bích ở ấp Chánh, xã Gia Bình đã áp dụng mô hình canh tác trên và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tại các lô cao su mới một năm tuổi, anh Bích trồng xen canh được 3ha cà pháo, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Bích cho biết, cây cà pháo cho thu hoạch trong vòng 6 tháng, chi phí trồng cà không cao, dễ chăm sóc, ít tốn công. Với giá bán bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/1kg, trừ chi phí anh Bích còn lãi khoảng 7 - 8 triệu đồng, dự kiến đến cuối vụ thu thêm được 4 - 5 triệu đồng.

Nhiều hộ nông dân ở huyện Trảng Bàng cũng đã thoát nghèo nhờ vào việc mượn đất vườn cao su mới trồng để trồng xen canh các loại cây ngắn ngày. Đây là mô hình canh tác mới rất hiệu quả, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.

Hiểu Sinh

 

 


 
Liên kết hữu ích