BAOTAYNINH.VN trên Google News

180 năm Tây Ninh:

Trảng Bàng - tăng tốc phát triển theo hướng công nghiệp hoá

Cập nhật ngày: 14/08/2016 - 10:51

Một góc Thị trấn huyện Trảng Bàng nhìn từ trên cao.

Huyện Trảng Bàng nằm ở cửa ngõ phía Nam, kết nối tỉnh Tây Ninh với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Dưới triều vua Minh Mạng (1791 – 1841), vùng đất này nằm trên trục lộ giao thông huyết mạch, rất quan trọng đối với chiến lược quốc phòng, quan hệ ngoại giao đối với lân bang vương quốc Khmer nên đã được triều đình chọn làm địa điểm dinh điền, đóng chốt quân sự. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, với truyền thống kiên cường anh dũng, quân và nhân dân huyện Trảng Bàng lập nên nhiều chiến công vẻ vang, ghi dấu son chói loà trong những trang sử hào hùng của dân tộc.

Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, cùng với các huyện trong tỉnh thực hiện đường lối đổi mới, Trảng Bàng đã đạt được nhiều thành tựu. Tình hình chính trị-xã hội được giữ vững; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc.

Mới đây, ngày 6.4.2016, huyện đã phối hợp với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, một nghề truyền thống của người dân Trảng Bàng có từ hơn 100 năm nay. Lễ hội tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống của làng nghề này sau khi đặc sản bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tiếp đó, đến ngày 10.6.2016, UBND huyện Trảng Bàng long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Trảng Bàng là đô thị loại IV. Đây là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho Trảng Bàng nỗ lực phát triển Thị trấn xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện, phù hợp với phương hướng phát triển đô thị của tỉnh nhà.

Có thể thấy huyện Trảng Bàng đang ngày một chuyển mình phát triển mạnh. Cụ thể, từ một huyện nghèo, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 80%, đến nay cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 87%. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy mọc lên đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, đô thị của địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời và Khu chế xuất Linh Trung III thu hút gần 200 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay đã có 100% đường liên huyện, 78% đường liên xã được nhựa hoá, 100% đường liên ấp, giao thông nông thôn nội đồng được cứng hoá, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, 100% xã có trạm y tế, có trường học, bưu điện… Nhiều công trình tái thiết Thị trấn được mọc lên như công viên 29.4, siêu thị Co.opMart Trảng Bàng, nhà truyền thống huyện, quảng trường trung tâm… đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của huyện.

Từ một huyện thu ngân sách không đáng kể, năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng, các mặt văn hoá xã hội phát triển toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm, số hộ nghèo từ những năm đầu giải phóng có tới 60%, đến nay kéo giảm chỉ còn 2,3%, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,96%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch vệ sinh đạt 93%, giải quyết việc làm mới hằng năm cho gần 3.000 lao động. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thường xuyên. Quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, nhất là tập trung xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Hệ thống chính trị được quan tâm củng cố toàn diện đồng bộ, kiện toàn về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh thực hiện đến tận cơ sở, từng ấp, khu phố. Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng đã tạo sự chuyển biến tích cực rõ nét cả về nhận thức hành động trong hệ thống chính trị và trong cán bộ đảng viên.

Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Trảng Bàng tiếp tục đoàn kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện nhà vững về chính trị, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiểu Sinh