Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trảng Bàng: Tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương
Chủ nhật: 19:13 ngày 04/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ông Trương Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng cho biết, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Đáng lưu ý như vùng chuyên canh dứa ở cánh đồng biên giới xã Bình Thạnh; bưởi da xanh ruột hồng ở 2 xã Hưng Thuận và Đôn Thuận (thay thế cây cao su); sầu riêng, bắp giống ở xã Lộc Hưng; bắp giống, hoa lan, bò sữa, rau rừng ở xã An Tịnh; rau rừng, hoa lan, bò sữa ở xã Gia Lộc; cây đinh lăng ở các Gia Lộc, Lộc Hưng...

Cánh đồng lớn chuyên canh dứa ở cánh Tây huyện Trảng Bàng.

Định hướng trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng lớn ở 3 xã cánh Tây (Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ) với hai loại cây dứa và lúa. Ở các xã cánh Đông dự kiến phát triển cây dứa, mít Thái lá bàng, bưởi da xanh, rau ăn quả, dưa lưới, dưa lê...

Theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Trảng Bàng chọn các loại cây lúa, rau màu, cây ăn quả, bắp, hoa lan, đậu các loại và cây dược liệu (đinh lăng, nha đam)... Về cây lúa, quan tâm cơ giới hóa, chuyển đổi giống và sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện HTX nông nghiệp Gia Bình thực hiện cấy lúa giống bằng máy và có bao tiêu sản phẩm.

Đối với cây bắp, hằng năm nông dân ký hợp đồng với các công ty sản xuất giống trồng khoảng 800 ha bắp giống, với giá bao tiêu 8.600 đồng/kg; lợi nhuận bình quân từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha/vụ. Vụ Đông Xuân 2018- 2019 đã có 6 công ty sản xuất giống ký hợp đồng với nông dân Trảng Bàng trồng 1.300 ha bắp bao tiêu sản phẩm (gồm 1.110 ha bắp giống, 200 ha bắp thương phẩm). Cây bắp giống không chỉ mang lại hiệu quả cao cho người dân, mà còn tiết kiệm nguồn nước thủy lợi, cải tạo đất. Ngoài ra, nông dân còn trồng xen dưa hấu trên ruộng bắp, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho người dân.

Một vườn hoa lan cắt cành ở Trảng Bàng.

Hiện nay, Trảng Bàng có 85 ha hoa lan cắt cành. Sản phẩm hoa lan ở Trảng Bàng có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, với giá bình quân 5.000 đồng/ cành, doanh thu 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Sau 3 năm người trồng thu hồi vốn; từ năm thứ 4 trở đi người trồng có lợi nhuận 800 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, sau 3 năm trồng, người trồng có thể bán được giống, tăng thêm thu nhập.

Về cây ăn quả, trên địa bàn huyện hiện có mô hình trồng chuối già Nam Mỹ có bao tiêu sản phẩm với diện tích 83 ha, trong đó có 70 ha ở xã Đôn Thuận áp dụng mô hình công nghệ cao, sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.  Mô hình trồng dứa tại xã Bình Thạnh, có Công ty cổ phần Lavifood đã ký hợp đồng với người dân bao tiêu sản phẩm 200 ha, hiện đã xuống được 40 ha.

Về cây rau, đáng lưu ý là nông dân trồng rau rừng đã thành lập tổ hợp tác, có chứng nhận VietGAP và đã có công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 trang trại trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 12 ha (ở 2 xã Lộc Hưng và An Tịnh). Sản phẩm dưa lưới được bán vào hệ thống siêu thị ở các nơi.

Nông dân Trảng Bàng nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong chăn nuôi, đáng lưu ý trên địa bàn huyện là bò sữa và gia cầm. Con bò sữa có mặt trên đất Trảng Bàng khá lâu và tiếp tục phát triển. Những năm qua, bò sữa được đánh giá là vật nuôi đem lại hiệu quả cao. Hiện nay đàn bò sữa của huyện có hơn 4.700 con. 100% sản phẩm sữa bò tươi được 2 công ty ký hợp đồng thu mua, với giá sữa bình quân 12.000 đồng/kg.

Về gia cầm, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam ký hợp đồng chăn nuôi gà thịt theo mô hình lạnh với 3 trang trại trên địa bàn huyện, tiêu thụ khoảng 560.000 con/năm. Đây cũng là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục