Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đang là mùa trăng rạng rỡ nhất trong năm- mùa Trung thu tháng 8, lại vẩn vơ nhớ đến những vầng trăng trong thơ các thi sĩ nước nhà. Kỳ ảo nhất có lẽ là trăng của Hàn Mặc Tử, người viết rất nhiều trăng.
Câu thơ của ông được nhớ nhất là: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi…”. Cùng nhóm “Bàn thành tứ hữu” ở Bình Định với Hàn Mặc Tử là Chế Lan Viên. Nhưng trăng của Chế, khi đã là người đồng hành với nhân dân trong kháng chiến đã trở nên gần gũi thân thương với khắp cả mọi người. Đấy là vầng trăng ở Trường Sơn: “Giữa hai cây, lại đôi mắt em nhìn/ Anh đến suối, mặt em cười dưới suối/ Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi/ Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng theo”. Cũng ở Trường Sơn, vầng trăng của người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật là: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”.
Ở Tây Ninh, tôi cũng nhớ được mấy vầng trăng thi sĩ. Như Trần Ninh Hồ viết trên căn cứ R (Trung ương Cục) thời chống Mỹ: “Nửa đêm thức, có khi trăng/ Lóng la lóng lánh trăng bằng thuỷ ngân/ Thân bằng lăng thoắt trắng ngần/ Nước da lính cùng trắng dần… lạ chưa”. Thật là cả một niềm lạc quan cách mạng, khi người lính tái mét vì sốt rét rừng thì nhà thơ lại cho là tại vì trăng…
Còn thời hiện đại, phố Tây Ninh cũng có nhà thơ Phương Đình với vài dòng thơ nhuốm phong vị cổ thi, đấy là: “Trăng hạ tuần như dấu tay em bấm/ Nền trời Tây thương lắm dấu móng tay…”. Cũng nhờ câu này của Phương Đình, mỗi khi thích nhìn trăng muộn, tôi lại ra bờ rạch Tây Ninh vào cuối tháng để ngắm nhìn một lúc hai trăng. Một lơ lửng như cánh diều giữa trời. Một lửng lơ như con đò nhỏ chênh chao trên mặt nước.
Ối chà, trăng! Tiện cũng kể luôn rằng, nếu tìm trăng vào đầu tháng thì tốt nhất là ra bờ rạch Tây Ninh ở phía vườn chim thuộc khu phố 4, phường 3. Còn vào những đêm giữa tuần trăng thì cứ việc ra đứng trước hiên nhà, ngó quanh quất là sẽ thấy ngay trăng. Trăng cứ đầy dần, rồi lại vơi dần sau cái đêm tròn đầy “viên mãn” vào đêm mười lăm, mười sáu.
Rồi đến một lúc nào đó, tôi lại muốn đặt ra câu hỏi có vẻ hơi ngây ngô, rằng trăng Tây Ninh có gì khác với các vùng miền khác? Là hỏi cho có vậy thôi! Nhưng đã tự trả lời, rằng có khác. Không khác thì làm sao sắp tới đêm rằm tháng Tám là người miền Tây lại nô nức kéo về Tây Ninh dự đêm hội trăng rằm. Không rõ bây giờ có còn không, nhưng vài năm trước đây bà con các tỉnh còn thuê cả ghe tàu theo sông Vàm Cỏ Đông lên từ vài ba bữa trước rằm. Tan hội lại ra ghe ngay trong đêm rằm về xứ.
Đêm hội này ở Tây Ninh có tên gọi là Hội yến Diêu Trì cung với đầy ắp hoa tươi, bánh và trái cây trong các gian trưng bày rực rỡ, trang trí cầu kỳ, lung linh đèn nến. Cũng có đám rước cộ bông Phật mẫu cùng các tốp múa rồng nhang, long, lân, quy, phụng. Ai nhớ những gì là đặc sản quê hương, ra đấy tìm chắc có! Từ những trái dưa hồng, dưa lê miền Bắc; mè xửng Huế, kẹo gương xứ Quảng hay là bánh pía Sóc Trăng…Sản vật quê hương Tây Ninh chắc chắn phải có bánh ú lá tre gói cực khéo xếp cao như ngọn núi…
Độ vài năm qua, vào giờ sắp rước cộ bông thế nào cũng có mây đen vần vũ doạ trời mưa. Ấy thế cuối cùng trời cũng đẹp, cho đám rước được bình yên, suôn sẻ. Và có lẽ quan trọng nhất là để ánh trăng rằm lừng lững hiện ra giữa bầu trời quang quẻ. Ánh trăng chan chảy trên những cánh rừng đen thẳm, trên những dòng người háo hức, gương mặt ngời ngời sáng một màu trăng.
Và tôi cũng tin rằng trong dòng người từ miền Tây lên, để quá nửa đêm rằm trở lại tàu để về quê sẽ được “thưởng trăng” Tây Ninh trên sông Vàm Cỏ Đông. Nước láng lai, bát ngát và trăng thì lai láng. Vậy thì rõ là trăng rằm ở Tây Ninh đã khác hẳn các miền quê khác. Bắt chước một tứ thơ Hàn Mặc Tử, có thể là: “sông Vàm đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng chan đầy cả lối ghe…”. Những người từng gặp trăng như thế, hỏi sao mà không hẹn ngày về!
NGUYỄN