Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025:
Tránh dàn trải khi lựa chọn thực hiện các dự án
Thứ tư: 12:24 ngày 19/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 18.10, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là BCĐ) chủ trì phiên họp thứ 2 của BCĐ nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu (MTQG), đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Phó Trưởng BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2021 và thành viên BCĐ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cả nước có 5.854 xã (chiếm 71,2% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 12 xã (0,15%) so với tháng 8.2022. Trong đó, có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 88 xã so với kết quả báo cáo tháng 8.2022); 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 5 xã so với kết quả đến tháng 8.2022); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, trong 9 tháng, ước tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Đến nay, cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 Chương trình MTQG chưa phân bổ, giao kế hoạch là hơn 99.898 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).

Đến nay, có 52/52 địa phương (được giao vốn ngân sách Trung ương) đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó, 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao; 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương đạt khá. Trong đó, Tây Ninh đạt cao nhất với 74,55%; kế đến là tỉnh Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%); Hà Nam (39,1%); Vĩnh Long (47,57%), Thái Nguyên (17%).

Các khó khăn được nêu lên tại hội nghị là tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm so với tiến độ được giao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các chương trình. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành. Đến ngày 30.9.2022, có 37/52 địa phương đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn.

Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30.9.2022, tỉnh Tây Ninh giải ngân hơn 2.785 tỷ đồng, đạt 75,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 65,25% kế hoạch HĐND tỉnh giao (tăng 8,3% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến hết ngày 31.10.2022 là hơn 3.206 tỷ đồng, đạt 87,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 75,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31.8.2022, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các Chương trình MTQG đã giải ngân gần 180 tỷ đồng, đạt khoảng 0,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến 30.9.2022, các địa phương giải ngân được khoảng hơn 926 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch.

Tây Ninh đã ban hành văn bản, tổ chức thực hiện các chương trình trên địa bàn. Thời gian tới, Tây Ninh quyết tâm giải ngân toàn bộ vốn Trung ương và địa phương giao.

Trước khó khăn khi lần đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tây Ninh đề nghị BCĐ Trung ương hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung hoàn thiện quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn theo quy định; khi triển khai cần lựa chọn dự án bảo đảm tập trung, tránh dàn trải, manh mún ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền phân giao. Các địa phương cần triển khai ngay các dự án đã được chuẩn bị và có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Phó Thủ tướng thường trực cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương liên quan tập trung rà soát, hoàn thành việc ban hành các hướng dẫn còn lại ngay trong tháng 10.2022 để các tỉnh, thành có cơ sở triển khai thực hiện.  

C.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục