BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trao đổi, thu thập thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại căn cứ Cần Lê

Cập nhật ngày: 16/09/2015 - 06:00

Tham dự hội nghị có thiếu tướng Trần Văn Hùng – Phó Chính ủy Quân khu 7, thiếu tướng Võ Quyết Chiến – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng một số nhân chứng là cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 165 từng tham gia trận đánh ở căn cứ Cần Lê (Tống Lê Chân).

Ông Nguyễn Trường Hưng, một trong những nhân chứng tham gia trận đánh vào căn cứ Cần Lê, cung cấp các thông tin liên quan đến trận đánh.

Căn cứ Cần Lê được Mỹ cho xây dựng tại khu vực ranh giới giữa tỉnh Bình Long (cũ) và tỉnh Tây Ninh (nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), trên một ngọn đồi cao khoảng 50m so với mực nước biển, có diện tích khoảng 2.000m².

Căn cứ này là một trong các hệ thống căn cứ liên hoàn dọc theo tuyến biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, có vai trò trực tiếp huấn luyện lực lượng đặc biệt, đồng thời là căn cứ phòng thủ biên giới.

Tháng 7.1967, Bộ Tư lệnh Miền (B2) chỉ đạo các đơn vị mở đợt hoạt động Lộc Ninh – Hớn Quản nhằm mở rộng vùng căn cứ giải phóng và thông quan các tuyến giao thông huyết mạch nối liền các khu căn cứ địa cách mạng với căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1967 – 1968.

Theo kế hoạch, đêm 6 rạng sáng ngày 7.8.1967, Trung đoàn 165- Sư đoàn 7 được tăng cường Đại đội Cối 120mm (04 khẩu), Đại đội SMCX 12,7mm (6 khẩu) tấn công căn cứ Cần Lê. Trong trận đánh này, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh không lấy được thi hài khoảng hơn 100 người, bởi sau trận đánh địch đã thu gom thi hài  các liệt sĩ của ta và đào hố chân lấp tập thể.

Năm 1996, căn cứ từ các thông tin thu thập được, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Cục Chính trị Quân đoàn 4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cùng huyện Tân Châu và  chính quyền xã Tân Hòa tổ chức khảo sát, đào tìm vị trí hố chôn hài cốt liệt sĩ tại căn cứ Cần Lê 7 lần, tổng thời gian tìm kiếm trên 140 ngày với hơn 1.000 ngày công lao động, sử dụng máy xúc đào lấp gần 70.000m3 đất đá, với phạm vi tìm kiếm trên 100.000m² (10 ha), nhưng chưa phát hiện được hài cốt liệt sĩ chôn tập thể, mà chỉ phát hiện và quy tập được 24 hài cốt liệt sĩ (chưa xác định được tên) xung quanh căn cứ biệt kích Cần Lê.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức an táng 24 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên.

Thiếu tướng Trần Văn Hùng – Phó Chính ủy Quân khu 7 phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các ông Nguyễn Trường Hưng, Nguyễn Hữu Tá và Hà Hữu Thông thuộc tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 165 là những cán bộ, chiến sĩ đã tham gia trực tiếp trận đánh căn cứ Cần Lê rạng sáng ngày 7.8.1967 cung cấp những thông tin liên quan đến trận đánh và số lượng các chiến sĩ hi sinh.

Ông Nguyễn Văn Khay, một binh sĩ chế độ cũ và là người trực tiếp thu gom thi hài các liệt sĩ của quân ta tại trận đánh này, đã cung cấp thông tin chi tiết những diễn biến trong quá trình thu gom và mang thi hài liệt sĩ đi chôn ở khu vực gần cuối đường bay khu căn cứ Cần Lê.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Văn Hùng – Phó Chính ủy Quân khu 7 đánh giá cao thông tin mà những nhân chứng cung cấp, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm được những thông tin hữu ích để giúp cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở căn cứ Cần Lê đạt hiệu quả hơn trong đợt tìm kiếm sắp tới.

Thiếu tướng  Trần Văn Hùng cũng đề nghị Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh và Ban chỉ đạo 1237 – UBND tỉnh Tây Ninh tiếp thu đầy đủ các thông tin liên quan để thực hiện tốt công tác khảo sát tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại khu căn cứ Cần Lê.

Hoa Lư