Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tán thành việc trao chức năng giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước, song một số đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần trao quyền tự chủ nhiều hơn, tránh can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức này khi thảo luận về Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 16.11.

|
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Cao Sỹ Kiêm kiến nghị dự thảo Luật cần mở rộng hơn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
“Để đảm bảo cho việc thực thi Luật ngày càng hiệu quả, cần có những quy định cụ thể ngay trong Luật, tránh việc phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sau này”, ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Hảo (Hải Dương) cho rằng, không nên cấm ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán, mà chỉ nên đưa ra những quy định chặt chẽ, khống chế ở một tỷ lệ nhất định.
Đối với vấn đề nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng như quy định tại Điều 51 của dự thảo là phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM Nguyễn Đăng Trừng đề nghị "việc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính định hướng, còn việc bầu ai là do đại hội cổ đông của tổ chức tín dụng đó quyết định".
Bày tỏ quan điểm của mình đối với vấn đề góp vốn, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề xuất mức "hạn ngạch" 10% với cổ đông cá nhân, nhưng cần nâng lên mức không quá 30% đối với cổ đông là pháp nhân, để có thể huy động được vốn của các tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đưa các ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Còn Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tiến Quân đặt vấn đề cần quan tâm thích đáng đến các tổ chức tín dụng hợp tác xã như các Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã, và tạo điều kiện để loại hình tín dụng này hoạt động bình đẳng với các tổ chức tín dụng khác.
Theo dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được tiếp tục xem xét, thảo luận tại Kỳ họp tháng 5.2010 tới đây.
(Theo chinhphu.vn)