Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trao quyền tự quyết nhiều hơn cho TP HCM
Thứ hai: 15:19 ngày 29/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trao quyền và chú trọng yếu tố con người là 2 điểm nhấn quan trọng của dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM

Phóng viên: Trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (dự thảo Nghị quyết). Thưa bà, để TP HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước thì cần những cơ chế, chính sách cụ thể nào?

- Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH: Khi QH ban hành Nghị quyết số 54/2014/QH14 (Nghị quyết 54), tình hình của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung ở trong một bối cảnh khác. Đến nay, sau thời gian triển khai thực hiện, bối cảnh đã có nhiều thay đổi.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH.

Qua tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù. Tuy nhiên, các chính sách hiện có cơ bản chỉ tương tự các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức đột phá. Trong khi đó, TP HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, khoảng 27%. Do vậy, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, vượt trội hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển cho TP HCM.

Các cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị quyết đều được đánh giá mang tính đột phá, tạo sức bật cho TP HCM thời gian tới. Trong đó, bà đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách nào?

- Tôi đặc biệt quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền cho TP HCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, trao quyền nhiều hơn cho thành phố trong việc quyết định các vấn đề lớn. Nếu chúng ta không trao quyền nhiều hơn cho TP HCM, sẽ làm giảm tính năng động, sáng tạo, hiệu quả của thành phố.

Nếu mạnh dạn trao quyền, thành phố sẽ được tự quyết định một số vấn đề lớn, khi đó thủ tục hành chính sẽ giảm đi rất nhiều. Với các thủ tục hành chính được cắt giảm, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí. Như vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ thông thoáng hơn.

Nếu TP HCM được trao những cơ chế, chính sách đặc thù, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ thông thoáng hơn. Trong ảnh: Du khách tham quan, mua sắm ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo tính toán, khi trao quyền cho thành phố, có những thủ tục rút ngắn được 2 năm, đặc biệt các thủ tục đầu tư. Hai năm là khoảng thời gian quan trọng, mang lại nhiều cơ hội cho thành phố. Bởi trên thực tế, khi chậm trễ 1-2 tháng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư, cơ hội về phát triển kinh tế. Trao quyền tự quyết cho thành phố nhiều hơn cũng là thúc đẩy sự năng động, sáng tạo cho thành phố.

Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tổ chức bộ máy thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra những cơ chế, chính sách như thế nào về tổ chức bộ máy để TP HCM có thể phát huy được thế mạnh?

- Dự thảo Nghị quyết đã tính toán để bộ máy của TP HCM đáp ứng được khối lượng công việc tăng lên, trách nhiệm cao hơn. Do cần có đội ngũ cán bộ phù hợp, thành phố sẽ có thẩm quyền quyết định một số nội dung liên quan đến cán bộ, đơn cử như số lượng cán bộ, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cụ thể, dự thảo đã đưa ra quy định UBND huyện thuộc TP HCM có không quá 3 phó chủ tịch. UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 người trở lên có không quá 3 phó chủ tịch. Tôi cho rằng TP HCM có đặc thù riêng, mật độ dân số cao, do đó để tăng cường hiệu quả quản lý thì việc tăng số lượng cấp phó là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế để giải quyết những khó khăn hiện nay do thiếu lãnh đạo quản lý.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ HĐND thành phố có thẩm quyền căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy. HĐND ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn.

Tôi đánh giá cao khi dự thảo Nghị quyết đã chú trọng đến yếu tố con người. Bởi bên cạnh các cơ chế, chính sách khác thì con người luôn là yếu tố tiên quyết. Nếu trao quyền nhiều nhưng bó buộc về cơ chế con người thì rất khó để thành phố thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

TP HCM cần có các bước chuẩn bị như thế nào để khi dự thảo Nghị quyết được thông qua thì sẽ bắt tay vào triển khai ngay?

- Đây là vấn đề đại biểu QH chúng tôi rất quan tâm. Tôi cho rằng TP HCM đã chuẩn bị tâm thế, chủ động các bước để cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách đặc thù khi nghị quyết mới được ban hành. Thời gian thực hiện nghị quyết như đề xuất của Chính phủ là 5 năm, nếu thành phố không có sự chuẩn bị trước thì sẽ lãng phí về thời gian và cơ hội.

Với sự chuẩn bị đó, ngay sau khi dự thảo Nghị quyết được thông qua, TP HCM cần khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị. Nếu không làm với tinh thần khẩn trương, TP HCM sẽ khó tận dụng được những cơ chế, chính sách này để bứt phá. 

Tránh nhiều về số lượng nhưng ít sáng tạo

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhận định cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền TP HCM nghiên cứu, xây dựng công phu, tâm huyết, cầu thị, nghiêm túc. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực khác nhau, cụ thể: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của TP HCM và Tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, đồng thời tích hợp một số chính sách mới tương đồng chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố đã được QH cho phép áp dụng (Khánh Hòa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ...). Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách nêu trên sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của thành phố.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 31.

Tại dự thảo Nghị quyết có một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu để có bước đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một số quy định còn rập khuôn các địa phương khác như chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược... Trong khi đó, có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, tương xứng với quy mô, vị thế của thành phố.

Minh Chiến

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục