BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Trâu đá 

Cập nhật ngày: 29/11/2019 - 14:27

BTN - Tiệm đá của anh Sáu Phước thì tôi đã biết từ lâu. Tiệm ở ven đường quốc lộ 22B xuyên qua xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Trước cửa tiệm lúc nào cũng chất đầy những đồ mỹ nghệ tạc bằng đá. Bảo đảm đá này là nguyên chất granite lấy ở núi Bà Ðen.

Thôi thì rồng, phượng, lân, quy đã tạc xong, hiện nguyên hình như các bác thợ cả mới “moi ra” từ lòng khối đá. Những bảng đá thờ hay đặt đầu bia mộ được đánh bóng đen huyền, nổi bật những hàng chữ trắng hay vàng. Những trụ đá trơn tru, để mộc màu đá trắng hoặc đã mài cho đen bóng. Nhiều nhất vẫn là các tán đá kê chân cột, chắc là để cho các bác “đại gia” dựng nhà mát bằng gỗ quý ở giữa các sân vườn biệt thự.

Chợt liên hệ, có hai thứ gần đây thấy ngày càng nhiều trên các phố Tây Ninh. Một là loại nhà tôi vừa kể, không chỉ ở nhà các đại gia mà còn thấy nhiều ở các quán cà phê. Món thứ hai là xe ô tô con đưa đón học sinh đi học, đậu la liệt trước cổng các ngôi trường.

Ðá mỹ nghệ của tiệm Sáu Phước xưa nay tôi nhìn đã quen. Thứ anh tự hào thường kể hoặc chỉ vẽ cho tôi xem là bộ Tứ linh. Tượng tròn thì có rồng, quy (rùa), lân (sư tử) đá. Riêng phượng thì thường chỉ đục thành phù điêu trên đá tấm. Khỏi phải kể thì ai ai cũng biết rồi, những món ấy đục đẽo cầu kỳ, công phu lắm! Ðường nét đục chạm phải vô cùng sắc sảo và điệu nghệ, như lông xoáy tít của con lân.

Ðấy là còn chưa kể tới dáng dấp uy phong của tượng rồng vẫy đuôi cứ cuồn cuộn như mây nổi hoặc lăn tăn như sóng nước. Trông hiền lành dễ thương nhất chỉ có tượng quy (rùa). Bác cứ lầm lỳ y như khối đá, chỉ cái đầu đường bệ cất lên như là đang rẽ sóng giữa trùng khơi.

Nhìn đã quen, nên mọi lần đi qua, tôi chỉ ghé mắt nhìn mà không vào nữa. Nhưng mà lần này thì buộc phải dừng xe. Bởi đã có một ảnh hình quen thuộc dễ thương như từ quá khứ hiện về.

Thì ra bữa nay anh Sáu Phước có tạo hình trâu đá. Nhìn trâu, bỗng thấy ngân rung trong lòng một đôi câu ca cũ, rằng: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”. Lại nhớ câu ca dao mới, chắc là ra đời khoảng chục năm trước, từ một vùng quê nghèo còn cực kỳ gian khó. Ðấy là: “Ông lão theo trâu đi bừa/ Là con ông lão ngày xưa đi cày”. Ðọc mà muốn rơi nước mắt.

Bây giờ thì đố ai tìm được trâu cày trên đất Tây Ninh. Bởi từ vùng đồng gần cho tới những ruộng xa, toàn thấy chạy phăm phăm những máy cày, máy xới… Muốn tìm được trâu ư? Cứ theo kinh nghiệm của tôi là phải vào tận lòng hồ huyện Dương Minh Châu, hoặc ở bờ kênh Ðìa Xù, gần chốt Cây Me - Lợi Thuận. Mà ở đấy cũng chỉ gặp những đàn trâu béo mầm, hùng hục chạy trước ngọn roi của người chăn dắt mà thôi.

Trở lại với tiệm đá nhà anh Sáu Phước. Ai đặt hàng đây mà anh đã hoàn thành ba con trâu, mà chắc là một trâu mẹ và hai chú nghé con. Tôi xoè tay đo ướm, thấy trâu mẹ dài khoảng 1,3m, bề ngang gần 9 tấc. Nghé thì nhỏ hơn, nhưng cũng đã đủ cả bộ vó với đôi sừng cong nhọn. Cái mũi đen hếch lên như “nghé ọ” hoặc tìm ăn. Trâu mẹ thanh thản nằm, nần nẫn những “vai u, thịt bắp”. Ðường nét giản đơn, không lấy gì làm phức tạp, mà trâu đá vẫn toả lan tình mẫu tử.

Ừ, sao lại không phải là trâu nhỉ, con vật rất gần với nghề nghiệp nông gia. Tôi đã thấy tượng trâu ở đâu đó. Ðấy là trâu nằm ở sân đình Gia Lộc. Nhớ ngày lễ hội Kỳ yên ở đấy (đã thành di sản phi vật thể quốc gia) thế nào cũng có cả đám trẻ em chơi với tượng trâu. Chúng leo trèo lên lưng trâu, vui đùa khúc khích cả giờ không chán. Nơi khác, là đình Bến Chò Thạnh Ðức.

Bên bàn thờ Thần nông, người ta đặt cả một đôi trâu. Chỉ tiếc là kích cỡ quá nhỏ, còn thua cả đôi cò cũng đặt trước bệ thờ. Tiếc nữa là các đôi trâu vừa kể đều làm bằng xi măng, cốt sắt. Ðâu có được bền bỉ, hiên ngang như trâu đá núi Bà.

Tôi kể chuyện này, cũng đôi chút hy vọng đến tai các đại gia đi lên từ nông nghiệp ở tỉnh nhà. Có ai nghèo như Thị Nở, Chí Phèo, mà có vị vẫn đặt tượng chơi ở ngoài sân. Vậy thì cũng nên có một đôi trâu đá, dẫu sao thì có thời đấy cũng là “linh vật” nền văn minh lúa nước của cha ông.

NGUYỄN