BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp quốc hội:

Trẻ em được quyền lao động và được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

Cập nhật ngày: 25/03/2016 - 10:53

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Phát biểu tại hội trường kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII chiều ngày 23.3.2016 về quyền trẻ em được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động tại Điều 26 của Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em” là chưa bao quát đầy đủ quyền của trẻ em về lao động.

 Đại biểu Phương biện luận: Dự thảo luật cần phải quy định một cách trực tiếp là “trẻ em được quyền lao động” nhưng Điều 26 đã không thể hiện. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 164 Bộ luật Lao động (BLLĐ) thì trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên đã có quyền lao động. Và công việc được BLLĐ quy định chia theo độ tuổi “từ 13 đến dưới 15 tuổi” và “từ 15 đến dưới 18 tuổi”. Vì vậy, cần phải quy định rõ trong dự thảo Luật: “lao động là quyền của trẻ em”. Việc quy định quyền lao động giúp bản thân trẻ em và người giám hộ xác định, lựa chọn con đường tương lai phù hợp với khả năng, năng lực của trẻ, phù hợp với tình hình kinh tế của từng người giám hộ.

Ông Phương cho rằng, trong tình trạng lao động của đất nước ta đang “thừa thầy, thiếu thợ” thì việc trẻ em được lao động, lựa chọn và phát triển lao động lành nghề có tay nghề cao sẽ góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong nội dung Điều 26 (được trích dẫn ở trên) chưa quy định rõ quyền lao động của trẻ em mà chỉ quy định quyền được bảo vệ, vậy là không cụ thể, nhất quán.

Để làm đầy đủ, rõ nghĩa Điều 26 dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương kiến nghị sửa đổi bổ sung như sau:

Điều 26: Quyền được lao động và bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: ‘Trẻ em có quyền được lao động và bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

DUY QUANG

(Lược ghi)