Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc ban lệnh cấm các chương hình thực tế có trẻ em, đặc biệt là con cái của người nổi tiếng, đồng thời siết chặt quản lý các chương trình phát sóng ở nước này.
Nam diễn viên Lâm Chí Dĩnh và con trai trong chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" phiên bản Trung Quốc.
Mục đích của lệnh cấm do Cục Báo chí, Xuất bản, Đài phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) đưa ra là nhằm bảo vệ các em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em có một tuổi thơ bình thường để phát triển.
Theo Tân Hoa Xã, các đài truyền hình ngay sau đó đã ngưng phát sóng nhiều chương trình có con của người nổi tiếng tham gia, trong đó có "Dad! Where Are We Going?” (Bố ơi mình đi đâu thế?) rất ăn khách từng có sự góp mặt của nhiều ngôi sao như Lâm Chí Dĩnh, Hồ Quân, Vương Bảo Cường…
Một thí sinh nhí bật khóc khi không được giám khảo chọn trong chương trình The Voice Kids của Úc năm 2014.
‘Trẻ con cần được là trẻ con’
Việc có nên để trẻ con tham gia các chương trình giải trí trên truyền hình như gameshow, truyền hình thực tế… từ lâu vốn đã là vấn đề tranh cãi của nhiều người lớn.
Năm 2013, nữ ca sĩ cá tính Jessie J đã lên tiếng phản đối việc cho con trẻ tham gia thi tìm kiếm tài năng. Giọng ca Price Tag cảm thấy “rất không thoải mái” khi xem trẻ em thi thố tài năng trên sân khấu Britain's Got Talent, đồng thời kiên quyết cho rằng không được để trẻ em tham gia các chương trình như vậy.
“Tôi không thể nào đồng tình được với chuyện các em phải trải qua 3-4 vòng thi thố hoàn toàn chỉ để giải trí như vậy”, nữ ca sĩ bức xúc.
“Tôi không hiểu tại sao chuyện này lại là hợp pháp, tôi thấy không đúng chút nào. Tôi đã xem các màn biểu diễn của Britain's Got Talent và thấy khán giả cười ồ lên khi xem các em diễn. Lúc đó tôi nghĩ ‘ủa, sao vậy?’,” tờ Daily Express trích lời Jessie.
Nữ ca sĩ cũng bày tỏ mối lo lắng về chuyện các thí sinh nhí sẽ phải hứng gạch đá từ những “anh hùng bàn phím”. “Trẻ con cần được là trẻ con”, chủ nhân bản hit Nobody’s Perfect khẳng định.
Người dẫn chương trình truyền hình kỳ cựu của Anh Bruce Forsyth cũng có cùng suy nghĩ với Jessie J, bày tỏ rằng ông không hài lòng khi nhìn thấy trẻ con khóc trong chương trình Britain's Got Talent.
“Tôi không nghĩ chuyện đó giải trí chút nào”, ông nói trong một lần phỏng vấn với đài BBC năm 2013. “Tôi không nghĩ họ nên đặt trẻ con vào một hoàn cảnh như vậy khi chúng còn quá nhỏ”.
Trẻ em biểu diễn trên sân khấu Britain's Got Talent - Ảnh: ITV
Nên cho tài năng nhí tỏa sáng
Với suy nghĩ ngược lại, nữ giám khảo nổi tiếng của Britain's Got Talent lập luận rằng trẻ em nên được phép tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng, bởi theo cô, nước Anh có quá nhiều tài năng trẻ.
“Mọi người nên nhìn vào sự thật rằng ba mẹ là người rất hiểu con cái họ và họ cảm thấy con mình đủ mạnh mẽ để đứng trên sân khấu”, cô từng chia sẻ với Daily Express.
Thậm chí, hồi tháng 4 năm nay, cô còn tiết lộ muốn có thêm một phiên bản “ban giám khảo nhí” với các thành viên là con gái cô, con gái giám khảo Alesha Dixon và con trai giám khảo Simon Cowell.
“Cùng phe” với Amanda Holden là giọng ca Mama Do Pixie Lott , người sẽ trở thành giám khảo chương trình The Voice Kids tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí của Anh năm 2017.
Trước ý kiến cho rằng thí sinh từ 7 đến 14 tuổi còn quá nhỏ để tham gia, nữ ca sĩ cho biết mình đã có kinh nghiệm trải qua các cuộc thi như vậy từ nhỏ và cô hiểu rõ cảm giác của các thí sinh.
Bàn về tâm trạng các em nếu bị loại, Pixie chia sẻ việc bắt đầu sự nghiệp từ khi còn nhỏ đã rất có ích cho cô vì cô từng trải qua nhiều cuộc thi, bị từ chối nhiều lần và đã quen với thất bại.
“Nếu bây giờ mà mới trải qua những thất bại đó, tôi nghĩ mình sẽ rất khó khăn để vượt qua”, Pixie nói. “Tôi nghĩ nếu thí sinh phải trải qua thất bại lúc nhỏ, việc đó sẽ trở thành bài học và giúp các em mạnh mẽ hơn nếu các em muốn gắn bó với nghề”.
Tham gia show có phải là lao động?
Một số chuyên gia ở Mỹ từng đặt vấn đề lao động trẻ em liên quan đến các chương trình thực tế.
Năm 2010, cô Lynne Marie Kohm, giáo sư luật gia đình Đại học Regent ở Virginia cho biết câu hỏi trẻ em tham gia các chương trình thực tế có phải làm đang làm việc hay không vẫn chưa được xem xét thấu đáo.
Nam diễn viên Paul Petersen, người từng đóng phim từ nhỏ cho rằng các nhà sản xuất chương trình đã lợi dụng kẻ hở luật pháp, vì luật lao động ở Mỹ được quy định khác nhau ở mỗi bang.
"Họ cố tình đi đến các bang không có luật lao động trẻ em", ông nói với Fox News. “Chúng ta cần phải nhìn rộng ra, trẻ em bị ghi hình cho mục đích thương mại tức là chúng đang làm việc”.
Nguồn TTO