Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trên nước
Thứ hai: 04:30 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gió nổi. Trời tối sầm, đường phố vốn đã thưa thớt giờ càng thêm trống trải, lác đác vài người hối hả chạy trốn mưa.

Dưới mái hiên rách nát của một căn nhà không chủ, có đứa con nít ngồi co ro, dựa vào tường gà gật, dù đã chìm sâu vào giấc mơ, bàn tay nhỏ xíu gầy nhom vẫn túm chặt cái bao tải, trong đó nhét mớ “tài sản” là cái bọc nylon đựng vài ba bộ đồ cũ. Cái bao tải này thường ngày dùng để đựng ve chai nhưng bữa nay vì mưa mà trống lơ trống lốc - trống y như cái bụng của nó bây giờ.

Cơn sốt âm ỉ làm nó ứa nước mắt, thi thoảng lại thút thít trong giấc ngủ chập chờn.

Không ai biết nó bao nhiêu tuổi, người ở đâu, con cái nhà ai. Chỉ biết sau một trận lũ lớn, nó bỗng xuất hiện trong khuôn viên chợ với một dáng vẻ khiến người ta không dám lại gần. Tóc tai như tổ quạ, chấy rận bò lóc nhóc, mình mẩy đã gầy còn đen nhẻm, cáu bẩn bám đầy, mặt hốc hác, miệng vẩu ra, hai mắt trắng dã lồ lộ, ngồi trong xó tối nhìn người lại kẻ qua.

Nó không nói, cũng không làm gì, chỉ im lặng trốn trong góc. Ban đầu bà chủ sạp bán đồ hàng bông tội nghiệp, cho nó chút đồ ăn. Ăn xong, nó ngồi luôn ở đó không chịu đi đâu, từ tờ mờ sáng cho tới trưa trờ. Nó cứ nhìn bà chằm chằm, với vẻ ngoài như ma đói, càng làm bà bán đồ hàng bông nổi ốc, tự dưng không muốn đến gần. Mấy bà mấy cô đi chợ cũng vậy, chỉ muốn né nó càng xa càng tốt. Thành ra, nó cứ ngồi lì chờ ăn, làm sạp hàng bông bán ế. Bà bực mình, mấy lần lớn tiếng quát tháo đuổi đi, nó vẫn làm như không nghe, ngồi trơ một chỗ, nhìn bà không chớp mắt.

Giận quá, bà kêu chồng con cầm chổi chà quơ, từ lồng chợ ra rìa chợ, từ rìa chợ ra đường cái. Nó ôm đầu, vừa chạy vừa la, nhưng không ai thèm bênh vực, cho tới khi đuổi nó ra tận mé sông, họ mới buông tha.

Mệt, nó nằm lăn ra đất, ngay dưới hàng dừa, muốn ngủ mà không sao ngủ được. Nó bây giờ nhìn chẳng khác nào cái thây khô, nếu không có bộ ngực lép xẹp phập phồng lên xuống và tròng mắt thi thoảng đảo quanh, người ta đã tưởng nó chết rồi.

Có bà già vé số nọ về ngang, thấy thương mà không dám tới gần, mua ổ bánh mì, bỏ bọc, cột vô đầu nhánh cây rồi đứng ở xa xa mà đưa cho nó. Ăn xong, nó đứng dậy đi theo bà, cách một đoạn xa xa, bà đi nhanh thì nó đi nhanh, bà đi chậm nó cũng đi chậm, suốt một quãng đường dài. Tới chừng bà về tới nhà, quay lại vẫn thấy nó lấp ló ở gốc dừa. Bà thở dài, đuổi không được mà đánh không đành.

Rốt cuộc, bà già cũng đem nó vô nhà tắm rửa sạch sẽ, cho ăn cho uống, đi xin quần áo cũ cho nó bận. Vừa chăm vừa càm ràm, nói suốt hai bữa mà không nghe nó trả lời mới nhận ra là nó câm, bà thở dài thậm thượt rồi đặt tên cho nó là Lạc, còn nó gọi bà là “bà ngoại” - gọi ở trong lòng thôi.

Nhà nhỏ, ngoại sống một mình, Lạc hay nghe ngoại nói với người ta là có thêm nó tuổi già thấy cũng vui hơn, chỉ tiếc là nó không nói được. Vì muốn ngoại vui nên nó ráng tập cười tập nói, mà không hiểu sao nghe không giống tiếng cười tiếng nói của mấy đứa con nít trong xóm. Có lần nó nghe con bé kia nói với cha mẹ mình là tiếng thằng cháu của bà vé số nghe như tiếng heo kêu. Từ đó về sau, thằng Lạc chỉ dám phát ra âm thanh khi ở nhà một mình, nó sợ, ngoại cũng chê tiếng nó.

Có một dạo, ngoại đi bán vé số thì dắt nó theo, chỉ cho nó lượm ve chai, chỉ cho nó bán ve chai lấy tiền mua gạo. Ngoại nói với người ta, ngoại nghèo, ngoại dốt nên chỉ chỉ cho nó được cái nghề này, lỡ sau này có chuyện gì, nó cũng biết tự nuôi thân, chứ không phải nhịn đói nhịn khát như hồi trước. Rồi ngoại bùi ngùi xoa đầu nó, nheo đôi mắt già ngó ra mặt nước mênh mang. Ngoại không cho nó ra sông ra kênh mò cua bắt cá là tại ngoại sợ. Sợ nó giống như con ngoại hồi xưa, nói ra sông bắt cá cho ngoại nấu canh rồi mất biệt luôn, không về nữa.

Lạc ở với ngoại được đâu đó hơn năm, trong một đêm tháng tám mưa gió, bà sốt li bì không dậy được, nó đội mưa chạy qua nhà hàng xóm, đập cửa dồn dập. Nhưng vì nó không biết nói, người ta cứ tưởng nó tới xin gạo xin muối nên lấy đưa, làu bàu mấy câu rồi che miệng ngáp dài, đóng cửa, mặc kệ nó huơ chân múa tay. Lạc ôm mặt khóc rống, nhưng tiếng khóc khản đặc của nó không át nổi tiếng mưa, càng không chống nổi tiếng nước sông rào rào dâng lên.

Tới khi trời tạnh, nắng lên, nước ngập trắng đường, ngoại nó cũng buông tay từ giã cõi trần. Mùa nước nổi đầu tiên nó còn nhớ trôi qua hiu hắt trong tiếng đờn cò sầu thảm, đứt ruột.

Ngoại mất, nhà bị con cháu bán đi sau khi nước rút. Lạc bị đuổi ra đường, lại quay về chuỗi ngày lang thang từ sáng đến tối, lội mương, bới rác để kiếm từng cái chai, bìa giấy carton bán lấy tiền. Nó nhớ ngoại, nhớ lời ngoại nên không ngồi yên một chỗ chờ người ta bố thí.

Mấy ngày nay, mưa ào ạt không ngớt từ sáng sớm cho đến tối mịt, y như cái ngày mà ngoại mất. Lạc ngủ vùi, thi thoảng thức dậy vì cơn đói cồn cào, nó lơ mơ nhìn qua ô cửa sổ sáng đèn ở phía đối diện, thấy đứa con nít nhà nọ giận dỗi khóc lóc rồi rúc vào lòng bà, được xoa đầu, vỗ về, an ủi. Không biết bao nhiêu lần, Lạc tưởng tượng mình là đứa con nít đó. Nó thèm cơm nóng, thèm quần áo lành lặn, thèm hơi gia đình, thèm được sống có cội có nguồn, như cây có rễ chứ không phải là đám lục bình lênh đênh theo con nước. Rồi nó lại ngủ, ngủ để mơ, mơ thấy ngoại. Nhưng cơn mưa vô cảm đã lạnh lùng tạt tỉnh thằng bé từ giấc mộng sâu.

Lạc vẫn bơ vơ.

Sớm mơi, mưa tạnh, nắng hé sau mấy rặng cây cao, trong cơn đói rét điên cuồng, Lạc nhìn thấy đứa bé nhà kia ra đứng chơi ngoài cổng. Nó lao tới giật bánh trên tay đứa nhỏ rồi nhét vội vào miệng. Miếng bánh in ngọt lừ nén chặt cổ nó, không có nước, nó không thở được. Bà của đứa bé nghe tiếng cháu khóc, chạy ra định đánh đuổi nó đi thì thấy nó nằm quằn quại trên đất, hoảng hồn la lớn. Hàng xóm chạy qua, vài người nắm nó lên, xốc cho mấy cái. Nó được cứu.

Rồi ông Sáu Râu không biết từ đâu xuất hiện. Xách nó lên như xách con gà. Ông nói với người ta là hồi ngoại còn sống từng muốn đưa nó cho mình nuôi nhưng đúng lúc ông sắp dọn nhà nên chưa đón đi, bây giờ mọi chuyện đã sắp xếp xong, về tới mới hay tin ngoại nó mất rồi. Lạc không nhận ra ông Sáu. Người ta bán tín bán nghi nhưng không ai hỏi lại, chỉ muốn ông ấy xách nó đi sớm cho đỡ chướng.

Ông Sáu đưa Lạc về nhà, một căn nhà sàn nho nhỏ ven sông, giống như nhà ngoại.

Ông Sáu cũng như ngoại, cho nó tắm rửa, ăn uống, cho nó chỗ ăn chốn ở. Ông còn dắt nó đi làm “giấy tờ” gì đó mà nó không hiểu lắm, chỉ biết chạy theo mỗi lần ông kêu thôi. Mà chắc do ông Sáu trẻ hơn ngoại nên tinh ý hơn, phát hiện nó có thể nghe. Ông gom góp tiền bạc đem nó vô nhà thương- cách ông gọi bệnh viện- khám thử. Nó giãy, nó cào, nó gào, nó khóc, có bệnh đâu mà bắt nó vô đó. Ông Sáu thấy cũng kệ thây, cứ lôi đi.

Không biết khám xong bác sĩ nói gì mà ông Sáu cười toe toét, dắt nó về. Mấy bữa sau lại chở nó lên, đợt đó nó còn ngủ ở nhà thương hết một đêm, thức dậy nghe miệng mình khác khác. Rồi từ đó về sau cứ đôi ba tháng ông Sáu lại đem nó tới nhà thương. Ban đầu nó còn sợ, nhưng từ từ cũng quen. Mỗi lần đi về, hình như ông Sáu lại vui hơn một chút, hay vò tóc nó, híp mắt cười. Ông nói lưỡi nó có tật nên chậm nói, ráng tập từ từ rồi cũng giống người ta. Nó không dám trả lời, nhưng ngày nào cũng đứng ngoài mé sông ô a hết cả buổi.

Ở với ông Sáu lâu ngày, Lạc thấy cũng vui, như hồi được ở với ngoại. Mà còn vui hơn ở chỗ ông Sáu không cấm nó ra sông, hôm nào giăng lưới cắm câu, lại dắt nó theo “cho biết mùi”.

Một bữa, nó đang ngủ ngon thì bị ông Sáu dựng dậy, chất lên xuồng, soi đèn đi thả lưới bắt cá sông, hái bông điên điển, vớt lục bình, tiện tay nhổ thêm ít cọng bông súng ma về nấu canh. Thi thoảng, ông lại lẩm bẩm một mình:

- Cây cỏ thôi, còn biết vươn lên mà sống, nước ngập trắng trời mà tụi nó có chết đâu.

Thấy Lạc ngơ ngác nhìn, ông Sáu bứt cái bông súng vừa nở he hé cài lên tóc nó, ổng nói, con gái phải chưng diện nhiều mới đẹp. Thằng Lạc bĩu môi muốn cãi, nó là con trai chứ có phải gái đâu. Ông Sáu nhìn vẻ mặt phụng phịu của nó, lớn tiếng cười ha hả.

Lạc nhìn hàm râu cá lia thia của ổng, lại nhìn vào con ngươi sáng trong ẩn dưới hai cặp mí nhăn nheo, thấy mình trong đó, bỗng ngỡ ngàng. Không biết từ bao giờ một đứa bé như nó cũng biết giận, biết dỗi, biết hờn giống hệt như bao đứa trẻ khác trên đời.

Nó cũng cười, hái một bông khác, chầm chậm xoay tròn trong tay, từ từ ngả lưng, thảnh thơi nằm dài trong lòng xuồng…

Gió vẫn thênh thênh. Mây vẫn bồng bềnh. Mái chèo vẫn khua đều đều trên nước.

Mặt nước mênh mông đầy nắng, trông ra chỉ thấy loa loá chứ không thấy được bờ, xa xa vài ngọn điên điển thanh mảnh mà cứng cỏi vươn lên, điểm tô lên bức tranh trời nước mênh mông những chấm vàng tươi của cánh hoa vừa len lén nở.

Đ.P.N

Tin cùng chuyên mục