Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trên vùng đất trung tâm Thành phố
Thứ tư: 12:37 ngày 19/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nay, phường 2 đã có thêm toà ngân hàng cao ngất ngưởng 10 tầng, kề bên lại một siêu thị tầm cỡ cũng mới đưa vào hoạt động. Bên kia con rạch, người ta đang xây khu đô thị với nhiều khối “nhà ở xã hội” gần 2.500 căn hộ.

“Gương mặt” phường 2.

Cách đây chừng hơn 6 năm, khi bản quy hoạch chung thị xã Tây Ninh (nay là TP. Tây Ninh) được công bố lần đầu tiên, nhiều người đã hơi sửng sốt trước những ý tưởng mới, táo bạo và mạnh mẽ. Ðấy là việc đưa trung tâm hành chính tỉnh nhà ra khỏi vị trí hiện tại để đến khu vực gần với núi Bà. Còn khu phố cũ, nơi trung tâm hành chính tỉnh từ hơn 250 năm qua sẽ được quy hoạch thành một lõi nén đô thị của một trung tâm thương mại, du lịch và văn hoá.

Nay, phường 2 đã có thêm toà ngân hàng cao ngất ngưởng 10 tầng, kề bên lại một siêu thị tầm cỡ cũng mới đưa vào hoạt động. Bên kia con rạch, người ta đang xây khu đô thị với nhiều khối “nhà ở xã hội” gần 2.500 căn hộ. Vậy mà phường 2 vẫn yên bình, hài hoà nếp sống vừa tỉnh, vừa quê ở hai bên con rạch. Có chăng, chỉ là đường sá, cửa nhà đều đã khang trang, đẹp hơn lên ở các khu phố cũ.

Vậy cũng nên tập hợp những gì liên quan đến phường 2. Ðể hiểu biết thêm về vùng đất trung tâm của trung tâm Thành phố.

Ðọc cuốn Truyền thống cách mạng phường 2, Thị xã (1945-1975) do BCH Ðảng bộ phường 2 thực hiện năm 2009, có một chi tiết rất thú vị- đoạn nói về sách lược của Thị uỷ thị xã Tây Ninh- tận dụng các tổ chức công khai tập hợp quần chúng đấu tranh chống địch: “Thị uỷ đã chỉ đạo Chi bộ Chợ bằng mọi cách thành lập cho được Hội Phụ nữ ở Tây Ninh. Ðồng chí Hoa Sen cùng đồng chí Ba Mỹ sau nhiều lần trực tiếp liên hệ với Hội Phụ nữ Việt Nam ở Sài Gòn… tranh thủ tên Tỉnh trưởng, phát động số chị em có thân thế ở Thị xã tham gia nhân sự BCH Hội Phụ nữ ở Tây Ninh…”.

Thế rồi, đến cuối năm 1957, tại rạp hát Kassy, Ðại hội Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh được tổ chức với hàng trăm đại biểu, trong đó có tới 40 công chức Toà Hành chính. Cả Tỉnh phó Nguyễn Ngọc Lễ cũng tới dự. Tại Ðại hội này, BCH Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Tây Ninh gồm 11 người được bầu, do “bà Tư Alô làm chủ tịch, bà Việt Nữ Phó Chủ tịch, đồng chí Ba Mỹ và một số cán bộ cốt cán khác làm uỷ viên BCH Hội…”.

Ðây quả là một mô hình đặc biệt. Tổ chức công khai được chính quyền Việt Nam cộng hoà khuyến khích và cho phép. Nhưng bên trong thực chất lại là một đoàn thể chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ thị xã Tây Ninh, hoạt động bí mật giữa vòng kềm toả của quân thù. Sang năm 1958, Hội Phụ nữ Tây Ninh ấy đã có hàng ngàn chị em tham gia.

Có lẽ cuốn sử ấy cũng còn vài thiếu sót. Như sự kiện ông Võ Trí Dũng và Ðội Tuyên truyền xung phong dán ảnh Bác Hồ, kéo cờ lên ở nhà lồng chợ (nay là khu chợ đêm, TP. Tây Ninh) vào ngày 19.5.1947 đã không được nhắc đến. Mà đấy chính là vị trí đắc địa nhất của phường 2- trước mặt là Toà Bố tỉnh. Sau lưng là công sở xã.

Hay sự kiện “sân lễ Bác Hồ”- nơi làm lễ kỷ niệm 60 năm sinh nhật Bác Hồ giữa vùng căn cứ kháng chiến lại được ghi: “Ngày 19.5.1951, Ban Cán sự Ðảng và UBKCHC Thị xã phối hợp huyện Châu Thành tổ chức lễ mừng sinh nhật Bác Hồ tại Bàu Sen…” (đúng ra phải là ngày 19.5.1950).

Tuy vậy, cũng được biết thêm: “Hàng trăm đồng bào ở Thị xã, trong đó có đồng bào ở Giếng Mạch, Thái Hoà, các khu phố bằng mọi cách vượt qua các chốt chặn của địch để đến điểm tập kết đã định. Lực lượng C45 và Công an Xung phong đón rước đưa về địa điểm tổ chức lễ”.

Và, không chỉ có thế! Dường như nhiều sự kiện sống còn liên quan đến phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng ở Tây Ninh đều liên quan trực tiếp đến phường 2. Như ngày 16.8.1945 có cuộc họp bàn kế hoạch và “thành lập Ban vận động cướp chính quyền” ở nhà ông Tư Ðẩu. Sách viết ngôi nhà này gần chợ cũ e rằng không chính xác.

Thực ra nó nằm ngay góc ngã tư đường Hàm Nghi- Pasteur, rất gần với Ty Cảnh sát và Khám đường. Quả thật là một phương án khôn ngoan: “Nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất”. Sáng ngày 25.8, khi “các nơi trong tỉnh đưa lực lượng về dự mít tinh ở Thị xã” thì đã có: “lực lượng Thanh niên Tiền phong ở đình Hiệp Ninh có trang bị súng, tầm vông vạt nhọn tiến bước vào sân vận động Thị xã”. Ðình Hiệp Ninh cũng ở phường 2.

Có thể nói hơi khoa trương một chút rằng, đình Hiệp Ninh chính là lớp học quân sự đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh nhà. Theo ông Lâm Quang Vinh- một trong những Thanh niên Tiền phong ngày ấy thì lớp học do ông Lâm Thái Hoà phụ trách, có cả sĩ quan Nhật đến tham gia trợ giúp.

Ðúng hai tháng rưỡi sau, Pháp cho quân cùng tàu đồng, đại bác lên tái chiếm Tây Ninh. 13 giờ ngày 8.11, theo như sách mô tả thì phường 2 đã như “một thị xã chết không người”. Người dân của khu phố chợ đã thực hiện lời kêu gọi “vườn không, nhà trống” của cách mạng. Tất cả tản cư ra mạn Thanh Ðiền (phía ấp Thanh An, tả ngạn sông Vàm Cỏ).

Sách truyền thống, nên phần chủ yếu chắc chắn là những chiến công của lượng lực cách mạng phường 2. Những chiến công đã đem về cho phường danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cao quý, được Chủ tịch nước ký ngày 20.1.1996.

Trong nhiều cuộc tiến công thần kỳ “nở hoa trong lòng địch” ngay trên đất phường 2, nhiều cái tên người và địa danh ta từng nghe, từng đến lại vang lên. Như ngày 18.10.1967, lực lượng vũ trang Thị xã kết hợp lực lượng Châu Thành tập kích trung tâm cố vấn Mỹ (US0M) (nay là khu văn phòng Tỉnh uỷ).

Ðêm ấy, lực lượng tập kết tại bến Miễu (khu phố 5, phường 1) ngày nay, bên bờ Tây rạch Tây Ninh. Rồi đoàn quân vượt sông, tiến nhập theo con đường Giếng Mạch đi lên Trường Nam trung học (THCS Trần Hưng Ðạo hiện giờ). Giờ G đã điểm. Người xông tới, đạn lửa B40 và B41 bừng lên đốt cháy căn cứ địch. 14 tên Mỹ bị diệt.

Bên ta chỉ có Chỉ huy phó Hai Can bị thương nhưng vẫn rút an toàn. Ông Hai sau này vẫn làm việc ở UBND Thị xã (nay là TP. Tây Ninh), trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban Tôn giáo Thị xã. Và cái bến Miễu ấy, mỗi rằm tháng 2 âm lịch là lại tưng bừng lễ cúng bà Ngũ Hành- một đặc trưng của các ngôi miếu gần với các khu phố chợ phường 2. 

Những ngày cuối tháng 4.1975 lịch sử, rất nhiều tấm ảnh chụp cho thấy phố Gia Long cũ lúc ấy náo nức cờ bay, đón bộ đội giải phóng tiến qua cầu Quan vào Thị xã. Những khoảnh khắc lịch sử này, đẹp nhất vẫn là ở trên các khu phố cũ phường 2.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục