BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND tỉnh:

Triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội

Cập nhật ngày: 18/09/2021 - 20:09

BTNO - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 3203 yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 3078/UBND-KGVX ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với cấp độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, xem giải pháp giảm số tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Phải thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế trong thời gian thực hiện giãn cách; thống nhất trong nhận thức, phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện, bám sát thực tiễn,  phát huy tính sáng tạo ở mỗi địa phương; quán triệt tinh thần không có người dân nào an toàn nếu vẫn còn người dân khác nhiễm bệnh, không có địa phương nào an toàn nếu vẫn còn địa phương khác phải chống dịch để luôn luôn đề cao cảnh giác và có biện pháp thích ứng phù hợp.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý sau khi xét nghiệm cần nhanh chóng xác định nguồn lây, tập trung bao vây, dập dịch; phân loại ca nhiễm để thu dung, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả, không để phong tỏa kéo dài trên phạm vi rộng; phong tỏa, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể. Chú trọng xét nghiệm và tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả nhưng phải chú ý bảo đảm cự ly giãn cách theo quy định.

Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần; thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ.

Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn. Đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Khẩn trương hướng dẫn các địa phương thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trước ngày 18/9/2021; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế (Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021; Quyết định 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021; Quyết định 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021; Quyết định 4349/QĐ-BYT ngày 10/9/2021).

Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao hiệu quả của các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch. Cần phân tích kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, tổng thể trước khi tham mưu ban hành chính sách để có tính khả thi và đạt được hiệu quả cao nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và báo cáo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; phát động và triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu UBND tỉnh cùng với quyết liệt phòng, chống dịch, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện xuất phát từ thực tiễn để có các các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng việc triển khai mua sắm để phục vụ lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân, nhất là mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin...

Khi tham mưu ban hành các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông... phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định chung và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; tiếp tục tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất, cầu thị, khiêm tốn lắng nghe (kể cả ý kiến phản biện, trái chiều), phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bảo đảm đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có, huy động tối đa các nguồn lực, hợp tác công tư, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, linh hoạt để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện các biện pháp truyền thông với mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả.

Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và tổn thất khác. Tăng dung lượng tin bài, thời lượng phát sóng với nội dung phổ biến kiến thức khoa học về phòng chống dịch và hướng dẫn về phòng bệnh, điều trị bệnh cho người dân; tiếp tục sản xuất, công chiếu các phim ngắn về Covid-19 để truyền tải thông điệp phòng, chống dịch, các mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch đặc biệt tại cấp cơ sở.

Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương, khen thưởng các cấp, tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch.

Hết sức tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch; nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn, người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức người dân về phòng ngừa dịch rất quan trọng đó là làm sao không để lây nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm 5K và tăng cường tiêm vắc xin. Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục triển khai 6 nhóm trọng tâm trong hoạt động dân vận để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đến các cấp.

Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể tại địa phương theo (tổ, ấp, khu phố…) và xác định mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể, sớm đưa toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, đồng thời tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách tại địa phương. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội.

NTTD