Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Thứ ba: 08:18 ngày 17/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 16-11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành phố; các hội có tính chất đặc thù, có phạm vi hoạt động toàn quốc; hội, quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị. Ảnh: moha.gov.vn

Minh bạch tài chính, hoạt động của các quỹ

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức quần chúng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các tổ chức quần chúng trong việc tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật và điều lệ. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và quá trình dân chủ hóa xã hội, các tổ chức quần chúng ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về loại hình tổ chức và hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, từ Trung ương đến địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, nhìn chung, các hội, quỹ hoạt động cơ bản đều tuân thủ pháp luật và điều lệ, ngày càng thể hiện rõ vai trò tập hợp đoàn kết, phát huy sức mạnh của hội viên và bảo đảm tính dân chủ, tạo điều kiện cho hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo, chủ động tham gia xây dựng đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các hội, quỹ là nhân tố tích cực trong việc thực hiện các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia cung cấp dịch vụ công, tư vấn phản biện các đề án, chính sách góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vai trò quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách của nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về những nội dung cơ bản, điểm mới của Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại đối với hội, quỹ theo quy định tại Nghị định 80/2020/NĐ-CP (về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam); việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động hội, quỹ; hướng dẫn độ tuổi tham gia công tác hội… Lãnh đạo Bộ Nội vụ, đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Tổ chức Trung ương cũng giải đáp các nội dung có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ đến cán bộ, công chức và người làm việc tại các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Những điểm mới của Nghị định 93 đã được ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ thông tin tại Hội nghị. Điểm nổi bật là quy định quỹ chỉ được tiếp nhận, vận động tài trợ trong phạm vi hoạt động của quỹ  đã được quy định trong điều lệ và phải đăng ký mã số thuế, kê khai thuế theo quy định của pháp luật. Ông Tạ Tấn cho biết, quy định bắt buộc quỹ phải đăng ký mã số thuế nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các quỹ công khai, minh bạch tài chính, hoạt động.

Ông Tạ Tấn cũng cho biết, Nghị định nêu rõ, sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam. Trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam. Phòng ngừa việc Việt Nam hóa các tổ chức phi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thông qua quỹ, tăng cường công tác quản lý  nhà nước, Nghị định quy định các quỹ có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản vào quỹ thì số tài sản này không vượt quá 50% so với số vốn do cá  nhân, tổ chức Việt Nam đóng góp.

Lãnh đạo hội không quá 65 tuổi

Thông tin về độ tuổi tham gia công tác hội, ông Kiều Cao Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Vụ 5), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông phân chia các hội thành 3 nhóm: các hội là tổ chức chính trị- xã hội, các hội đặc thù do Đảng, Nhà nước thành lập, giao nhiệm vụ và hội do công dân, tổ chức có cùng sở thích, nghề nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhóm các hội đặc thù có 31 hội, trong đó, có 10 hội được Ban Bí thư thành lập đảng đoàn. Tuổi nghỉ hưu ở 31 hội này thực hiện không thống nhất.

Theo ông Kiều Cao Chung, trong hệ thống chính trị có 3 trục Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể. Trong từng cấp cắt ngang, mỗi cấp có hệ thống cơ quan lãnh đạo, hệ thống cơ quan tham mưu giúp việc. Cán bộ tham mưu giúp việc cho toàn bộ hệ thống tham mưu giúp việc, tuổi công tác và nghỉ hưu thống nhất theo Bộ luật Lao động, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Nữ là thứ trưởng hoặc tương đương thì thực hiện tuổi nghỉ hưu như nam là 60 tuổi. Nhưng cán bộ lãnh đạo hiện nay thực hiện không thống nhất. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam thực hiện giống như các cơ quan Đảng, Nhà nước đối với các đồng chí lãnh đạo… Còn các tổ chức hội khác thực hiện không thống nhất. 

Với nhóm hội do công dân, tổ chức có cùng sở thích, nghề nghiệp thành lập, Đảng, Nhà nước không quy định độ tuổi tham gia lãnh đạo những hội này. Tuy nhiên, các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia thành lập hội và là chủ tịch các hội này phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ cho ý kiến. Theo quy định hiện hành, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến đối với các đồng chí nguyên là Đại tướng trong lực lượng vũ trang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng, ủy viên Ban Bí thư trở lên. Các đồng chí khi đương chức thuộc danh mục cán bộ Bộ Chính trị quản lý khi nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội phải do Ban Bí thư cho ý kiến.

Các đồng chí đương chức là chức danh do Ban Bí thư quản lý, gồm thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương, Thứ trưởng hoặc tương đương, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND thì khi nghỉ hưu phải được Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Ban thường vụ cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương cho ý kiến. Ví dụ, Thứ trưởng khi nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội phải được Ban cán sự Đảng Bộ đó đồng ý mới được tham gia.

Cho biết, tinh thần Kết luận 58 của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác hội và hướng dẫn của Ban Tổ chức trung ương là như vậy, nhưng trên thực tế, theo phản ánh, vẫn có một số vướng mắc… “Kết luận 58 thực ra là giải pháp tình thế để xử lý những trường hợp quá nhiều bác rất lớn tuổi. Báo cáo thực, ở Trung ương vừa qua có những hội bố trí cán bộ lãnh đạo là những bác lớn tuổi quá. Có bác làm Chủ tịch Hội 6 nhiệm kỳ,... ! Đến khi giao cho các anh trên 60 tuổi, bác vẫn cảm thấy không yên tâm vì còn trẻ quá”, ông Kiều Cao Chung nói.

Ông cũng nêu lên thực tế là “đi dự họp đảng đoàn một số hội, vào họp rất giống vào viện dưỡng lão thăm các cụ. Các cụ đi họp tầm 5-10 phút là rất mệt mỏi. Có bác hỏi tôi tới 4 lần làm ở đâu, đến lần thứ 4 tôi đáp: Thưa bác, cháu vẫn tên là Kiều Cao Chung, vẫn làm ở Ban Tổ chức Trung ương”.

Phó Vụ trưởng Vụ 5 cho rằng, theo Kết luận 58, có thể bố trí Phó Chủ tịch và Chủ tịch không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt không có người thay thế thì bố trí người không quá 70 tuổi,  ông Kiều Cao Chung cho biết.

Nguồn Báo Tin Tức

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục