Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 13.4, Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững phối hợp Sở Y tế triển khai kế hoạch hoạt động hợp phần dự án phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ khuyết tật tại Tây Ninh năm 2023.
Ông Lê Quang Dương- Giám đốc VietHealth phát biểu tại cuộc họp.
Hợp phần dự án được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai, thuộc dự án “Hỗ trợ và cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”. Hợp phần dự án do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) quản lý, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững (VietHealth) là đơn vị triển khai thực hiện.
Tại Tây Ninh, hợp phần dự án được triển khai giai đoạn 1 từ tháng 5.2022; giai đoạn 2 sẽ được triển khai từ tháng 4 - 9.2023 thông qua đơn vị đầu mối là Sở Y tế; các đơn vị cùng phối hợp như Sở GD&ĐT, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế 9 huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng. Đối tượng thụ hưởng gồm trẻ khuyết tật từ 0-16 tuổi và gia đình, cán bộ y tế, giáo viên, các bệnh viện, trung tâm y tế và hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) trên địa bàn.
Mục tiêu của hợp phần dự án là nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật thông qua việc triển khai mô hình PHCN toàn diện. Cụ thể, hướng tới nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ PHCN theo định hướng đa chuyên ngành; cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện cho trẻ khuyết tật.
Giai đoạn 1 hợp phần dự án được triển khai trên địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Châu thông qua tập huấn, đào tạo chuyên sâu nâng cao chuyên môn, hướng dẫn can thiệp hành vi cho cán bộ làm công tác. Qua đào tạo, có 99% cán bộ được tập huấn đạt về kiến thức chuyên môn, 88% tiến bộ về kiến thức chuyên môn.
Trong giai đoạn 1, đã có 458 trẻ được khám và 412 trẻ có chỉ định can thiệp, trong đó 24% trẻ đã hoàn thành/đóng ca. Có 31 trẻ được cấp dụng cụ trợ giúp. 90% trẻ được can thiệp đã cải thiện sinh hoạt hằng ngày. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, luỹ kế có 414 trẻ được can thiệp, 44 trẻ được cung cấp dịch vụ.
Trong giai đoạn 2, hợp phần dự án sẽ tiếp tục tại các địa phương trên và mở rộng đến các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu. Lực lượng thực hiện là các chuyên gia trung ương, cán bộ y tế và giáo viên mầm non. Dự án cũng hướng tới mục tiêu số hoá, quản lý qua phần mềm công nghệ.
Trong giai đoạn 2, hợp phần dự án hướng tới hai mục tiêu cụ thể, bao gồm: Nâng cao năng lực lâm sàng và cung cấp dịch vụ, sẽ có 1 đợt chuyển giao kỹ thuật khám/đánh giá tại 3 huyện Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành; 100% cán bộ cung cấp dịch vụ được hỗ trợ khoa học kỹ thuật.
Cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ khuyết tật với các hoạt động: rà soát trẻ cộng đồng với đối tượng từ 0-16 tuổi (từ 200-220 trẻ); khám/đánh giá và xác định mục tiêu can thiệp cho trẻ khuyết tật tại địa bàn đã triển khai năm 2022 (khoảng 80-100 trẻ) và địa bàn mới thuộc các huyện Bến Cầu, Tân Biên, Châu Thành (khoảng 100-120 trẻ); tiếp tục cung cấp các dịch vụ can thiệp đối với 354 trẻ đã nhận can thiệp trong năm 2022, khoảng 170-180 khuyết tật được can thiệp PHCN; dự kiến cung cấp 110 dụng cụ trợ giúp cho trẻ khuyết tật (cả trường hợp của năm 2022 và trong hoạt động mở rộng năm 2023).
Theo ông Lê Quang Dương- Giám đốc VietHealth, qua thời gian triển khai thực hiện hợp phần dự án trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã góp phần đa dạng hoá năng lực PHCN của cán bộ y tế tuyến huyện. Ông Dương đề nghị, thời gian tới, các ngành cần quan tâm đào tạo trung hạn, dài hạn cho cán bộ làm công tác, đặc biệt trong nâng cao năng lực về vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu. Bên cạnh việc hợp tác với các cơ sở y tế công lập, dự án mong muốn được hợp tác với cơ sở y tế tư nhân khi đủ thẩm quyền pháp lý, có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực PHCN...
Theo bác sĩ Huỳnh Trần Công Hiền- Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh, từ năm 2016, VietHealth đã hỗ trợ đơn vị trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực PHCN. Hợp phần dự án được thực hiện với sự đồng hành của VietHealth có thể xem là chiến lược điều trị, can thiệp cho trẻ khuyết tật hiệu quả. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật đối với trẻ là cần thiết, cần thực hiện lâu dài; hoạt động này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, đặc biệt giữa ngành Giáo dục và Y tế.
Ngô Tuyết