BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về giáo dục và đào tạo

Cập nhật ngày: 25/06/2009 - 05:43

Chiều 25.6, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức Hội nghị Triển khai Thông báo Kết luận 242-TB/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cùng 63 Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW đã dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị đối với ngành Giáo dục trong thời gian qua đã tạo động lực quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị đối với ngành giáo dục trong thời gian qua đã tạo động lực quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tại Thông báo Kết luận số 242-TB/TW, Bộ Chính trị đã ghi nhận những mặt đã làm được cũng như những tồn tại của giáo dục-đào tạo trong 12 năm qua. Đây là những đánh giá đặc biệt quan trọng để nhìn lại toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong thời gian qua và phương hướng cho giai đoạn sắp tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trước ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thành các số liệu thống kê của ngành. Trước 30.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì với một số Bộ, ngành để hoàn thành Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận số 242-TB/TW của Bộ Chính trị. Trước 30.8, các cơ sở giáo dục tổ chức học tập triển khai Kết luận của Bộ Chính trị. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để xây dựng Dự thảo Chiến lược giáo dục 2011-2020, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2009. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Chiến lược giáo dục 2001-2010 và triển khai thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Đứng trước thời đại mới, cơ hội mới và vận hội mới của nền kinh tế tri thức, Bộ Chính trị rất quan tâm và mong muốn giáo dục-đào tạo nước nhà vượt qua những lối tư duy cũ để nhanh chóng đổi mới, tiếp cận đầy đủ với tri thức của nhân loại. Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Giáo dục-đào tạo của nước ta trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ và thay đổi rất tích cực, tạo dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Các cấp quản lý giáo dục từ cấp cơ sở đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới sự chủ trì của cấp ủy cùng cấp, tổ chức nghiên cứu quán triệt nội dung Kết luận của Bộ Chính trị trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời tiến hành phổ biến, tuyên truyền trong xã hội để nhân dân hiểu rõ.

Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành Trung ương, tham mưu với Ban Cán sự Đảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cải cách giáo dục theo các Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4, lần thứ 7 và lần thứ 9 (khoá X); xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Để Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, các địa phương cần nghiêm túc triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý. Cấp ủy Đảng chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia cùng với các trường học, các cơ sở đào tạo làm tốt công tác giáo dục học sinh, sinh viên trên cả ba mặt: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt chú ý giáo dục nhân cách, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc và địa phương của mình. Ngăn chặn xu hướng mờ nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa

- Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo

- Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng

- Tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục

- Tăng cường nguồn lực cho giáo dục

- Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục

- Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.

(Theo chinhphu.vn)