Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG:
Triển khai nhiệm vụ ngành thông tin và truyền thông năm 2022
Thứ bảy: 11:30 ngày 15/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 14.1, Sở Thông tin và Truyền (TTTT) thông tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành thông tin và truyền thông năm 2022.

Hội nghị triển khai công tác ngành thông tin và truyền thông năm 2022.

Tại điểm cầu Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh, có sự tham dự của lãnh đạo Báo Tây Ninh; Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Tây Ninh; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Tại điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có đại diện lãnh đạo các địa phương; phòng Văn hóa và thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để kịp thời thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, Sở TTTT bám sát chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để đề ra nhiều giải pháp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhà nước giao, thúc đẩy ngành thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Tây Ninh phát biếu tại hội nghị.

Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tổng số thuê bao điện thoại trên 1.663.000 thuê bao, đạt 107% so với kế hoạch và bằng 106 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó, di động đạt trên 1.644.000 thuê bao,  internet băng rộng cố định đạt khoảng 254.500 thuê bao.

Trong năm, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh bám sát chỉ đạo, định hướng của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, không để xảy ra vi phạm trong thông tin tuyên truyền. Các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời thông tin tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp ủy đảng, chính quyền; phản ánh khá toàn diện kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đơn vị, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng.

Thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, ông Vũ Xuân Trường- Giám đốc Đài PTTH Tây Ninh đề nghị bổ sung việc thực hiện chức năng chuyển đổi số cho cơ quan báo, đài địa phương; nâng cao vai trò phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương với cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nâng cao chất lượng nội dung.

Bà Trần Thị Mỹ Linh - Tổng biên tập Báo Tây Ninh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Bà Trần Thị Mỹ Linh- Tổng Biên tập Báo Tây Ninh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm, tạo điều kiện phân bổ các nguồn kinh phí được Trung ương hoặc tỉnh hỗ trợ tuyên truyền về cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, trong đó, có báo Tây Ninh để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, bên cạnh đó, có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để tăng nguồn thu, đáp ứng được yêu cầu tự chủ trong thời gian tới.

Báo Tây Ninh đã hoàn chỉnh Đề án nâng cao năng lực hoạt động giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, sắp tới sẽ trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét. Trong các nội dung thực hiện, có nội dung nâng cấp trang thiết bị. Tổng Biên tập Báo Tây Ninh đề nghị, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở TTTT đồng hành cùng đơn vị trong việc hướng dẫn, thẩm định để đơn vị thực hiện tốt việc mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu làm báo cũng như nâng cao chất lượng báo điện tử. Ngoài ra, lãnh đạo Báo Tây Ninh cũng đề xuất Sở TTTT tăng cường việc đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh có ý kiến về việc nâng cấp, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở; giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện; là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí.

Sở TTTT đặt ra một số nhiệm vụ mang tính đột phá trong chuyển đổi số như: trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, thực hiện đột phá trong việc liên thông, tích hợp dữ liệu các ngành trực tuyến lên Trung tâm giám sát điều hành tập trung của tỉnh; hoàn thiện việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công của tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương, đặc biệt tham mưu UBND tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật. Các địa phương như TP.Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh.

Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, triển khai các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử nông nghiêp, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên sàn thương mại điện tử; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích phục vụ cải cách hành chính; tập trung phát triển hạ tầng viễn thông như sóng di động, cáp quang phục vụ chuyển đổi số ở các khu vực nông thôn.

Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, thanh tra, các cơ quan, địa phương quan tâm công tác cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nhất là khi phát sinh những vấn đề mà dư luận, người dân quan tâm, tránh để xảy ra khủng hoảng truyền thông, nhất là khi tỉnh đang tập trung đồng loạt các dự án hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Dịp này, Sở TTTT khen thưởng cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt công tác năm 2021.

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (gồm 108 chỉ số thành phần, 306 tiêu chí), thứ bậc xếp hạng DTI của các địa phương dưới mức trung bình, Tây Ninh ở vị trí số 46, được xếp vào nhóm 3 (DTI phân thành 4 nhóm).

Năm 2020 là năm “Nhận thức” về chuyển đổi số; năm 2021 là năm đánh giá hiệu quả, bằng những “Hành động” cụ thể trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Bộ TTTT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bộ Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (đây là bộ Chỉ số ổn định 3-5 năm tới). Do đó, kết quả đánh giá năm 2020 chỉ mang tính tham khảo do cách tính còn đang hoàn thiện và số liệu tính thì còn thiếu nhiều, nhất là trụ cột kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, qua kết quả đánh giá DTI năm 2020, xây dựng chính quyền số được kế thừa kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử trong giai đoạn 2011- 2020 nên cơ bản tỉnh đã có nền tảng và vào nhóm 2/4 nhóm các tỉnh/thành. Về kinh tế số và xã hội số thì Tây Ninh hầu như đang trắng, chưa có nền tảng nên xếp vào nhóm 4/4 các tỉnh/thành.

Cái yếu nhất trong cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là việc số hoá các hoạt động của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cơ sở dữ liệu các ngành hầu như chưa có nên việc kết nối, chia sẻ, mở cho người dân và doanh nghiệp không nhiều.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục