Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hồ sơ chuyển xếp, theo hướng dẫn gồm có đơn xin xác nhận đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mới, hạng tương ứng với chức danh hiện hưởng và cam kết thực hiện nhiệm vụ theo quy định chức danh bổ nhiệm mới (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị).
Giáo viên phổ biến quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021-2022.
Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) vừa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện chuyển xếp mã số chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Việc này được thực hiện theo tinh thần Công văn số 971/BGDÐT-NGCBQLGD ngày 12.3.2021 triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cùng một số văn bản pháp lý quan trọng khác. Ðây là thông tin quan trọng, được giáo viên trông đợi từ lâu. Trong khuôn khổ bài viết, Báo Tây Ninh xin cung cấp một số nội dung chính của chính sách này.
Ðối tượng, căn cứ rà soát
Theo hướng dẫn của Sở GD&ÐT, đối tượng chuyển xếp mã số chức danh nghề nghiệp bao gồm tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đang hưởng lương với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc chuyển xếp được căn cứ vào “chùm” Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ÐT ban hành, cùng một số văn bản khác của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ÐT.
Hồ sơ chuyển xếp, theo hướng dẫn gồm có đơn xin xác nhận đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mới, hạng tương ứng với chức danh hiện hưởng và cam kết thực hiện nhiệm vụ theo quy định chức danh bổ nhiệm mới (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị).
Ứng viên nộp sơ yếu lý lịch, văn bằng, chứng chỉ minh chứng trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của chức danh bổ nhiệm mới. Các loại hồ sơ khác kèm theo, gồm minh chứng về chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi, tổng phụ trách đội giỏi theo quy định của chức danh bổ nhiệm mới; quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm vào ngạch, chức danh khi hết tập sự, quyết định bổ nhiệm và chuyển xếp lương theo Thông tư 20, 21, 22, 23, quyết định bổ nhiệm và chuyển xếp lương khi thăng hạng (nếu có) cùng quyết định lương hiện hưởng.
Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng.
Khi bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Không căn cứ vào trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên mới được tuyển dụng.
Giai đoạn thực hiện chuyển xếp
Việc thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chia làm các giai đoạn: giai đoạn 1, từ 1.6.2021 đến 31.8.2021: Rà soát, hoàn thành bổ nhiệm, xếp lương cho các trường hợp hiện tại đã đủ tất cả các tiêu chuẩn của hạng tương ứng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31.8.2021.
Ðồng thời yêu cầu những trường hợp chưa đủ điều kiện về chứng chỉ chức danh hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng tương ứng bổ nhiệm trước ngày 31.8.2021 để chuẩn bị cho giai đoạn 2.
Giai đoạn 2, từ ngày 1.9.2021 đến ngày 30.11.2021: Rà soát, hoàn thành bổ nhiệm, xếp lương cho các trường hợp đủ điều kiện về chứng chỉ. Ðồng thời bổ nhiệm các trường hợp chưa đủ điều kiện về trình độ vào hạng thấp hơn hạng tương ứng hiện hưởng.
Ví dụ: trường hợp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo quy định tại khoản 3 Ðiều 7 Thông tư 02/2021/TT-BGDÐT, sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Giai đoạn 3, từ 2022-2025: rà soát, hoàn thành bổ nhiệm và xếp lương hạng tương ứng cho các trường hợp hoàn thành đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo hạng tương ứng theo quy định cho các trường hợp đã bổ nhiệm hạng thấp hơn ở giai đoạn 2.
Một số điểm cần lưu ý
Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng.
Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư 01, 02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới.
Giáo viên THCS, THPT được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03, 04 có hiệu lực thi hành, những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định.
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng (giáo viên ở cấp học này chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp).
Theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này; bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định. Còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Việc thực hiện phương án chuyển xếp phải phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ. Cơ sở giáo dục triển khai, hướng dẫn thực hiện các nội dung, phương án bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương phải thật rõ ràng, cụ thể, đúng quy định để giáo viên yên tâm, giải đáp kịp thời thắc mắc của giáo viên.
Nhà trường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp số lượng giáo viên cần phải bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh). Ðề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng các tiêu chuẩn còn thiếu (ưu tiên những trường hợp gần đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tham gia trước).
Như vậy, bốn tháng kể từ ngày ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04, chính sách trả lương theo thứ hạng đối với giáo viên đã được cụ thể hoá kèm theo hướng dẫn chi tiết. Thời gian để “đưa chính sách vào cuộc sống giáo viên” chắc không còn bao lâu nữa.
Như có lần đã đề cập, chính sách mới cho thấy, lương giáo viên có sự thay đổi theo chiều hướng tăng nhưng kèm theo điều kiện, đó là căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, thứ hạng của giáo viên.
Ðiều này có nghĩa, giáo viên được tuyển dụng cùng thời điểm nhưng sau một thời gian công tác, mức lương, hệ số lương tối thiểu (khởi điểm) và hệ số lương tối đa (khi về hưu) không hẳn ngang nhau. Ðiểm cốt yếu của chính sách này là từng bước loại bỏ hoặc ít ra, hạn chế chủ nghĩa bình quân trong thu nhập của công chức, viên chức ngành Giáo dục.
Việt Ðông