Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, Việt Nam và Campuchia có vị trí địa lý như là tâm điểm kết nối khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hai nước có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km, đi qua 10 tỉnh biên giới miền Tây Nam của Việt Nam với 9 tỉnh biên giới của Campuchia.
Theo Khmer Times, Viettel Cambodia (mạng viễn thông Metfone) đã phủ sóng đến 98% dân số Campuchia và đóng góp hơn 1 tỷ USD cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đóng vai trò đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc. Khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đóng vai trò đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc. Mục tiêu đến năm 2030 của Chính phủ hai nước, sẽ phát triển vùng biên giới Việt Nam - Campuchia thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước và là đầu mối và cửa ngõ giao thông phía Tây và Tây Nam Việt Nam.
Cụ thể hoá mục tiêu ấy, hai nước đã thỏa thuận thành lập 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ. Các cửa khẩu này đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình chuẩn đảm bảo kết nối hoạt động với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.
Tại các cửa khẩu quốc tế, hai bên chủ trương phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK), hệ thống chợ thương mại biên giới. Người dân và doanh nghiệp hai nước có thể đầu tư làm ăn và tham quan du lịch các khu kinh tế cửa khẩu.
Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại của khu vực này không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa các tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của mỗi tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của mỗi địa phương.
Đặc biệt, Tây Ninh có một vị trí địa kinh tế vô cùng thuận lợi, là “mắt xích” quan trọng trong tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây của ASEAN, là điểm kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nước bạn Campuchia.
Do vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao cho các khu KTCK của tỉnh Tây Ninh có thể nắm bắt được các cơ hội phát triển mới trong xu thế phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh lớn trong đầu tư quốc tế và phân công cơ cầu ngành nghề/ lao động thế giới.
Theo số liệu phía Campuchia, trong những tháng đầu năm 2024 cơ cấu thị phần xuất khẩu của Campuchia, Mỹ chiếm 31,7% với 2,04 tỷ USD; Việt Nam chiếm 22,2%; Trung Quốc ở vị trí thứ ba đạt 366 triệu USD, tăng 11,4%, nhưng chỉ chiếm 5,8% thị trường.
Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, sắn (khoai mì), dừa và cao su sang Việt Nam và nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm xăng dầu tinh chế và sắt thép với 934 triệu USD hàng hoá nhập khẩu trong quý I/2024. Nhập khẩu của Campuchia từ Trung Quốc chiếm phần lớn nhất, đạt 2,84 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm
Hiện nay, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường quốc tế sau Trung Quốc. Về đầu tư, Việt Nam hiện có 206 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,95 tỷ USD duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và nằm trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông..., đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Campuchia. Hiện nay, Campuchia có 31 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 73 triệu USD, đứng thứ 51 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong những tháng đầu năm 2024, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt 128 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, tăng lần lượt 97% và 327%. Các nguồn vốn đầu tư chính được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước, tiếp theo là các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đa số và phần còn lại đến từ Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia. Trong đó có hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, vốn là những lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm.
Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 - 2024, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giai đoạn 2023 - 2028. Bên cạnh đó, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm những cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây chính là những tiền đề cơ bản để Việt Nam và Campuchia có thể nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD như kỳ vọng.
Phương Khánh