Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Triển vọng và xu hướng trong quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Campuchia
Thứ tư: 10:50 ngày 16/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam và Campuchia được xác định là quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ này có một hành trình dài và phong phú, đặc biệt kể từ khi Việt Nam - Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24.6.1967.

Mối quan hệ song phương giữa hai nước trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ sự hỗ trợ trong những thời kỳ khó khăn, đến hợp tác toàn diện trong thời kỳ hoà bình và phát triển. Ngày nay, cho dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Việt Nam và Campuchia vẫn đã và đang duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký kết Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1998, kể từ đó, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia phát triển mạnh và toàn diện hơn. Nếu như vào thời điểm mới được ký kết, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước chỉ đạt 117 triệu USD, thì đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 10 tỷ USD. Hai bên cũng dành những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu cho các loại hàng hoá của doanh nghiệp hai bên.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm (bên phải) gặp Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Paris, Pháp ngày 5.10.2024. Ảnh: VNA

Hợp tác thương mại được xúc tiến tích cực bằng nhiều hoạt động; xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại ngày càng gia tăng, tiến tới dự kiến mở khu kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước tăng trưởng đột phá với tổng kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD và năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD. Các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như: Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Campuchia; Hội chợ thương mại Việt Nam - Campuchia; Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể địa phương hai nước... được chú trọng và thúc đẩy hiệu quả

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới nói riêng đạt được kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, trong năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam và Campuchia đã đạt gần 9 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và là một trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Diện mạo các tỉnh biên giới giáp ranh giữa hai nước có những thay đổi quan trọng nhờ vào hoạt động thông quan, trao đổi hàng hoá cửa khẩu. Đối với Việt Nam, hợp tác kinh tế với Campuchia cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh, có lợi thế so sánh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Mới đây, từ ngày 11 - 13.7.2024, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm đã lựa chọn thăm chính thức Campuchia - một trong hai quốc gia đầu tiên sau khi ông nhậm chức. Trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa là khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Trong suốt thời gian qua, con kênh này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa Việt Nam và Campuchia về các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế và chính trị mà Việt Nam sẽ gặp phải nếu con kênh này được xây dựng. Giữa những nghi ngại và căng thẳng, chuyến đi của ông Tô Lâm vào thời điểm đó có ý nghĩa hết sức to lớn thể hiện thông điệp quan trọng, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên nhất cho quan hệ láng giềng tốt đẹp hữu nghị truyền thống hợp tác toàn diện bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia. Đây cũng là động thái tích cực trong quan hệ ngoại giao của hai nước.

Tóm lại, mặc dù dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia đã bị lợi dụng để tung ra các luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, nhưng thực tế cho thấy tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước vẫn rất bền chặt. Những lợi ích kinh tế, xã hội và sự cam kết bảo vệ môi trường, hợp tác an ninh giữa hai quốc gia khẳng định quan hệ hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Với nền tảng vững chắc này, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, vượt qua mọi thách thức và xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Phương Khánh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục