Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trình Quốc hội xem xét dự án cao tốc Bắc - Nam hơn 312.000 tỉ
Thứ tư: 09:29 ngày 07/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chính phủ tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án với quy mô hoàn chỉnh theo mặt bằng giá quý IV năm 2016 là hơn 312.000 tỉ đồng.


Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Chia thành 20 dự án thành phần

Theo tờ trình, trừ những đoạn cao tốc đã khai thác và đang thi công, công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến có điểm đầu tại nút giao thông Cao Bồ (điểm cuối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, Nam Định, và điểm cuối tại nút giao thông Dầu Giây (điểm cuối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) thuộc địa phận huyện Thống Nhất, Đồng Nai.

Tổng chiều dài là khoảng 1.372 km (không bao gồm đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127 km đang được đầu tư với quy mô 4 làn xe đường cao tốc).

Phương án đầu tư cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 sẽ ưu tiên đầu tư khoảng 713km từ năm 2017-2020, trong đó có 632km làm mới hoàn toàn với quy mô 4 làn xe, chia thành 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT ở các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).

3 dự án theo hình thức đầu tư công là để nâng quy mô từ 2 lên 4 làn xe ở các đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Huế), đoạn La Sơn - Túy Loan (Đà Nẵng) và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, tổng chiều dài là 81km. 

Từ năm 2021-2025 đầu tư khoảng 659km quy mô 4 làn xe, chia thành 9 dự án thành phần thuộc các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa) theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn.

Do toàn bộ dự án có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư như một dự án duy nhất, Chính phủ kiến nghị chia thành 20 dự án thành phần vận hành độc lập để đầu tư với các hình thức khác nhau.

Nguyên tắc chia nhỏ dự án là: các dự án thành phần hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, kết nối được với hệ thống; quy mô dự án không quá lớn để có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).


Hiện trạng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam thời điểm tháng 6-2017.

Huy động vốn như thế nào?

Theo tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án với quy mô hoàn chỉnh nếu tính toán theo mặt bằng giá quý IV năm 2016 là hơn 312.000 tỉ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2025) có tổng mức đầu tư hơn 243.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 (sau năm 2025) là hơn 69.100 tỉ đồng.

Trong khi vốn nhà nước là khoảng 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, để làm được 713km đường cao tốc từ năm 2017-2020, cần phải kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư PPP hơn  63.700 tỉ đồng.

Từ năm 2021-2025, để có 113.000 tỉ đồng đầu tư cho 659km, nhà nước cần bỏ ra gần 57.000 tỉ đồng, còn lại huy động vốn nhà đầu tư hơn 56.100 tỉ đồng.

Riêng giai đoạn 2, Chính phủ sẽ căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực để báo cáo Quốc hội đầu tư vào thời điểm thích hợp.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư dự án này, đồng thời chấp thuận các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội như sau: Trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường;

Cho phép Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án; mức giá quy định trong hợp đồng là không thay đổi;

Quy định trong hợp đồng dự án tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triến khai dự án;

Cho phép áp dụng nhiều hình thức đầu tư, loại hợp đồng trong một dự án được chia thành nhiều dự án thành phần.

Với những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tờ trình nhấn mạnh việc "đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, không tham nhũng, lãng phí.

Khoảng 15.500 hộ dân bị ảnh hưởng

Theo báo cáo, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố từ Nam Định đến Đồng Nai, chiếm dụng khoảng 6.505ha đất nên số hộ dân bị ảnh hưởng là 15.500, trong đó có 3.900 hộ phải tái định cư.

Việc giải phóng mặt bằng được tách thành các dự án thành phần theo địa phận các tỉnh, thành phố và giao cho địa phương tổ chức thực hiện.

Sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư toàn dự án trong giai đoạn 1 là khoảng 27.422 tỉ đồng.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục