Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trình thập cúng trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Thứ hai: 17:57 ngày 14/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Linh Sơn Thánh Mẫu hiện diện cả trong tín ngưỡng dân gian lẫn trong Phật giáo với danh xưng là “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát” và được phối thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam Bảo. Hằng tháng, vào các ngày sóc, vọng (tức mùng một và ngày rằm), các chùa đều cử hành nghi thức chúc tán Linh Sơn Thánh Mẫu vào thời công phu khuya.

Thầy cả võ và học trò lễ (chụp trước 27.4.2021)

Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Ðen) là tín ngưỡng khởi phát tại vùng đất Tây Ninh. Vị nữ thần này được tổng hợp từ nhiều nguồn gốc với những huyền tích khác nhau. Trong văn hoá Hindu đó là tín ngưỡng thờ Mariamman, Kali (Ấn Ðộ, Indonesia), Niềng Khmau (Campuchia) hay Muk Juk, Uma (Chăm). Bà đã được Việt hoá bằng sự tích Huyền trinh nữ, kể về "người con gái mặt đen” Lý Thị Thiên Hương, được vua Bảo Ðại ban sắc phong vào năm Bảo Ðại thứ 10 (1935) với mỹ tự là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”.

Linh Sơn Thánh Mẫu hiện diện cả trong tín ngưỡng dân gian lẫn trong Phật giáo với danh xưng là “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát” và được phối thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam Bảo. Hằng tháng, vào các ngày sóc, vọng (tức mùng một và ngày rằm), các chùa đều cử hành nghi thức chúc tán Linh Sơn Thánh Mẫu vào thời công phu khuya.

Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu được cử hành từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch theo nghi thức Phật giáo cổ truyền tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Ðen (TP. Tây Ninh). Lễ vía cùng với hội xuân núi Bà từ lâu trở thành những ngày hội lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung.

Lễ vía có sự kết hợp hài hoá giữa nghi thức Phật giáo và dân gian, trong đó khoa trình cúng Linh Sơn Thánh Mẫu là “Trình thập cúng” hay còn gọi là “Hiến thập cúng”, tức dâng cúng mười món lễ vật là nghi thức chính, quan trọng nhất trong lễ vía. Trình thập cúng được cử hành vào chiều ngày mùng 5 tháng 5 tại điện Bà. Tuần tự lễ phẩm hiến cúng trong nghi thức gồm có: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thuỷ, đồ, châu và bảo.

Thành phần trong nghi thức Trình thập cúng gồm có một vị Sám chủ (hay còn gọi là Thầy cả văn); hai vị Ðàn cả (hay còn gọi là Thầy cả võ) dẫn lễ; hai vị tả - hữu Dạ đà bên cạnh vị Sám chủ, một vị phụ tá việc tán, tụng và hoà lễ cùng với Sám chủ, một vị đánh tum; một vị Vĩ thuận và một vị Vĩ nghịch đánh đẩu; 18 vị học trò lễ là nữ luân phiên nhau mỗi lần bốn người (2 người đi trước cầm đăng, 2 người đi sau cầm đài) trình lễ phẩm; một vị ni dâng lễ phẩm và ban nhạc lễ.

Bàn kinh sư được đặt đối diện với điện Bà. Vị Sám chủ cùng hai vị tả - hữu Dạ đà tán tụng hoà trong tiếng tum, đẩu và nhạc lễ. Bằng các giọng điệu như nói lối, tư rơi, xuân nữ, nam ai, bụa và hồ quảng được các vị sư linh hoạt dùng trong khi hành lễ. Từ những phẩm vật bình thường, qua lời kinh câu kệ trở thành pháp vật dâng lên cúng dường Thánh Mẫu.

Mười món lễ phẩm dâng cúng Linh Sơn Thánh Mẫu.

Thầy cả võ (Ðàn cả) dẫn học trò lễ dâng lễ vật cúng dường Linh Sơn Thánh Mẫu. Vị sư đi trước bốn vị học trò lễ, tay cầm linh hoặc khăn ấn được thay đổi với nhau trong các lần hiến cúng kết hợp với vũ đạo các bước chân đi theo bộ Thất tinh.

Ở phần hiến bảo là lần trình cuối cùng trước khi kết thúc lễ do hai vị Thầy cả võ cùng dẫn lễ sinh. Ðây là phần quan trọng và đặc sắc trong nghi thức Trình lục cúng, vì với các nghi lễ Phật giáo vùng Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng, không thể thiếu những điệu múa, nghi thức đặc trưng của các vị tăng, bước đi với vũ đạo như sân khấu là một nghệ thuật không phải ai cũng thực hiện được, tất cả được học và tập luyện rất công phu.

Các bước chân của học trò lễ theo bộ chữ tâm, trong mười lần trình dâng lễ phẩm cúng dường, các học trò lễ sẽ có ba hoặc hai lần xang nhiều bộ, điệu khác nhau như xang lưỡng nghi, xang tứ tượng, xang bát quái.

Phần tán tụng cho vị Ðàn cả và học trò lễ dâng cúng dường lễ vật được gọi là “Hiến thập cúng bổn thài” có nội dung rất đặc biệt:

Khi dâng hương (nhang) thì nói lối bài “Năm danh hương ý chủ tâm vương. Một tất thanh kỳ tốt là dường. Giới Ðịnh Huệ hương giải thoát kiến. Cúng dường Tam Bảo khắp mười phương”, rồi tán điệu tư rơi bài Hương rày phụng hiến.

Khi dâng hoa thì nói lối bài “Bốn biển đều vâng giáo Thích Ca. Một thầy Ðạt Ma mới truyền ra. Nở thành năm lá rày tươi tốt. Chính thật ưu đàm giác tánh hoa”, rồi tán điệu xuân nữ bài Hoa rày phụng hiến.

Khi dâng đăng (đèn) thì nói lối bài “Lò lò lửa huệ sáng đôi từng. Nhựt nguyệt tỏ soi khắp nhơn gian. Ðạt Mạ xưa truyền nên năm lá. Một tấm lòng thành phải kính dâng”, rồi tán điệu nam ai bài Ðăng rày phụng hiến.

Khi dâng trà thì nói lối bài “Mùi thơm tước thiệt kế bày ra. Tám phần lương dược mới hiệp hoà. Xay dùng kim cang trầm làm bột. Luyện mật ma ha chính thiệt là trà”, rồi tán điệu bụa bài Trà rày phụng hiến.

Khi dâng quả thì nói lối bài “Tạo hoá muôn loài có cỏ cây. Cậy khí âm dương đặng tốt rày. Cành vàng lá ngọc người yêu chuộng. Trái báu dâng lên một thuở nầy”, rồi tán điệu xuân nữ bài Quả rày phụng hiến.

Khi dâng thực thì nói lối bài “Trăm mùi ngon ngọt đã sẵn bày. Cửa Phật nhà thiền có vậy thay. Cúng Phật đã rồi thiền duyệt thực. Thiên trù vật báu kính dâng rày”, rồi tán điệu nam ai bài Thực rày phụng hiến. 

Khi dâng thuỷ (nước) nói lối bài “Biển sông lẳng lặng nước trong xanh. Vừng thỏ sáng soi đến vạn kình. Lấy nước ma ha dâng một thuở. Nguyện kỳ chứng giám thoả lòng thành”, rồi tán điệu xuân nữ bài Thuỷ rày phụng hiến.

Khi dâng đồ nói lối bài “Vật xinh của tốt ở trong đời. Một tấm lòng thành kính Phật trời. Pháp thuỷ đồ hương là vật báu. Cúng dường Tam Bảo khắp nơi nơi”, rồi tán điệu bụa bài Ðồ rày phụng hiến.

Khi dâng châu nói lối bài “Chói lọi vật báu sáng như tờ. Thành kính dâng lên phổ cúng dường. Mấy giống ngọc ngà đâu dám sánh. Bảo châu hiến cúng khắp mười phương”, rồi tán điệu xuân nữ bài Châu rày phụng hiến.

Khi dâng bảo nói lối bài “Non cao chứa báu bấy lâu nay. Châu báu của ai có sẵn rày. Một tấm lòng thành dâng tiệc ấy. Cúng dường Phật thánh phước lâu dài”, rồi tán điệu hồ quảng bài Bảo rày phụng hiến.

Khi lễ trình thập cúng hoàn mãn vị Sám chủ hồi hướng công đức, phục nguyện cho tín chủ hiện tiền được tăng long phước thọ, quá khứ tiên linh được siêu sinh cực lạc.

Các khoa nghi ứng phú, trong đó có Trình thập cúng đều được các vị tổ sư tiền bối biên soạn và ghi chép bằng chữ Hán Nôm lưu giữ tại các trung tâm ứng phú đạo tràng, tại các chùa và các lớp Gia giáo có đào tạo nghi lễ xưa.

Hiện nay, tại tổ đình Phước Lưu (Trảng Bàng) còn lưu giữ quyển “Hiến thập cúng khoa nghi” do Giáo thọ Nguyên Tấn biên soạn vào năm Mậu Thìn (1928). Năm Bảo Ðại thứ 8 (1933) và Bảo Ðại thứ 9 (1934), Hoà thượng Giác Hạnh ở núi Bà Ðen biên soạn hai bộ sách “Khoa việt” bằng chữ Hán Nôm viết về các khoa nghi ứng phú trong đó có “Thập cúng khoa nghi”, một bộ lưu giữ tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (thành phố Tây Ninh), còn một bộ đề tặng Hoà thượng Giác Ðiền đang được gìn giữ tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu).

Nghi thức Trình thập cúng đã tạo mối đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa các chùa với nhau qua việc thành phần một ban kinh sư thường gồm nhiều chùa tập hợp mới đủ số thầy cúng. Hiện nay, ở Tây Ninh có nhiều ban kinh sư được thành lập, nhưng được các tổ xưa đào tạo bài bản và giữ cách thực hành cổ truyền không còn nhiều; tiêu biểu có sư Thiện Chánh (chùa Phước Lưu), sư Quảng Thành (chùa Linh Sơn), sư Thiện Long (chùa Giác Nguyên) ở thị xã Trảng Bàng; sư Huệ Trí (chùa Linh Sơn Thanh Lâm), sư Thiện Luận (chùa Phước Ân) ở huyện Gò Dầu; sư Niệm Thắng (chùa Linh Nghĩa Hiệp Long), sư Tịnh Vân (chùa Linh Sơn Tiên Thạch) ở thành phố Tây Ninh... Trong quá trình hành lễ Trình thập cúng, các sư sẽ có những thay đổi về nội dung, cách thức thực hành, tán tụng để phù hợp trong lúc hành lễ.

Tính chất văn hoá bản địa đã tạo nên nét riêng trong Phật giáo vùng Tây Ninh qua hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu và khoa nghi Trình thập cúng, là một nghi thức đặc biệt góp phần để Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Ðen trở thành di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2019.

PHÍ THÀNH PHÁT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục