Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trở lại An Bình
Thứ tư: 07:44 ngày 30/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - An Bình là xã mới thành lập ngày 12.1.2004, mà phần chủ yếu là 2 ấp Thanh An, Thanh Bình. Hai cái tên này vẫn được giữ nguyên. Xã có thêm 2 ấp mới là An Điền và An Hoà. Diện tích tự nhiên toàn xã nay là 2.221 ha.

Giờ tan học ở Trường THCS An Bình

Có lẽ đã hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại An Bình. Một cái tên xã gợi nên những gì rất thơ thới, bình yên. Nhưng còn một cái tên thương nhớ hơn, cội nguồn hơn nữa là ấp Thanh An, thuộc xã Thanh Điền gần 15 năm về trước. Thanh là lấy từ chữ gốc của xã mẹ: Thanh Điền. Còn Bình và An có lẽ là ước mơ muôn đời của người Việt. Câu cầu nguyện đầu tiên ở dưới các mái đình, miếu bao giờ chẳng là: “Mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an”. Lễ hội Kỳ yên (hay cầu an) bao giờ cũng là lễ hội trọng thể nhất ở các đình làng.

Vâng, An Bình là xã mới thành lập ngày 12.1.2004, mà phần chủ yếu là 2 ấp Thanh An, Thanh Bình. Hai cái tên này vẫn được giữ nguyên. Xã có thêm 2 ấp mới là An Điền và An Hoà. Diện tích tự nhiên toàn xã nay là 2.221 ha.

Lần ra trước nhằm lúc An Bình mới “ra riêng”. Cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, ngoài mấy con đường thôn khấp khểnh. Dấu vết vẫn còn đây, trên tấm bản đồ “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới” treo trước khu Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng xã An Bình. Bản đồ ấy xác định 5 cụm dân cư, bám theo trục đường ghi là hương lộ 9. Và cũng chỉ có hương lộ này thôi, một đầu đi tới đường 781 ngay trước cổng chào thị trấn Châu Thành.

Đầu kia thẳng sang ngã tư Thanh Phước, Thanh Điền để vào tỉnh lộ 786. Hơi ngạc nhiên trước bản vẽ mặt cắt ngang những con đường. Là vì đường mà cứ đắp ụ cao lên như một bờ đê. Thì ngay trước mắt đây thôi. Con đường trườn qua trung tâm xã hoàn thành từ năm nào chưa rõ nhưng rõ ràng là mặt đường phải cao hơn sân trụ sở UBND xã gần một mét. Do An Bình là vùng đất thấp, nên muốn an toàn thì cứ phải đắp đường cao hơn mặt bằng những công trình trước đó. Thế mới biết, người An Bình đã đổ vào đây biết bao tài lực với mồ hôi.

Từ ngã tư Thanh Phước đi vào, thấy cái cổng chào An Bình dựng ngay trên hương lộ 9 với hàng chữ to ghi rõ: xã An Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới. Chỉ một câu giản dị ấy thôi mà với An Bình đã có biết bao niềm tự hào ẩn giấu những niềm vui. Mặc dù chỉ là đường đá nhựa thấm nhập và rộng chưa đầy 7m nhưng so với hơn 10 năm trước đã là cả một cuộc đổi thay kỳ diệu lắm rồi! Hồi được chú Bảy Thinh dẫn xem các kỷ niệm kháng chiến xưa của Thanh An, hay sau này tự tìm đường vào miếu bà Thốt Nốt, thì ngoài những đoạn đất đỏ bụi mù, xe máy phải khéo léo đi trên những đường bờ ruộng. Vậy mà nay xe đã ngon trớn đi trên mọi con đường hẻm của An Bình. Từ đường trục xã, thỉnh thoảng lại gặp một lối đi rẽ ngang, nhỏ hơn, chỉ 3-4m nhưng cũng đã trải đá nhựa thẫm đen.

Điển hình là con đường hẻm rẽ vào nơi có miếu bà Thốt Nốt. Miếu cũng đã được xây lại đàng hoàng từ năm 2015 với cổng tam quan, ngói lợp, rồng chầu trên nóc. Ngôi chính điện cũng xây lớn hơn, nổi bật trên tường mặt tiền hai tấm phù điêu đắp nổi. Đấy là hình ảnh chim hạc giương đôi cánh múa, vừa như che chở và chăm sóc bầy con líu ríu dưới chân mình.

Qua ấp Thanh Bình.

Vâng! Chỉ lui lại vài trăm mét, qua vài khúc đường cong có cụm nhà xây khá đẹp là đã thấy con đường đất đỏ au đưa ta tới bến phà. Một bạn thanh niên ở trụ sở xã gọi tên là con đường qua Xẩm Nổi. Con đường đất đắp đỏ au ấy đẹp như tranh. Thì đấy! Hai bên đường là nước nổi láng lênh. Xa xa là những hàng cây nhô nhấp phía chân trời xa tắp. Nổi bật là ngọn núi Bà lam sẫm giữa những vệt mây chiều lảng vảng. Giữa phông tranh ấy là con đường phún đỏ mịn màng hồng rực, viền đôi bờ cỏ xanh. Đi giữa bức tranh quê lung linh ấy chừng hơn cây số thì tới bến phà.

Bến mới khai trương hôm 17.11.2018, đường dẫn xuống phà trắng bạc màu vữa xi măng mới. Cao lênh khênh là ngôi nhà cao cẳng cho khách chờ phà. Anh lái phà nồng nhiệt chở khách qua ngay, dù chỉ mới có một người. Bên kia đã là Gò Nổi của xã Ninh Điền. Đất bên ấy cao hơn nên thấy cả những cửa nhà thấp thoáng dưới vòm cây xanh biếc. Gần sát bến có cả một mái cao nhô ra sông, giống như cầu cảng. Bên cầu có vài chiếc ghe bầu đậu mé bờ sông. Nhìn lại phía An Bình, nếu không có hàng chuối trồng ngay bên bờ sông, thì chắc không nhận ra đâu là bờ, đâu là ruộng.

Vì con nước nổi tháng 12 đã ngập trắng đồng. Không gian im ắng, chỉ trời đất bao la và những cánh cò thấp thoáng phía xa xa. Không còn dấu tích nào của một thời đồng đất Thanh An, Thanh Bình thấm máu và nước mắt. Đấy là đầu năm 1946 sau trận Bàu Cá Trê oanh liệt ở thôn Thanh Phước, giặc Pháp tung quân càn quét, khủng bố Thanh Điền. Khi ấy: “giặc Pháp cho tàu chiến chạy dọc sông Vàm Cỏ, dùng hoả lực mạnh quét dọn hai bên sông và cho quân đổ bộ nhiều mũi xuống Trà Siêm, Gò Nổi, Xóm Mía… càn quét, đốt phá xóm làng, bắn giết trâu bò, đồng thời tấn công lùng sục…” (Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ in năm 1990).

Đi dọc con đường An Bình, không thấy các quán cà phê, nhà hàng dịch vụ. Chỉ ở vài góc ngã ba có người bày bán những cây trái vườn nhà. Có lẽ đây chính là mô hình thật sự thành công về xây dựng nông thôn mới. Xin gọi đấy là mô hình nông thôn mới thuần khiết. An Bình hoàn thành 19 chỉ tiêu và được công nhận nông thôn mới từ năm 2015. Và từ đấy đã không ngừng giữ vững, nâng cao từng chỉ tiêu. Như mục 10- An sinh xã hội, thu nhập bình quân một người năm 2017 mới chỉ 44 triệu đồng/năm thì năm 2018, kế hoạch là 49 triệu đồng nhưng thực tế đã đạt 51,8 triệu đồng người/năm. Mà hầu như đất này vẫn chỉ thuần nông.

Thuần nông, nhưng đã không thuần lúa. Cô Liễu ở Văn phòng Đảng uỷ xã hồ hởi khoe các mô hình mới có trên đất quê mình. Đấy là mô hình nuôi trồng nấm bào ngư, hay mô hình trồng dừa xiêm lùn trên 8 ha. Rồi mô hình rau sạch nhà kính, gà thả vườn, cá rô lai, vịt lấy trứng, bò sinh sản… Đặc biệt là cơ sở trồng dưa lưới công nghệ cao ở ngay cuối một con hẻm kề bên trụ sở UBND xã. Trại rộng 1 ha, đã có vài dãy nhà cao lớn phủ kín lưới nylon màu trắng. Những dây dưa lưới xanh rờn lẫn dây dẫn nước… giống như phòng chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện cấp cao. Anh Nam, quản lý trại vừa bê ra ba thùng ong nuôi, bảo là nuôi để cho ong thụ phấn hoa dưa lưới. Bên dãy nhà liền bên có tiếng người gọi í ới. Thì đó là nơi nuôi trùn quế. Anh Nam bảo, nuôi trùn quế làm nguyên liệu tạo bầu cho dưa lưới… Toàn những cách làm sinh thái. Thảo nào, dưa lưới An Bình đã được chứng nhận VietGAP từ lâu.

Không thuần lúa, nhưng không quên lúa. Bởi cây lúa vẫn là cây chủ lực trên đất này từ cả mấy trăm năm. Nhưng cây lúa An Bình hôm nay cũng là lúa “liên kết bốn nhà”, thâm canh theo quy trình VietGAP với hơn 200 hộ dân tham gia, trên diện tích gần 600 ha… Có phải vì quê hương đẹp như tranh, làng xóm yên bình nên con người An Bình luôn vui vẻ và thân thiện. Tại văn phòng Uỷ ban, dù phòng Một cửa tiếp dân hay Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng Đảng uỷ… ai cũng đáp ứng ngay các yêu cầu công việc hoặc tìm hiểu của người dân. Gần trưa, mấy chị công nhân trại dưa lưới đạp xe ra về thanh thản. Nơi vui nhộn nhất là trước cổng trường THCS. Các em học sinh ríu rít đạp xe về, đùa nghịch cười vang. Ừ nhỉ! Mười năm nữa đây lại là một thế hệ mới của người An Bình tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê hương. Để giữ được An Bình mãi mãi là một miền quê thuần khiết, thanh bình như tên gọi.

 TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục