BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trở lại Giồng Nần

Cập nhật ngày: 02/02/2015 - 07:34

Nhà bia Khu di tích quốc gia Giồng Nần (ảnh Đ.H.T)

Theo một cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo BQL di tích và danh thắng, cái lý “để xin” bây giờ ngẫm cũng ngồ ngộ nhưng cũng xuất phát từ cái tình vốn dĩ là truyền thống bấy lâu nay giữa thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói chung, và cũng là cái tình giữa ông Sáu Phong và ông Tám Quang nói riêng.

Cái tình chung ấy thể hiện ở chỗ thành phố Hồ Chí Minh đồng ý giúp đỡ ngay khi nghe lãnh đạo BQL Di tích và danh thắng nói rằng: người gầy dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở Tây Ninh năm 1930 là ông Võ Văn Lợi quê ở Bà Điểm, Hóc Môn- dân thành phố Hồ Chí Minh, nên trong lúc Tây Ninh đang gặp khó khăn về kinh phí xây dựng di tích mới lên tiếng nhờ Thành phố.

Còn về tình riêng, năm ấy, ông Tám Quang đồng ý hiến đất để xây dựng khu di tích và cũng nhiệt tình đi theo lãnh đạo BQL Di tích và danh thắng xuống gặp ông Sáu Phong, vì hai người là bạn bè rất thân thời còn là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày 28.12.2009, khi ông Sáu Phong giữ chức Chủ tịch nước, trong lần về làm việc tại Tây Ninh đã cất công đến tận nhà ông Tám thăm bạn hiền.

Trò chuyện mới được vài câu, ông Tám ngập ngừng nói: “Xin phép Chủ tịch nước cho tui… kêu mày tao nghen, nãy giờ khó nói chuyện quá!”. Trước hàng chục quan khách và nhà báo, ông Sáu cười ha hả: “Ai cấm anh đâu, thì cứ mày tao như hồi ở trong rừng đó!”. Cũng vì cái tình này mà ông Sáu cưa đôi mấy ly “xây chừng” với ông Tám trong ngôi nhà cũ kỹ nằm trong xóm nhỏ Thanh Thuận, xã Thanh Điền.

Từ cái tình cả chung lẫn riêng ấy, sau này khi có tiếng nói của ông Võ Văn Cương (Năm Cương) – nguyên Phó Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh (người gốc Lộc Hưng, Trảng Bàng) Thành phố đã tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để thi công cải tạo con đường vào khu di tích vốn rất lầy lội.

Đầu năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần”- di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Trước đó, cuối tháng 3.2013, huyện Châu Thành cũng đã khánh thành Nhà Nông hội Đỏ nằm trong khu di tích này và tổ chức trao bằng khen của UBND tỉnh cho ông Tám Quang. Trên tấm pa-nô giới thiệu về khu di tích có ghi rõ: “Ngay sau khi hình thành (cơ sở Đảng- NV) năm 1930 gồm 08 đảng viên, đây là những “hạt giống đỏ” của phong trào cách mạng ở Tây Ninh, đã tổ chức hoạt động, tích cực tuyên truyền, giác ngộ cơ sở, tổ chức đoàn thể cách mạng. Hoạt động của Cơ sở Đảng Giồng Nần đã lan toả mạnh mẽ ra các vùng ở trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Tây Ninh đã kiên trì đấu tranh, vượt qua bao gian khổ, ác liệt và hy sinh để đi đến thắng lợi, giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp thành công năm 1954, giành độc lập thống nhất đất nước 30.4.1975".

Còn trên tấm bia trong nhà tưởng niệm, danh sách 8 đảng viên đầu tiên của tỉnh Tây Ninh gồm: Võ Văn Lợi, Trương Văn Chẩn, Đặng Văn Son, Trương Văn Phú, Trần Văn Luông, Nguyễn Văn Độ, Văn Văn Giáp và Nguyễn Văn Viết.

Năm 1930, chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Tây Ninh và những hệ quả chính trị, kinh tế, xã hội đã dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa chúng với đại đa số quần chúng lao động, trong đó giai cấp nông dân và công nhân cao su là lực lượng đông đảo và chủ yếu trong cuộc đấu tranh giành quyền sống, giành lại độc lập, tự do. Đầu năm 1930 nổ ra cuộc đấu tranh của 300 anh em phu làm đường quốc lộ 22 từ Tây Ninh đi Kampong Cham (Campuchia), chống lại bọn chủ thầu để đòi tăng lương.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tây Ninh tiếp giáp với các tỉnh có phong trào cộng sản hoạt động mạnh như Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, vì thế ảnh hưởng của Đảng bắt đầu lan rộng đến Tây Ninh. Trước đó, năm 1929, ông Võ Văn Lợi- vốn là lính tập ở thành Ôma, tổ chức lấy vũ khí trong thành đem về quê ở Bà Điểm (Hóc Môn), rồi đi hoạt động cách mạng.

Để tránh sự truy bắt của giặc, ông Lợi lên Giồng Nần, vừa sinh sống vừa tuyên truyền, giác ngộ quần chúng chống Pháp. Sau gần một năm hoạt động bí mật, năm 1930, ông Lợi trở lại Bà Điểm và được kết nạp Đảng tại Mỹ Huề (Bà Điểm, Hóc Môn). Sau đó được phân công trở lại Giồng Nần tiếp tục hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng.

Tại đây, ông Lợi giác ngộ được 4 quần chúng là các ông Chẩn, Phú, Viết, Luông- làm nòng cốt cho phong trào. Kế hoạch của ông Lợi là thông qua tuyên truyền vận động quần chúng, đến cuối năm 1930 sẽ tiến thành tổ chức Nông hội Đỏ ở một số nơi, đồng thời lựa chọn những người ưu tú đề nghị chi bộ ở Bà Điểm kết nạp, hình thành cơ sở Đảng.

Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện thì ông Lợi cùng ba người trong nhóm (Phú, Viết, Luông) bị phát hiện trong một lần đi tuyên truyền ở Phước Chỉ (Trảng Bàng) và bị bắt đem giam tại Svay Rieng (Campuchia). Sau đó, ông Lợi bị kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo, còn 3 người khác được tha (khi bị bắt, ông Lợi có mang theo súng lục nên tự nhận đi hoạt động cách mạng, không quan hệ gì với 3 người đồng hành, địch không tìm được chứng lý nên phải thả 3 người).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang trao bằng công nhận di tích quốc gia của Bộ VH,TT&DL cho lãnh đạo huyện Châu Thành (ảnh Tố Tuấn).

“Ngửi” thấy làn gió phong trào cộng sản bắt đầu thổi ở Tây Ninh, địch tăng cường khủng bố gắt gao. Những quần chúng tích cực hoạt động cách mạng như các ông Chẩn, Phú, Viết, Luông, Độ, Son… phải đổi vùng hoạt động sang đất Campuchia, vào các làng người Việt như Trà Ky, Ba Ti, Truông Cồng… vừa cày thuê, gặt mướn để kiếm sống, vừa móc nối với tổ chức Đảng ở Ba Ti (do ông Bùi Sanh Tạo làm bí thư, đây là cơ sở Đảng liên lạc với Quận uỷ Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn - nay là tỉnh Long An). Thời gian sau, các quần chúng tích cực được chi bộ ở Ba Ti kết nạp và trở về hình thành cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động ở Giồng Nần, Long Giang, Long Khánh…

Tại Giồng Nần, những đảng viên đầu tiên trên vận động quần chúng nhân dân vào các hội vần công cấy gặt, hội ái hữu tương tế, đồng thời chọn một số người để thành lập tổ chức Nông hội Đỏ với nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo nông dân đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột. Qua quá trình hoạt động, cơ sở Đảng ở Giồng Nần bị địch theo dõi ráo riết. Trong chuyến đi liên lạc với cơ sở Đảng ở Bà Điểm, hai ông Viết, Luông bị địch bắt và đày đi mất tích. Còn lại hai ông Chẩn và Phú vẫn giữ liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ti nhưng không gây dựng được phong trào và cũng không phát triển được cơ sở Đảng.

Ở Long Giang, Long Khánh, Long Chữ, hai ông Son và Độ hoạt động bí mật, dựa vào tập quán sinh hoạt của nhân dân địa phương như vạn cấy, đám cưới, đám ma… để tuyên truyền, vận động quần chúng, mặt khác vẫn duy trì liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ti. Cuối năm 1930, nhận lệnh hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, hai ông tổ chức treo khẩu hiệu “thả tù chính trị Nghệ An đỏ” trên các ngọn cây cao ở nhiều vùng thuộc xã Long Giang, Long Khánh, Long Thuận. Thời gian này là cao trào đấu tranh của cả nước, địch điên cuồng khủng bố, đàn áp cách mạng. Nhờ giữ bí mật tốt nên hai ông Son và Độ vẫn mở rộng hoạt động đến một số vùng, gây dựng được lực lượng nòng cốt nhưng hoạt động chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, chưa gây được phong trào rộng lớn.

Tháng 5.1931, trong chuyến đi công tác, ông Độ bị địch bắt. Bị tra tấn dã man nhưng ông kiên quyết không khai báo nên bị đày ra Côn Đảo. Sau đó, giặc Pháp mở rộng truy tìm những người cộng sản đến tận làng người Việt ở Ba Ti trên đất Campuchia, buộc tổ chức Đảng ở đây phải phân tán nhỏ để tránh sự khủng bố của địch. Lúc này, ông Giáp từ Ba Ti chuyển về vùng Long Khánh cùng với ông Son tiếp tục hoạt động.

Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố trắng nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của quần chúng, phong trào cách mạng cả nước tạm thời lắng xuống. Ở Tây Ninh, các đảng viên và quần chúng nòng cốt tạm thời ẩn náu, giữ gìn bí mật lực lượng chờ thời cơ. Đến năm 1934-1935, phong trào dần khôi phục trở lại do ông Lên (Tư Địa) - cán bộ Liên Tỉnh uỷ đến rừng Bàu Sen, Bàu Dài (nay thuộc huyện Dương Minh Châu) hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng.

Từ đây, ông Lên chuyển lên vùng Quán Cơm (nay thuộc phường 1, thành phố Tây Ninh), trụ lại một thời gian rồi mở rộng phạm vi hoạt động ra các xã Ninh Thạnh, Thái Bình, Thanh Điền. Qua quá trình tuyên truyền, vận động cách mạng, ông Lên đã lựa chọn và kết nạp vào Đảng một số quần chúng như Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Dú, Huỳnh Văn Sự, Trần Văn Đẩu, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Văn Giang... hình thành cơ sở Đảng ở Quán Cơm.

Bia ghi danh sách 8 đảng viên đầu tiên và bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

“Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 – 2005)” ghi: “Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến năm 1939, ánh sáng của Đảng đến với Tây Ninh, qua phong trào, Đảng đã bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cốt cán là người địa phương và hình thành các cơ sở Đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm và Phước Chỉ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo các mục tiêu do Đảng đề ra, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống, quyền tự do. Tuy chưa chính thức có Đảng bộ nhưng đây là sự chuẩn bị trực tiếp để làm nền tảng cho việc tổ chức Đảng bộ Tây Ninh trong những năm sau”.

Những ngày này, Tết nguyên đán sắp đến, cũng là dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Giồng Nần, gần lối vào khu di tích “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh”, cờ phướn cắm hai bên đường xanh đỏ phần phật trong gió. Làng quê Long Vĩnh thật yên bình.

Tiếc là, từ tỉnh lộ 786 quẹo vào, ngoài tấm bảng điền “Khu di tích…” ở đầu đường, còn lại không có thêm bất kỳ tấm biển chỉ dẫn nào khác dù đến Khu di tích phải mất thêm hai ba lần rẽ. May mà gần như người dân Long Vĩnh nào cũng biết “địa chỉ đỏ” đầy tự hào này, hỏi là họ chỉ ngay, chỉ một cách tận tình. Hơn 10 năm sau lần dự lễ khởi công tôi trở lại, dù con đường đã được cán sỏi đỏ bằng phẳng, nhưng bụi mù mịt.

Chắc hẳn, chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất mong một con đường nhựa, ít nhất là để dễ dàng hơn cho thế hệ trẻ, thế hệ mai sau, đạp xe đến đây như một cuộc về nguồn.

Đặng Hoàng Thái