Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trồng dừa kiểng, lắm công phu
Thứ tư: 15:20 ngày 08/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh Nguyễn Hoàng (hiện ngụ ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Ðông, huyện Tân Châu) vừa lia chiếc dao nhỏ nhè nhẹ phủi lớp bụi vỏ dừa còn đang bám trên một quả dừa vừa kể: “Nghề trồng dừa kiểng này công phu lắm, ít ai chịu theo. Ðể có một cây dừa kiểng chưng tết, người làm phải mất cả năm trời”.

Anh Hoàng chăm sóc dừa kiểng.

Anh Hoàng kể sơ qua công đoạn trồng dừa kiểng như sau: trái dừa khô trên cây hái xuống, vạt đầu để vào chỗ râm mát chờ dừa lên mộng. Ít nhất cũng phải mất ba tháng chờ đợi. Vạt đầu trái dừa là chủ động tạo nơi cho dừa lên mộng, để nó lên mộng tự do sẽ không ra cây dừa đẹp. Khi trái dừa lên mộng, người trồng bắt đầu ủ một đống cát thật cao trong nơi râm mát để trái dừa ra rễ. Lớp cát xốp này sẽ cho bộ rễ dừa mọc dài hơn, tạo nhiều hình đẹp hơn khi vào chậu.

Ba tháng sau ngày ủ trong đống cát thì nhổ từng cây dừa lên, phủi hết lớp cát đó xem bộ rễ nó mọc như thế nào để chuẩn bị vào chậu. Có khi rễ mọc thẳng suôn dài, có khi xiên qua một bên, hoặc mọc ngược lên trên. Người làm dừa kiểng lúc này phải lột bỏ lớp vỏ xơ của quả dừa, cẩn thận từng chút một, nếu để gãy rễ thì xem như hư cả quả dừa đó. Lột xong tới công đoạn mài nhẵn vỏ gáo. Không phải quả nào mài cũng thành công.

Có khi mài xong rồi, bỏ vào chậu rồi tới chiều bỗng dưng nó “bụp” nứt đôi là xem như mất hết công sức. Trái dừa chịu được nhiệt là không bị nứt, sẽ cho vô chậu và bón phân chuồng để rễ phát triển. Từ ngày vô chậu, phải mất sáu tháng chăm sóc, tưới tắm, xịt sơn trang trí mới cho một sản phẩm hoàn thiện đem ra thị trường.

4.000 mét vuông đất anh Hoàng hiện có vốn là của cha mẹ, ông bà quê quán tỉnh Quảng Nam vào Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1983. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Hoàng đã biến khu vườn tạp của cha mẹ thành vườn dừa xiêm lùn. Gần 100 cây dừa trên 4 công đất này đã cho gia đình anh Hoàng thu nhập ổn định từ nguồn dừa tươi.

Thỉnh thoảng thương lái vào hái không kịp, dừa già khô. Bản thân trái dừa xiêm khá nhỏ nên ngoài chợ cũng không mua dừa khô để nạo lấy nước cốt. Nhìn vườn dừa lủ khủ trái khô lên mộng, anh Hoàng tiếc của đem vào nhà, rồi qua mạng internet, anh đã học hỏi được cách chơi dừa kiểng.

Anh bật mí: “Học qua mạng chỉ đại khái thôi, bắt tay vào việc mới thấy… thất bại. Qua đó tôi rút dần kinh nghiệm. Năm 2017, 2018 tôi trồng ít, đâu hơn chục trái, chủ yếu tặng bạn bè hàng xóm, cơ quan. Năm 2019, tôi làm cả trăm trái và một thương lái tới đã thu mua tất cả”.

Anh Hoàng dự kiến sang năm sẽ trồng cả ngàn cây dừa kiểng để đáp ứng thị trường. Muốn như vậy, ngay bây giờ anh ngừng bán dừa tươi, để cho dừa khô mà làm nguyên liệu. Ðặc điểm của công việc này là không có công thức chung, cứ phải tuỳ trái to nhỏ, gáo dày gáo mỏng, rễ dài rễ ngắn mà trồng sao cho hợp lý.

Nhưng thật ra trồng dừa kiểng chỉ là công việc phụ của vợ chồng anh Hoàng. Công việc của anh là đi dạy. Anh Hoàng là giáo viên dạy Toán, vợ anh dạy môn Hoá.

Với giá thành tại nơi sản xuất hiện nay là 200.000 đồng/cây dừa kiểng thành phẩm, trừ tiền nguyên liệu, tiền chậu, phân tro… vợ chồng anh Hoàng cũng đã có khoản thu không nhỏ từ nghề chơi dừa kiểng cũng lắm công phu này.

TRANG ÐÀO

Tin cùng chuyên mục