Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 31.5, Báo Tây Ninh có đăng bài “Trồng rừng theo mô hình đã được phê duyệt: Cần thực hiện nghiêm để bảo đảm sự công bằng”, phản ánh thực trạng vẫn còn một số trường hợp trồng rừng tại tiểu khu 59 sai mô hình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Một góc vườn trồng cây cao su của ông Nghín tại tiểu khu 59. Ảnh chụp ngày 28.5.2021
Việc này phát sinh sự so bì giữa các hộ đã ký hợp đồng trồng rừng. Sau khi báo đăng, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc từng tổ chức kiểm tra, xử lý các hộ trồng rừng sai mô hình.
Cụ thể, theo biên bản kiểm tra ngày 24.5.2018 của Đội Bảo vệ và Phát triển rừng Suối Bà Chiêm (thuộc BQL), tại khu rừng trồng của hộ nhận khoán ông Hồng Văn Nghín, vị trí lô a, lô b, khoảnh 16, khoảnh 18, tiểu khu 59, rừng trồng từ năm 2013, trồng theo mô hình DCs1, diện tích 6 ha, tỷ lệ cây chính (dầu) chiếm 35%, cây phụ (cao su) 65%. Phần diện tích cây chính ít hơn cây phụ, chưa đúng với mô hình đã phê duyệt. Tổ kiểm tra yều cầu ông Nghín xử lý chặt bỏ 5 hàng cây cao su, trồng thay vào 6 hàng cây dầu, hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m.
Trong biên bản làm việc, ông Nghín có nêu ý kiến: “Do cây cao su hiện cũng đã lớn, tiền đầu tư nhiều nên cho tôi xin được giữ lại để khai thác mủ. Sau khi hết chu kỳ cây cao su, tôi sẽ thực hiện trồng lại cây dầu theo đúng quy định”. Tuy nhiên, tại phần kết luận của biên bản, tổ kiểm tra vẫn kiên quyết đề nghị ông Nghín thực hiện nghiêm việc trồng rừng theo mô hình DCs1.
Tại một khu vực khác của tiểu khu 59, theo biên bản kiểm tra rừng trồng ngày 13.12.2020 của Đội Bảo vệ và Phát triển rừng Suối Bà Chiêm, vị trí lô 6, lô 7, khoảnh 14, tiểu khu 59, rừng trồng từ năm 1999, mô hình DK1, diện tích 9,4 ha, do hộ bà Phạm Thị Hiệp nhận khoán.
Kết quả kiểm tra, trên lô rừng trồng có 6 cây sao và 15 cây keo (đường kính khoảng 15cm đến 30cm) bị khô lá từ thân tới ngọn. Kiểm tra kỹ từng cây không thấy dấu hiệu bị tác động nào lên vỏ và rễ cây, không thấy dấu hiệu sâu đục thân. Tổ kiểm tra nghi ngờ cây bị bệnh, lập biên bản ghi nhận sự việc, chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đến ngày 22.3.2021, bà Phạm Thị Hiệp có văn bản cam kết: “Hiện tôi có hợp đồng trồng rừng với BQL tại lô 6, lô 7, khoảnh 14, tiểu khu 59, mô hình DK1, rừng trồng năm 1999, diện tích 9,4 ha. Tháng 10.2020, tôi đã thực hiện trồng cây keo nhưng do thời tiết nắng nóng nên cây bị chết, diện tích khoảng 1,5 ha (khu vực đám mì khoảng 2 ha mà trong bài báo trước đã đề cập – P.V).
Nay do cây mì đã lớn, chưa thể trồng cây keo được ngay. Tôi cam kết với Đội Bảo vệ và Phát triển rừng Suối Bà Chiêm, sau khi thu hoạch mì xong sẽ thực hiện trồng giặm đầy đủ cây keo, cây sao, cây dầu theo đúng mô hình Nhà nước quy định. Thời gian đến hết tháng 8.2021 sẽ trồng rừng xong, nếu vi phạm những điều cam kết trên tôi xin chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nhiều cây keo (tràm) bị chết cháy bên cạnh đám mì (ảnh chụp ngày 28.5.2021).
Liên quan đến khu vực đám mì nêu trên, theo biên bản kiểm tra vào ngày 27.5.2021 của đại diện BQL phối hợp cùng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tân Châu, tại khu rừng trồng của bà Phạm Thị Hiệp có một số cây sao, cây keo chết khô cả cây. Do thời gian cây chết đã lâu nên chưa xác định được nguyên nhân.
Thực tế, qua quan sát vào ngày 28.5.2021, ông Nghín chỉ mới xử lý một phần nhỏ diện tích cây trồng sai mô hình so với tổng diện tích 6 ha. Cần nói thêm, vị trí tại khu rừng trồng của ông Nghín được xem là rừng đầu nguồn giáp sông Sài Gòn, nên ông phải tuân thủ trồng rừng theo đúng mô hình quy định.
Riêng đám mì khoảng 2 ha thuộc một phần trong diện tích 9,4 ha mà bà Hiệp đã hợp đồng trồng rừng, trên một số gốc cây rừng bị chết có dấu tác động của con người, có cây đang vàng lá với dấu hiệu chết dần (tại thời điểm quan sát vào ngày 28.5).
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa tình hình chấp hành trồng rừng theo mô hình đã được phê duyệt, nhằm đề ra giải pháp chấn chỉnh dứt điểm, tránh để tình trạng vi phạm kéo dài gây ảnh hưởng đến chủ trương trồng rừng của Nhà nước.
MINH QUỐC