BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trong suy thoái kinh tế toàn cầu: Các mặt hàng mây tre xuất khẩu của Tây Ninh vẫn sản xuất ổn định

Cập nhật ngày: 11/04/2009 - 06:22

Thợ thủ công sản xuất hàng mây tre xuất khẩu ở xã An Hoà luôn có việc làm ổn định

Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu làm ảnh hưởng không nhỏ đối với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống của nước ta. Tuy nhiên cũng có những mặt hàng xuất khẩu đến nay chưa, hoặc ít bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Trong đó có các mặt hàng mây tre xuất khẩu ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Đông (ở ấp An Hội, xã An Hoà, Trảng Bàng) chuyên sản xuất các mặt hàng mây tre xuất khẩu cho biết, cơ sở của ông hoạt động 14 năm nay. Hiện nay công ty có 200 công nhân làm việc thường xuyên tại công ty và khoảng 200 hộ gia đình vệ tinh sản xuất tại nhà riêng. Công ty sản xuất khoảng 200 mặt hàng mây tre các loại, tuỳ theo đơn đặt hàng của khách hàng mà thay đổi mẫu mã khác nhau. 100% sản phẩm của công ty làm ra đều được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường các nước EU, Mỹ, Nga, Trung Đông, Tây Á… Những năm qua Công ty luôn ổn định sản xuất. Để tránh bị ảnh hưởng nhiều do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gần đây, ngoài các khách hàng quen thuộc, Công ty còn mở rộng hoạt động tiếp thị đến các nước Tây Á, đã xuất khẩu hàng hoá sang Cô-Oét và đang chuẩn bị xuất sang Li-Băng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, người phụ trách kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân E-Green (ở ấp Hoà Bình, xã An Hoà, trước đây là xí nghiệp mây tre Gia Việt) cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng mây tre trang trí nội thất xuất khẩu như: bàn ghế, tủ, kệ, quầy bar, sa lon, nhà lều… (mỗi thứ nhiều kiểu dáng khác nhau). Nhiều năm qua cơ sở này vẫn luôn ổn định sản xuất, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu được khoảng 3-4 container hàng hoá. Hiện nay doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường như trước đây, với số lượng 150 công nhân trực tiếp sản xuất. Tiền lương của thợ lành nghề bình quân 80.000 đồng/ngày, còn các thợ khác bình quân từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã An Hoà cho biết, ngoài hai cơ sở sản xuất mây tre kể trên, ở ấp An Quới, xã An Hoà còn có một cơ sở sản xuất mây tre nữa (Công ty THHH Mây tre lá Nhà Việt). Số lượng công nhân của công ty này có đến 300 người trực tiếp sản xuất. Hiện nay công ty này vẫn hoạt động bình thường, mức lương công nhân từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra ở xã An Hoà còn có khoảng 150 hộ sản xuất nhỏ lẻ cá thể. Tổng số lao động tham gia sản xuất các mặt hàng mây tre trong toàn xã lên đến trên 1.000 người.

Để đảm bảo ổn định sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng, các cơ sở sản xuất các mặt hàng mây tre xuất khẩu đề nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi cho các ngành nghề thủ công như ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng, quan tâm đến việc duy tu đường sá đảm bảo giao thông thuận tiện… Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài cho các mặt hàng mây tre xuất khẩu, Nhà nước cần quy hoạch vùng trồng tầm vông, tre và khuyến khích nhân dân trồng các loại cây trồng này.

Các mặt hàng mây tre xuất khẩu ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng

Được biết, trong Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thông qua tại kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh khoá VII có nêu: Phát triển mạnh nghề mây tre đan tập trung ở các huyện Trảng Bàng, Hoà Thành, Dương Minh Châu để hình thành các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu. Trong quy hoạch còn có Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho nghề mây tre đan. Mục tiêu của dự án này là trồng ven biên giới Việt Nam- Campuchia 200 ha cây tầm vông để đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở làm nghề mây tre đan. Điểm xây dựng dự án là các xã Biên Giới, Hoà Thạnh, Thành Long và Ninh Điền (huyện Châu Thành)…

D.H