BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trọng tài sẽ giảm tải về giải quyết tranh chấp thương mại

Cập nhật ngày: 21/11/2009 - 05:58

Ảnh minh họa

Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật trọng tài thương mại.

Dự thảo Luật gồm 11 Chương và 75 Điều, quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên và tố tụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp theo sự thoả thuận của các bên.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật trọng tài thương mại.

Theo tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo, thực tiễn giải quyết tranh chấp trên thế giới cho thấy, trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các thương nhân. Ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ góp phần làm giảm tải hoạt động xét xử của Toà án.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế hiện nay số các vụ việc tranh chấp thương mại được trọng tài giải quyết không nhiều.

Nhưng theo xu thế chung của xã hội, chắc chắn cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, các vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại qua cơ quan trọng tài sẽ ngày một gia tăng vì đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn các tranh chấp của mình được giải quyết nhanh, gọn và đảm bảo bí mật, giữ được uy tín, danh dự của các bên tranh chấp.

Việc đưa các tranh chấp tới giải quyết tại toà án sẽ giảm, vì hoạt động tố tụng của toà án hiện này còn nhiều cấp, mất nhiều thời gian và công khai hoá. Bên cạnh đó, cơ chế bộ máy hoạt động của cơ quan trọng tài đảm bảo sự hỗ trợ của các trọng tài viên là những người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại sẽ đảm bảo tính chính xác trong kết luận của cơ quan trọng tài thương mại.

Theo thống kê của các cơ quan Tư pháp, tại Toà kinh tế Toà án Nhân dân Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, số lượng vụ việc năm sau tăng gấp đôi năm trước. Toà Kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hàng năm xử từ 1.000 - 1.100 vụ tranh chấp kinh tế.

Tuy nhiên, con số này lại rất khiêm tốn nếu xem xét số vụ việc được giải quyết bởi trọng tài. Trong khi VIAC - tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam - chỉ tiếp nhận 30 vụ tranh chấp trong năm 2007 và 58 vụ trong năm 2008 thì mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm; mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xử 50 vụ một năm trong khi mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm. Tình hình đó ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, gây áp lực cao đối với các thẩm phán, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các doanh nghiệp về mức độ an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh thương mại.

Nhiều đại biểu cho rằng trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài mà chỉ giới hạn thẩm quyền của trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại; không nên mở rộng thẩm quyền của trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự.

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng, việc giới hạn thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại trong Luật thương mại sẽ đảm bảo tính khả thi của Luật và tránh sự chồng chéo, không thống nhất với một số quy định của văn bản pháp luật khác. Theo đại biểu, không nên quy định trọng tài thương mại có quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, vì không có tính khả thi trên thực tế và nên để toà án quyết định vấn đề này.

Bên cạnh phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại, ý kiến thảo luận chung tại tổ của các đại biểu còn tập trung vào các vấn đề lớn như tiêu chuẩn trọng tài viên, quy định hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(Theo chinhphu.vn)