Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 18.7, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và cho ý kiến một số nội dung liên quan đến công tác này.
Quang cảnh hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
6 tháng đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đạt được một số kết quả tích cực, nhất là đạt một số chỉ tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh năm 2022. Cụ thể, có 19 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đạt 100%. Trong đó, Sở Nội vụ triển khai Dự án Hệ thống số hóa, quản lý và khai thác dữ liệu số. Sở Giáo dục và Đào tạo đang xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục.
Về việc liên thông tất cả các cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực do các cơ quan ở Trung ương chia sẻ, tỉnh đã kết nối dữ liệu hộ tịch điện tử; cấp phiếu lý lịch tư pháp; Bưu chính công ích; Văn bản quy phạm pháp luật; cơ sở dữ liệu BHXH; cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; danh mục dịch vụ công dùng chung.
Tỉnh đã tích hợp 960/1.818 (đạt 52,8%) dịch vụ công mức độ 4 đã công bố được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các sở, ngành đang rà soát để công bố lại Dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, dự kiến hoàn thành rà soát trong tháng 7.2022. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 34,37%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 17,65%.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã triển khai thí điểm Tổ công nghệ cộng đồng trên địa bàn tỉnh, đã thành lập 484 tổ.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực nhiệm vụ chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn, một số Bộ, ngành ở Trung ương chưa có hướng dẫn về các tiêu chí, chỉ tiêu quản lý ngành cần số hóa nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của một số sở, ngành còn khó khăn.
Việc hướng dẫn, thống nhất cách xác định thủ tục hành chính được giải quyết hoàn toàn trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế chậm được triển khai. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số có khả năng tham mưu công tác chuyển đổi số của tỉnh còn thiếu…
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp các nguồn dữ liệu hiện có của địa phương về Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế-xã hội tập trung, tạo dữ liệu dùng chung, phối hợp với các ngành sớm triển khai Đề án Chính phủ giao; đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, hội nghị còn cho ý kiến đối với dự thảo Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và một số nội dung khác.
C.T