Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lối lên sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trơn tuột bởi đêm trước cơn mưa rừng kéo về tưới đẫm cây cối. Lối nhỏ. Dòng người dò dẫm từng bước thận trọng. Nhưng chỉ ráng chút xíu thôi, sở chỉ huy đã ở trước mặt.
Lối lên sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trơn tuột bởi đêm trước cơn mưa rừng kéo về tưới đẫm cây cối. Lối nhỏ. Dòng người dò dẫm từng bước thận trọng. Nhưng chỉ ráng chút xíu thôi, sở chỉ huy đã ở trước mặt.
Khách du lịch trên nóc hầm De Castries trong khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ |
Cô bé Biên (bìa trái) và các “hướng dẫn viên” nhí |
Có khó khăn gì mấy khi giờ đã có sẵn con đường nhỏ với những bậc đá, cây cầu, khi 50-60 năm trước rừng còn hoang vu hơn thế, cây cối còn ken dày hơn thế. Lối nào đến đài quan sát? Lối nào được chọn làm mũi nhọn tấn công vào sườn địch? Lối nào người giao liên tìm đến đưa tin? Lối nào từng in bước chân tướng Giáp? Rừng không nói, chỉ có cô bé Cà Thị Biên thoăn thoắt bên cạnh là liến thoắng kể chuyện.
Ban đầu cô bé nói về mấy khúc gỗ được dựng hai bên lối đi: “Đấy là cái thùng rác. Nếu có rác hãy bỏ vào đó, đừng vứt lung tung, mấy chục năm sau rừng sẽ không thở được”. Tôi nghiêng tai lắng nghe. Em người dân tộc Thái, 9 tuổi, nói tiếng Việt bằng chất giọng vút cao. Tôi hỏi: “Sao em nói rừng không thở được”. Biên cười hiền lành: “Em nghe cô giáo nói. Đó là bảo vệ môi trường”. Biên nhảy qua con suối nhỏ gọn ơ trong khi tôi dò dẫm thận trọng. Thoắt cái tôi thấy em cúi xuống nhặt lon nước ngọt ai đó tiện tay giấu sau phiến đá đặt bên đường cho du khách nghỉ chân.
Phía kia là nơi đỗ chiếc trực thăng chở tướng Giáp về thăm căn cứ. Phía kia theo tay chỉ của em, cây rừng chụm đầu vào nhau. Trên chóp cây cao cao, phong lan khoe sắc cùng mùa hè đầy nắng. “Em đã gặp cụ Giáp lần nào chưa?” - tôi hỏi. “Gặp rồi ạ. Lúc đó em nhỏ xíu. Cụ về thăm người giao liên của mình”. Biên nói như kiểu người lớn kể sử thi: “Cụ mang quà đến cho ông giao liên. Ông già lắm rồi. Ông ngồi bên bếp lửa, cụ Giáp ngồi bên cạnh. Cụ và ông nói chuyện nhiều lắm”.
Biên ngừng kể, chạy đi hái rau rừng. Sau một cơn mưa, những ngọn rau như bàn tay nhanh chóng nhoài cả ra lối đi. Em hái cả một ôm. Nhà em ai cũng thích ăn rau này. Mắt em lấp lóa bởi ánh nắng vừa tìm cách luồn qua một kẽ lá nhỏ xíu. “Mỗi lần cụ Giáp về là bản làng vui như mở hội. Cụ Giáp nói cụ là con của núi rừng, con của bản làng này” - em kể với vẻ tự hào.
Biên dắt tôi tìm về lịch sử bằng những lời kể trong vắt. Này là hầm xuyên núi, góc kia cụ Giáp ngồi họp, cái sập tre đó cụ ngả lưng nghỉ ngơi; đấy là lán thông tin, nọ là lán cố vấn... “Em này, ai dạy em những điều này?”. Em lắc đầu: “Em đi theo các cô chú hướng dẫn du lịch, em học theo. Các bạn ở đây đều biết nói như em”.
Những ngọn gió trong lành ùa đến. “Gió thế này chiều sẽ mưa” - em nói. “Sao em biết được?” - tôi tròn mắt hỏi. “Em lớn lên ở đây mà. Có năm mưa dông, cây ngã đè sập cả ngôi nhà của em. Lúc đó mẹ bế em chạy thật nhanh...”. Em dắt tôi quay về cuộc sống thực tế.
Gia đình em sống bằng nghề nông. Ruộng lúa mỗi năm một vụ. Nông nhàn, cả nhà vào rừng hái lá thuốc. Sau giờ học, em giúp mẹ bán thuốc nam cho khách du lịch. Anh em nhà Biên, những đứa trẻ mắt sáng đằng kia đều có một túi thuốc đeo bên mình. Các em đi theo du khách, kể chuyện cho khách nghe, nhặt rác, thuyết minh về trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kể câu chuyện về cụ Giáp...
Tuyệt không có một câu mời chào khách mua thuốc em bán. “Sao em không mời khách mua? Nhỡ bán không được thì sao” - tôi thắc mắc. Em cười giòn: “Bán không được thì thôi. Mẹ em không mắng”.
Trên lối đi hai bên đường, mấy mế, mấy bá người Thái, Mường, Mông... trong trang phục dân tộc, tóc búi cao bày bán xôi lá cẩm, củ mài luộc, rau rừng, quả rừng, phong lan, mật ong... dịu dàng bảo mật ong mùa hoa lan ngọt lắm. Ai cũng chào mời thẽ thọt như thể sợ nói lớn tiếng sẽ làm rừng giật mình.
Biên dắt tôi về theo lối tắt. Lội theo lạch nước nhỏ mát lành. Đi qua bao ô ruộng xanh mướt mắt. “Làm bác sĩ khó không cô nhỉ?” - bỗng Biên rụt rè hỏi. “Không khó! Quan trọng là em phải học giỏi” - tôi trả lời lý thuyết rồi giật mình trước sự đắn đo của em. “Không biết em làm bác sĩ được không? Em học toàn khá. Em thích đi theo khách hơn là đi học - em thật thà trong veo - Mà thôi, lần sau nếu cô đến vào mùa này, em sẽ mời cô ngủ lại nhà em. Buổi tối, ve đất và ve rừng cùng hát. À, hay là cô đến vào mùa xuân? Khắp nơi này hoa ban trắng xóa...”.
Theo TTO