Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếng trống cùng những màn múa biến ảo khó lường của người chơi như hút hồn người xem không thể dứt ra.
Ngày 5.6.2011, nhằm ngày 4.5 âm lịch giáp tết mùng Năm thì họ đạo thị xã Tây Ninh cũng làm lễ khánh thành ngôi thánh thất mới gần ngã tư Trường Nam trên đường 30/4 Thị xã. Người đâu mà đông quá, rặt một màu áo dài trắng của đạo hữu và chức sắc Cao Đài. Đại biểu khách mời cũng ngồi kín hai căn rạp dựng hai bên, gồm các chức sắc đứng đầu Hội thánh, các đại biểu ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thị xã và các tôn giáo khác.
Có lẽ lâu lắm rồi, thánh thất Thị xã mới có một ngày rộn ràng đến vậy. Bởi ai thường qua lại trên đường 30.4 lâu nay, đều thấy một ngôi thánh thất xây dựng dở dang từ thế kỷ trước với những mảng bê tông trần và tường gạch chưa tô. Thế mà nay, ngôi thánh thất mới tinh khôi bỗng bừng sáng lên trong nắng sớm. Sơn mới còn thơm phức, toàn những màu rực rỡ: đỏ, vàng, xanh… theo truyền thống của kiến trúc Cao Đài. Cờ phướn phấp phới bay trên cột cao hơn chục mét, lại thêm hoa dây giăng mắc xuống từ đỉnh các tháp cao lầu chuông, lầu trống. Một vòng hoa màu chủ đạo đỏ vàng kết hình sao đặt ngay trước đài chiến sĩ mới được dựng lên trong ngày lễ trọng thể này.
Ngoài các nghi lễ chính thức như diễn văn, báo cáo, chúc mừng của Ban tổ chức, đại biểu khách mời; thì phần hội kèm theo trong lễ khánh thành thánh thất Thị xã cũng thật là đặc sắc. Nhất là ở tiết mục múa kỳ lân và dàn trống xa dăm. Trống cái xen tiếng chiêng, phên la điểm nhịp thì thùng. Thì tiếng trống xa dăm trong hàng chục tay múa trống cũng thủ thỉ bập bùng như muôn tiếng lòng vui kìm nén. Nhưng, trống xa dăm không chỉ hay ở tiếng, mà kỳ diệu hơn lại chính là muôn vàn động tác tuyệt kỹ của những người chơi trống. Thì cứ nhìn vào ánh mắt của những người có mặt thì đủ rõ. Tiếng trống cùng những màn múa biến ảo khó lường của người chơi như hút hồn người xem không thể dứt ra. Mà nhiều người trong số họ cũng đã từng xem, nghe ở nơi này, nơi khác.
Tốp múa ba trong dàn trống xa dăm |
Vâng! Trống xa dăm thật không lạ lẫm với người Tây Ninh nói riêng và người ở nhiều tỉnh thành Nam bộ nói chung. Như ở Trà Vinh, còn có cả một đoàn ca múa Khmer chuyên nghiệp mang tên là Ánh Bình Minh; trong đó dàn trống xa dăm của đoàn được coi là chủ chốt. Còn ở Tây Ninh, trong các mùa lễ hội Khmer vài mươi năm trước, cũng có nơi còn trống xa dăm điểm nhịp cho các đêm hội vui thâu đêm suốt sáng. Hoặc ít ra, nhiều người Tây Ninh cũng đã hơn một lần chứng kiến dàn trống xa dăm trong các lễ hội trọng yếu của đạo Cao Đài vào mùng 9 tháng giêng và rằm tháng Tám âm lịch. Thế nhưng, trong các đám rước linh đình ấy, khi có cả rồng nhang, tứ linh và hàng chục đội lân sư cùng nhảy múa tưng bừng trong đội hình dài hàng trăm mét ấy, mấy ai mà để ý đến tốp các chàng trai khiêm tốn, treo trống trên vai vừa đi vừa điểm nhịp bàn tay. Chỉ những khi ở một lễ hội kiểu này, hoặc diễn trên sân khấu một dịp liên hoan ca múa dân tộc nào đấy, thì trống xa dăm mới có dịp phô bày những mảng miếng tinh hoa và quyến rũ. Mà trên sân khấu thì khán giả ngồi nghiêm ngắn quá, làm sao có cảnh vòng người dạt ra theo những bước chân hoặc những vòng lăn của nghệ sĩ múa tới gần.
Dàn múa xa dăm diễn trước sân ngôi thánh thất Tây Ninh hôm mùng 5.6 vừa qua được chia làm hai tốp, mỗi tốp 10 người, nhưng chỉ có 9 người và trống biểu diễn, người kia có lẽ là dự bị để có thể thay thế khi cần. Trống xa dăm có hình trụ tròn, miệng rộng chừng hai tấc rưỡi và thân dài 7 tấc. Thân trống làm bằng gỗ tròn, chuốt nhẹ những đường cong, nhỏ dần về đuôi trống được bịt bằng nhôm trắng. Miệng trống bọc da, chính là nơi người chơi có thể dùng mọi bộ phận cơ thể mình đánh vào, tạo nên tiếng trống. Được cấu tạo thế nên trống dễ ôm, dễ đánh trong nhiều tư thế, kể cả những vòng lăn tròn dưới đất hoặc lộn qua nhau khi hai người phối diễn cùng nhau. Trong những mảng miếng múa trống, ta thấy người chơi diễn cặp đôi, diễn 3 hoặc 4 người và cả nhóm. Họ có thể đánh trống bằng bất cứ bộ phận cơ thể nào, như đầu, bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, gót chân… và khi cặp đôi, ba, lại luồn tay sang, đánh trống của nhau. Tất cả đều thật nhịp nhàng và hoàn hảo. Trong dàn múa trống xa dăm, có thể còn thêm sự phối diễn giữa nghệ nhân trống cùng kỳ lân và ông địa.
Tiếc thay, một loại hình nghệ thuật đặc sắc có nguồn gốc Khmer kia đã ngày càng một hiếm. Ở hơn hai chục thôn ấp Khmer trên đất Tây Ninh đã hoàn toàn vắng bóng (và tiếng) trống xa dăm, dù là lễ hội Chon -Chnam - Thơ mây hoặc lễ hội Đôn ta. Cả tỉnh giờ chỉ còn người Khmer xóm Bàu Ếch, ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành là có trống xa dăm. Nghệ sĩ trống cũng toàn là thanh thiếu niên xóm ấy, dưới sự chỉ dạy, bảo ban của ông thầy Cao Văn Biển. Giữ được nghệ thuật truyền thống ấy, cũng còn nhờ vào sự chăm lo và hỗ trợ vật chất của Hội thánh Cao Đài.
TrẦn Vũ