Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trồng xen cây cao su với cây rừng:Cấm hay không cấm?
Chủ nhật: 05:31 ngày 23/10/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều người cho rằng việc trồng xen cây cao su thì khả năng cây rừng bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ lớn hơn vì tán cây cao su phát triển mạnh, độ che phủ lớn.

Từ nhiều năm qua, mô hình trồng rừng trên địa bàn tỉnh là cây rừng bản địa như sao, dầu trồng xen với các loại cây phụ trợ như keo, xà cừ. Trong vài năm đầu tiên, tranh thủ cây trồng chưa khép tán, các hộ nhận khoán trồng rừng được phép trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mì, đậu… Việc trồng xen các loại cây này, nếu không chăm sóc đúng mức có khi còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cây rừng chính. Nay lại đang phát sinh việc trồng xen cả cây cao su vào cây rừng, thay thế cho cây phụ trợ, thì liệu cây rừng có thể phát triển được hay không?

Ông Nguyễn Thành Thơm, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu cho biết trên địa bàn huyện có hơn 1.600 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng không đúng quy hoạch, không đúng mục đích. Thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh, đến nay toàn huyện đã xử lý thu hồi được gần 1.400 ha và trong đó đã thực hiện trồng rừng được hơn 1.300 ha. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay toàn huyện đã trồng rừng được 550 ha- vượt kế hoạch trồng mới rừng năm 2011. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để trồng lại cây rừng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Thơm thì trong thời gian gần đây đang phát sinh tình trạng trồng xen cây cao su với cây rừng thay thế cho cây phụ trợ, khiến nhiều người lo ngại hiệu quả công tác trồng rừng trong những năm qua không được như mong muốn. Hiện nay, diện tích rừng trồng có trồng xen cây cao su mà Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu nắm được đã lên đến hơn 350 ha- hầu hết thuộc địa bàn rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Thực tế diện tích rừng được trồng xen cây cao su có thể còn lớn hơn nhiều do vẫn còn nhiều khu vực Phòng Nông nghiệp huyện chưa nắm hết. Có một số diện tích trồng rừng đã nhiều năm, nay đến lúc tỉa thưa cây phụ trợ thì chủ nhận khoán trồng rừng trồng xen cây cao su vào. Cũng có một số diện tích chủ nhận khoán trồng rừng trồng xen cây cao su vào các cây nông nghiệp ngắn ngày đã được trồng xen trên diện tích đất đang trồng cây rừng. Nhiều người băn khoăn: cây cao su là cây “của mình”, còn cây rừng là cây của “Nhà nước” nên người nhận khoán trồng rừng sẽ tập trung chăm sóc cây cao su mà bỏ bê cây rừng khiến cây rừng khó phát triển bằng cây cao su.

Cũng có ý kiến cho rằng trồng xen cây cao su với cây rừng không có gì vi phạm, bởi vì từ trước đến nay chưa có quy định cụ thể về chủng loại cây trồng xen. Do đó, cây cao su cũng có thể được coi là cây phụ trợ trong mô hình trồng rừng. Khi trồng xen cây cao su vào cây rừng thì cây rừng cũng có lợi vì khi chủ nhận khoán trồng rừng bón phân chăm sóc cây cao su thì cây rừng cũng được “hưởng lây”. Từ việc chăm sóc và vệ sinh cho cây cao su mà hiệu quả việc phòng chống cháy rừng sẽ được nâng lên, tình trạng cháy rừng sẽ được hạn chế bởi không người chủ nhận khoán nào muốn cháy cao su của mình. Hơn nữa, trong điều kiện trồng các loại cây phụ trợ như keo, tràm thì sớm nhất là đến năm thứ 5, thứ 6 mới được tỉa thưa và cho thu nhập  không được bao nhiêu. Trong khi đó, trồng xen cây cao su thì cũng đến năm thứ 5, thứ 6 mới có thể khai thác nhưng thu nhập thì cao hơn cây keo gấp nhiều lần. Người trồng rừng được thu nhập càng cao từ khoảnh đất nhận khoán trồng rừng thì khả năng chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng sẽ tốt hơn.

Cao su trồng xen phải tạo khoảng không để phát triển

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc trồng xen cây cao su thì khả năng cây rừng bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ lớn hơn vì tán cây cao su phát triển mạnh, độ che phủ lớn. Đối với những diện tích rừng trồng lâu năm, cây rừng đã lớn thì khi trồng xen cây cao su cần phải tạo khoảng trống cho cây cao su phát triển. Muốn tạo khoảng trồng chỉ có cách là mé nhánh cây rừng hoặc lén chặt bỏ cây rừng. Thực tế đã có một số chủ nhận khoán mé trụi nhánh khiến cây rừng bị “vót thẳng” như cây đèn cầy, chỉ có loe hoe vài nhúm lá trên ngọn. Làm như thế cây rừng không chết nhưng chắc chắn sẽ không thể nào lớn nổi. Cũng có một số chủ nhận khoán trồng rừng “bạo” hơn, sau khi mé nhánh thì “vô tư” đốt nhánh ngay tại gốc khiến cây rừng rụi dần.

Hai luồng ý kiến khác nhau về việc trồng xen cây cao su với cây rừng đến nay vẫn chưa ngã ngũ và diện tích cây cao su trồng xen với cây rừng đang tăng hằng ngày- nhất là ở khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ông Nguyễn Thành Thơm đề xuất các ngành chức năng liên quan nhanh chóng xem xét, đánh giá mặt lợi, mặt hại của việc trồng xen cây cao su với cây rừng và có ý kiến chính thức về vấn đề này. Cần sớm khẳng định là cấm hay không cấm, hoặc có quy định cụ thể khi trồng xen cây cao su với cây rừng, chứ nếu chậm trễ, diện tích cây rừng được trồng xen cây cao su ngày càng lớn thì việc xử lý sau này sẽ càng phức tạp hơn.

SƠN TRẦN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục