Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trung Quốc 'ngồi trên đống lửa' vì gói 1.900 tỷ USD của Biden
Thứ bảy: 09:56 ngày 13/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngoài những mặt tích cực đối với người dân và doanh nghiệp Mỹ, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Biden còn đặt ra những rủi ro với thị trường toàn cầu.

Gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gây ra nhiều nghi ngại ở Trung Quốc khi các quan chức và chuyên gia nước này cảnh báo rằng việc bơm ồ ạt tiền vào thị trường toàn cầu có thể làm căng thêm bong bóng tài sản, gây thêm xáo trộn thị trường tài chính và dẫn đến lạm phát.

 

Biden ký thông qua gói cứu trợ Covid-19 tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 11/3. Ảnh: AP.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ bao gồm một khoản chi trả trực tiếp 1.400 USD cho người dân thuộc tầng lớp trung lưu, gia hạn trợ cấp thất nghiệp, tài trợ cho các chính quyền địa phương và bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 cũng như cấp ngân sách cho nỗ lực triển khai vaccine. Nó đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Biden ký thành luật ngày 11/3.

Gói cứu trợ tạo ra một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ nhưng cũng làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng có thể quá nóng và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trước đó.

Huang Qifan, cựu thị trưởng Trùng Khánh, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, mô tả kế hoạch cứu trợ của chính quyền Biden là một "cơn lũ dữ dội", cảnh báo nó sẽ đặt ra thách thức to lớn đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Bắc Kinh.

"Mỹ đã giải phóng 7.000 tỷ USD thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc và nới lỏng định lượng không giới hạn thông qua Fed để cứu nền kinh tế", ông nói. "Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mới sẽ kích hoạt một đợt in tiền mới. Chắc chắn nó sẽ dẫn tới tình trạng thanh khoản quá mức và lạm phát", Huang nói tại Bắc Kinh hồi đầu tuần.

Những người chỉ trích gói cứu trợ tại Mỹ cũng cho rằng nó có nguy cơ làm bùng phát lạm phát.

Hầu hết các thành viên trong nhóm hoạch định chính sách của Bắc Kinh đều có quan điểm không đồng tình và đều cảnh giác cao độ trước những tác động lan tỏa có thể xảy ra kể từ khi kế hoạch mới được công bố hồi tháng một.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jay Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bác bỏ các mối lo ngại, lập luận rằng phải mất nhiều năm kinh tế Mỹ và thị trường việc làm mới có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Các quan chức Trung Quốc quan ngại lượng tiền được bổ sung vào thị trường toàn cầu, cùng với nguồn vốn đã dồi dào trước đó, có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới, trong đó có cả Trung Quốc.

Những tiếng nói chỉ trích ngày càng trở nên gay gắt hơn những ngày gần đây khi giá cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh và chỉ số giá sản xuất tăng do giá nguyên liệu thô cao.

Mức nợ cao của chính phủ Mỹ, khoảng 27.800 tỷ USD vào cuối năm 2020, và thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang, ước tính khoảng 3.100 tỷ USD, có thể gây nguy hiểm cho giá trị đồng USD và gây xáo trộn thị trường tài chính, mang đến "những rủi ro hệ thống" cho kinh tế toàn cầu, Huang lưu ý.

"Các dấu hiệu đã rõ ràng trong sự biến động gần đây của chứng khoán và trái phiếu Mỹ cũng như giá hàng hóa", ông nói thêm.

Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ hai của chính phủ Mỹ, sau Nhật Bản, nắm giữ 1.070 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ tính đến cuối năm ngoái.

Người dùng Internet Trung Quốc cũng tỏ ra lo lắng về gói cứu trợ, phàn nàn rằng cả thế giới đang trả giá cho việc in tiền của Mỹ, đặc biệt là việc chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải giảm gần 8% trong ba tuần qua, xóa sổ hàng nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị thị trường.

Nhưng trái lại, nền kinh tế Mỹ mạnh hơn sẽ dẫn tới nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc tăng trong ngắn hạn. Tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 60,6% lên 468,9 tỷ USD trong tháng một và tháng hai năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm tác động của Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 87,3%, lên 80,5 tỷ USD.

Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc (CICC) đã phản ứng với kế hoạch giải cứu bằng việc nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ cho năm 2021 lên 6,2%.

Cùng lúc, CICC cũng cảnh báo việc chính quyền Biden chuyển sang một chính sách tài khóa quyết liệt hơn có thể dẫn đến nền kinh tế phát triển quá nóng và gia tăng lạm phát.

Các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã công khai bày tỏ lo lắng suốt nhiều tháng qua về tác động của kế hoạch giải cứu mà chính quyền Biden theo đuổi đối với dòng vốn và thị trường tài chính trong nước.

Guo Shuqing, chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, tuần trước cảnh báo về "tác dụng phụ" của kế hoạch và thêm rằng một bong bóng thị trường khổng lồ có thể đang hình thành từ Mỹ.

"Chúng tôi rất lo ngại về thị trường tài chính, đặc biệt là sự bùng nổ của bong bóng tài sản nước ngoài", ông nói.

Theo Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Technology, nhận định Mỹ đang tiến hành tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách và đây sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc.

"Từ quan điểm dài hạn, đồng USD giảm giá sẽ đe dọa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Vì vậy, cần kiên quyết thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ", ông nói.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục