Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trùng tu chính điện chùa Gò Kén - Thiền Lâm
Thứ ba: 23:30 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vâng! Có mặt tại chùa vào dịp lễ hội vía Quán Thế Âm bồ tát năm Quý Mão 2023, ai cũng thấy chánh điện chùa Gò như mới khoác lên bộ áo cà sa mới.

Vẫn là màu nâu của gạch đất nung trên những mảng tường cột ngôi chánh điện cũ dường như vừa được nới rộng ra. Vẫn là mảng tường mặt tiền xưa giống một đầu hồi nhà, thấp thoáng trên cao những đường nét cong màu men xanh ngọc mô tả những rồng, mây, hoa lá…

Nhưng từ khoảng giữa mái đã có một kiến trúc mới nhô lên cao như một búp sen hồng. Búp sen ấy là 3 tầng mái ngói kiểu “chồng diêm” tươi tắn màu ngói mới. Kết thúc toà chánh điện cũ, trên khu vốn là ngôi nhà trệt của khu phụ phía sau đã có một nhà trệt lợp 2 mái ngói chạy ngang.

Để rồi tiếp theo lại là một bộ mái 3 tầng kiêu hãnh nhô lên, khoe một kiểu dáng cổ kính thâm trầm như hình dáng của gác chuông chùa Keo- một ngôi cổ tự nổi tiếng ở tỉnh Thái Bình có từ thời vua Lý. Ba, bốn khối kiến trúc với các bộ mái đặc biệt kiểu “Trùng thềm điệp ốc” ấy đã làm nên bộ áo cà sa tươi mới của ngôi chánh điện chùa Thiền Lâm - Gò Kén.

Nói một cách sang cả nhất của phật tử, thì đây chính là diện mạo mới của ngôi “Đại hùng bửu điện” Thiền Lâm. Từ một ngôi chánh điện có kiến trúc hơi đơn điệu của ngôi chùa cũ, nay đã trở nên một phức hợp kiến trúc.

Kỳ diệu thay, là cái phức hợp đồ sộ ấy không làm lấn át đi những phần kiến trúc trước đây, mà lại gắn kết vào nhau thật tự nhiên và rất hài hoà. Nếu ví chùa cũ như một cái cây, thì từ gốc cũ của các cây ấy đã vừa mới mọc thêm những cành nhánh mới.

Tươi thắm hơn, nhưng vẫn là cái cây ấy- cái cây thô mộc chùa Gò Kén của ngày xưa. Và bản thân phần gốc của cái cây này cũng đã lớn thêm. Trước là 3 thì nay thành 5. Là bởi chánh điện chùa trước gồm 3 gian thì nay đã được mở rộng thêm 2 gian hành lang nữa.

Mỗi gian rộng 3 mét 6. Do vậy, ngôi chùa cũ cũng được tôn cao thêm, để giữ nguyên tỷ lệ mặt tiền chùa như trước. Chính là cái mặt tiền đã ở trong ký ức người dân quanh vùng gần cả trăm năm.

Mặt tiền chùa Gò Kén sau khi tôn tạo.

Cũng nên kể thêm, là ngôi chùa Thiền Lâm do Hoà thượng Thích Từ Phong, tự Như Nhãn khởi xướng xây dựng từ năm 1914, sau khoảng 3 năm ngài thiết lập ngôi lán cỏ đầu tiên thờ Phật, làm chốn tu hành (1911).

Cũng có một chuyện kể ngài đã tới đây từ năm 1904. Khi ấy thì Gò Kén còn trơ vơ giữa đồng nước nổi của đồng bưng. Gọi Gò Kén vì cái gò hoang vu rộng hơn 7 ha ấy còn mọc đầy dây kén. Quốc lộ 22B đến năm 1916 mới hoàn thành nhưng còn cách gò đến 250 mét.

Giao thông đến gò, duy nhất chỉ có con kênh Seville được chính quyền thực dân cho đào năm 1902 để chuyên chở hàng hoá vũ khí từ cảng Bến Kéo về tỉnh lỵ Tây Ninh. Vậy mà Hoà thượng Từ Phong đã quyết xây dựng ngôi chùa ấy trên gò, với đủ móng đá, tường xây, cột đúc bê tông.

Có thể đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng không theo truyền thống cũ của kiến trúc chùa, đình Nam bộ. Lần đầu tiên, chùa không phải là những ngôi nhà ngang, có lớp lang từ trước ra sau.

Lần này là “nhà dọc” với đầu hồi quay về hướng Đông làm mặt tiền chùa. Ngôi nhà dọc này được chia thành 3 gian nhưng có đến 9 nhịp nhà, từ trước ra sau. Lần đầu tiên, chùa được xây dựng theo lưới cột với modul mỗi nhịp, mỗi gian đều bằng 3 mét 6.

Cũng lần đầu tiên, cột chịu lực và các vì kèo được đúc bằng bê tông cốt thép. Loại vật liệu mới này chỉ đến năm 1924 mới có mặt đầu tiên tại cầu Quan của tỉnh lỵ Tây Ninh. Dù vậy việc xây chùa vẫn sử dụng các vật liệu truyền thống như: -móng bằng các phiến đá granitte (đá xanh Biên Hoà), được chẻ đều nhau, mỗi viên có kích thước 30 x 40 x 100cm.

Tường bao là từng đôi xây gạch thẻ nung 5 x 10 x 20cm với vữa bằng vôi trộn nhựa lá cây ô dước. Những vật liệu vừa kể có thể đã trải qua ngàn năm thử thách trên những ngôi tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt, vẫn đứng được đến ngày nay.

Phần hành lang được mở rộng.

Ấy là nghe chuyện kể thế thôi! Từ các vị sư trụ trì sau Hoà thượng Từ Phong như Hoà thượng Thích Thuần Hoà và Đại đức Thích Chơn Huệ truyền kể lại. Thế nhưng, từ ngày khởi sự trùng tu cho đến nay, những người quan tâm đến gốc tích chùa Gò mới có thể mắt thấy tay sờ vào những viên gạch cổ hay từng mạch vữa xây ô dước từ quá khứ trăm năm. D

ưới sắc trời xanh nhàn nhạt của mùa xuân, tất cả vẻ đẹp mộc mạc thuần khiết của ngôi chùa xa xưa lung linh hiển lộ. Ấy là từ khi đập bỏ lớp vữa tô chùa cũ, thì mới phát hiện ra những bức tường, trụ cột được xây trau chuốt đẹp đến bất ngờ.

Vậy là sư trụ trì Thích Thiện Nghĩa quyết định tìm về những viên gạch thẻ cùng thời để xây tiếp trong cuộc trùng tu, phục chế. Có cả những chi tiết lạ. Như ở mỗi bước gian tường gạch xây đều có một vòm gạch xây lên cao khoảng 80cm.

Như là một cách giằng giữ, thay cho kiểu thường thấy ngày nay là cái đà kiềng cốt thép bê tông. Sư thầy không kể, nhưng xin đoán thế này! Rằng sau khi phát hiện ra vẻ đẹp chân mộc của những tường cột gạch trăm năm tuổi ấy; thì phương án tiếp theo sẽ là dùng những viên gạch mộc mạc cùng thời để tiếp tục xây nên.

Do vậy mà khối nhà hậu phía sau, được cải tạo lại và xây mới cũng tiếp tục là những tường, trụ cột gạch không tô, tạo nên hiệu quả thật bất ngờ. Sự bất ngờ do gợi ý từ chính kết cấu của ngôi chùa cũ.

Càng bất ngờ hơn là ở nội thất ngôi chánh điện Là vì ở đây đã gắn thêm những đại tự, câu đối, bao lam rực rỡ sắc vàng son. Trầm tư những sắc độ son nâu làm bật lên những nét chữ vàng long lanh trên các tấm đại tự.

U ẩn những hoạ tiết trầm nâu như sóng lượn, vân mây trên đôi câu đối cổ trước hiên chùa. Và rực rỡ trên tất cả các tấm bao lam (cửa võng) như những vầng hào quang trong quá khứ.

Ta có thể nhận ra các đề tài từ văn hoá dân gian như các bộ tứ linh hay các loại hoa văn phượng múa, rồng bay… Những chi tiết sống động, hào hoa này, trước kia chỉ có ở đình Hiệp Ninh- di sản văn hoá quốc gia. Nay thì chùa Gò đã có. Hỏi, thì ra cũng là nhờ các kíp thợ từ những làng nghề nổi tiếng ở Hoài Đức- Hà Nội làm ra.

Điều đặc biệt ở đây là: chính sự thô mộc của tường cột gạch không tô ở chùa Gò đã càng làm tôn lên vẻ đẹp rực rỡ long lanh của những chi tiết cấu kiện sơn son thếp vàng truyền thống. Và ngược lại, chính cái vẻ đẹp long lanh rực rỡ ấy cũng tôn lên vẻ đẹp chân mộc và thuần khiết của những mảng xây đã trăm năm tuổi của chùa Gò.

Thật hiếm có một công trình trùng tu tôn tạo nào lại có sự gắn kết giữa cái cũ và cái mới hài hoà đến thế. Đây chỉ có thể là kết quả của sự kết hợp giữa Tài hoa và Tinh tế. Chỉ 1 năm nữa thôi, năm 2024 là chùa Gò vừa đúng 100 năm.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục