Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trước cổng trường
Thứ bảy: 08:23 ngày 17/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhớ hôm vừa bước khỏi cửa phòng thi, nó thở ra một hơi thật dài, như thể nén hết mười hai năm đèn sách mà thả vào thinh không. Buổi chiều mát mẻ, lất phất mấy hạt mưa mùa hạ trên vai áo trắng tinh, màu trắng ngây ngô đơn thuần của lứa tuổi học trò. Tôi và nó cùng rảo bước ra cổng trường. Ðã thi xong hết rồi, sao không thấy nó vui vẻ nói cười gì hết trơn.

Ảnh minh hoạ

Trước cổng trường khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp thật huyên náo. Những phụ huynh đỗ xe trên vỉa hè, lóng ngóng đón đứa con vừa hoàn thành kỳ thi quan trọng. Âm thanh đề máy từ những chiếc xe dọc đường cứ vang lên xa gần, hoà lẫn vào tiếng người nhộn nhịp. Có tiếng vỗ tay chúc mừng các sĩ tử bước ra khỏi phòng thi từ các anh chị tình nguyện viên. Có tiếng reo vui, hò hét của đám học sinh, có tiếng anh cảnh sát giao thông chỉ dẫn người qua đường… Có người cười, tất nhiên cũng có kẻ khóc.

Ðại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng nó là con đường gần nhất, và có lẽ theo một cách nào đó, cũng là dễ nhất. Tôi từng nghe ai đó nói vậy. Thế nên người Việt bao đời nay đều chú trọng việc học hành thi cử.

Vừa kết thúc năm học, học sinh cuối cấp như tôi đều phải cật lực ôn bài, bổ sung kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Quãng thời gian ấy tuy có vất vả, mệt mỏi nhưng chúng tôi đều tin rằng xứng đáng, cần thiết cho con đường đến cổng trường đại học mơ ước.

Rồi ngày chờ đợi cũng đến, tôi và đám bạn lần lượt nhận được tin vui trúng tuyển sớm hơn dự kiến. Cả tôi và lũ bạn ba năm đèn sách không kiềm nổi sự vui mừng mà hét lớn. Tin vui như một làn gió mát rượi mang theo chút gì đó háo hức, mong đợi cùng niềm vui như mới “thắng trận” thổi ùa vào tâm trí tôi, khiến bao mệt mỏi ngày qua bay đi đâu mất, và những vết chai cứng trên đầu ngón tay cầm bút bỗng mềm mại lạ thường, như thể chúng tan ra vì mãn nguyện. Tôi thấy nụ cười thật tươi trên gương mặt mệt mỏi do công việc của ba má, thứ mà trước đây bị nỗi lo cơm áo gạo tiền lấn át.

Tôi liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội, ríu rít trò chuyện suốt buổi tối. Có đứa còn cao hứng mà tuyên bố rằng sẽ bao cả bọn một chầu thật no nê khi mùa dịch này qua đi. Chỉ duy nhất mình nó- đứa bạn thi cùng phòng với tôi cứ im lặng chẳng nói chẳng rằng.

Tôi lấy làm lạ, bèn gọi điện cho nó để hỏi thăm. Hoá ra người bạn đỗ trường y của tôi lại có nhiều tâm sự đến thế. Nó kể, nhà nó hai người làm mà có những ba miệng ăn. Cuộc sống không mấy dư dả để nuôi ước mơ của nó sau này. Mà tại ba má thương con gái, chắt chiu từng đồng để dành cho con vào đại học.

Ngày biết tin nó đỗ nguyện vọng đầu, cả nhà vỡ oà trong vui sướng. Nhưng lúc nó lén đứng sau cửa phòng khách, nó thấy bóng má ngồi cặm cụi ghi chép tiền học phí cao ngất ngưởng vào cuốn sổ chi tiêu đã rách bươm. Nếu nó quyết định đi theo ngành học yêu thích của mình, ba má nó phải làm lụng vất vả hơn bây giờ nhiều. Nó kể với tôi mà không giấu nổi cái nấc nghẹn trong cổ họng. Tôi thương quá!

Hoá ra đỗ đại học không phải là đích đến cuối cùng như các bạn học sinh cuối cấp thường nghĩ. Ðó là một khởi đầu hoàn toàn mới, và dĩ nhiên là khó khăn, vất vả hơn. Bởi có con đường thành công nào dễ dàng! Hoá ra học đại học không đơn giản là một chuỗi trình tự từ nỗ lực - thi đỗ - nhập học mà còn có cả việc trang trải những khoản chi tiêu. Lũ trẻ chúng tôi còn quá non nớt để hiểu được những nhọc nhằn vì gánh vác trọng trách nuôi con ăn học của bậc cha mẹ. Chúng tôi cứ nghĩ đỗ đại học rồi thì ba má đã bớt khổ cực hơn. Nhưng nào có vậy.

Câu chuyện lúc đêm muộn của nó làm tôi giật mình. Có khi nào, trong một lúc nào đó ở giảng đường đại học, tôi mải mê sải bước đuổi theo giấc mơ tương lai của mình mà đè nặng thêm bờ vai gầy gò của ba má hay không? Liệu khi tôi đủ khả năng trang trải cho cuộc sống của gia đình, những khoản tiền đó có đủ để bù đắp lại cho năm tháng lao lực tổn hại sức khoẻ của ba má hay không?

Xuân Trúc

Tin cùng chuyên mục