Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Trước kỳ họp HĐND tỉnh: Đại biểu gởi nhiều ý kiến chất vấn về vấn đề đất đai, giao thông và giáo dục
2011-12-05 11:49:00

Tính đến ngày 25.11, có 06 đại biểu HĐND tỉnh gởi ý kiến chất vấn tại kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra từ ngày 07 – 09.12.2011.

(BTNO) – Theo HĐND tỉnh, tính đến ngày 25.11, có 06 đại biểu HĐND tỉnh gởi ý kiến chất vấn tại kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra từ ngày 07 – 09.12.2011. Các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tập trung xoay quanh các vấn đề về quản lý đất đai, công thương, giao thông, giáo dục…

Về quản lý đất đai, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, sau khi thực hiện xong công tác bồi thường Khu tái định cư tại Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát, một số hộ dân đã xâm canh cày đất và xuống giống trồng mì. Bên cạnh đó, để giữ đất và khắc phục tình trạng xâm canh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cũng đã cho phép một số cán bộ, công chức của BQL được trồng mì. Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị BQL Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết rõ việc xử lý hậu quả tình trạng các hộ dân xâm canh trồng mình như thế nào? Việc cho phép CB- CC trồng mì có đúng theo quy định pháp luật đất đai về quản lý và sử dụng đất công hay không?

Trong thời qua, việc thực hiện quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, nhất là đất thuộc các nông, lâm trường. Người dân được cấp giấy CNQSDĐ trùm lên diện tích đất của nông, lâm trường và đã thực hiện chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền lại ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất vì phát hiện đất đó đã được UBND tỉnh cấp cho các nông, lâm trường, gây thiệt hại cho người dân (mua đất). Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền đối với vấn đề này như thế nào? Trách nhiệm CB-CC thực thi công vụ sai có trường hợp nào bị xử lý hay không? Việc bồi thường cho người dân có được thực hiện hay không?

Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khoá VIII

Tranh chấp quyền sử dụng đất là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, phức tạp, trong một số trường hợp UBND tỉnh ban hành quyết định trái ngược với các quyết định trước đó. Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, đến nay UBND tỉnh đã xử lý trường hợp nào liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định trái ngược nhau?

Theo quy định của Luật đất đai năm 2003, nếu người dân sử dụng diện tích đất vượt hạt điền phải chuyển sang cho thuê. Hiện nay, trong tỉnh có bao nhiêu trường hợp sử dụng đất vượt hạn điền, ngân sách tỉnh thu vượt hạn điền hằng năm là bao nhiêu? Người dân có đất ngoài hạn điền, nay muốn cho con (mới có gia đình riêng) để sản xuất, vậy làm thế nào để đất đó không phải là đất thuê khi người sử dụng đất đó chưa vượt hạn điền theo Luật đất đai quy định?

Trong lĩnh vực công thương, đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu cầu Sở KH-CN cho biết trách nhiệm của ngành đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không để bộ dụng cụ đo chuẩn ở nơi công khai để người tiêu dùng kiểm chứng khi có nghi vấn. Đại biểu cũng yêu cầu Sở KH-CN đề ra giải pháp khả thi hơn để người tiêu dùng an tâm vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tất cả các cử tri trong tỉnh.

Trong lĩnh vực giao thông, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, đoạn đường từ ngã tư xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đến xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên (đường tỉnh 788) và từ ngã tư xã Phước Vinh đến bến Cây Ổi (đoạn đường quy hoạch quốc lộ 14C) đã hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương. Đại biểu đề nghị Sở GT-VT cho biết đã có kế hoạch sửa chữa hay chưa, nếu có thì khi nào thực hiện, nếu chưa thì giải quyết như thế nào?

Trong năm học 2011 – 2012, ngành Giáo dục – Đào tạo triển khai thực hiện chủ trương phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc như thiếu cơ sở vật chất, giáo viên… do đó nhiều nơi dồn lớp dạy kê, hợp đồng bảo mẫu..., ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong khi đó, nhu cầu học của trẻ dưới 5 tuổi không nhỏ, dẫn đến tình trạng hình thành nhóm trẻ gia đình tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp và nhiều rủi ro. Đại biểu chất vấn, ngành GD-ĐT có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Hiện nay, trong các trường học, nhất là cấp Tiểu học không học bán trú, nhiều trường có căng-tin bán hàng, bán đồ chơi không rõ nguồn gốc, bán nhiều loại thức ăn chưa được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nên dễ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ em. Đại biểu đề nghị ngành GD-ĐT cho biết có chủ trương bán thức ăn và đồ chơi trong trường học hay không? Hiện trên địa bàn tỉnh, Trường TH Kim Đồng thực hiện tốt việc kiểm tra VSATTP và đều có lưu mẫu thức ăn để ngành chức năng kiểm tra. Vậy đối với các trường khác, khi có rủi ro hoặc ngộ độc xảy ra thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và trong thời gian tới, ngành sẽ quản lý vấn đề này như thế nào.

Ngoài ra, đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh cho biết việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan tham mưu quá chậm trong việc triển khai thực hiện các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các bộ ngành đã có hiệu lực, ví dụ như Việc xử lý đất ở đô thị vượt hạn mức, việc thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô…? Giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới như thế nào?

HY UYÊN

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin liên quan