Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định làm báo không được tiêu cực, lợi dụng cái này để "đánh" cái kia.
Sáng 18-3, tại TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc năm 2024. Tham dự hội nghị có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, tham dự hội nghị. Ảnh: HỮU HẠNH
Viết báo tiêu cực nhưng phải tâm phục, khẩu phục
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhìn nhận trong năm qua Hội Nhà báo Việt Nam đã làm nhiều việc, đổi mới để bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại, tăng cường hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Trong đó, Hội đã kiên quyết xử lý vi phạm của nhà báo liên quan đến phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của phóng viên, biên tập viên trên cơ sở thực thi pháp luật.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực. Ảnh: HỮU HẠNH
“Hội đã có cơ chế bảo vệ những người làm báo đúng, trung thành, lăn xả xuống cơ sở đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực một cách kịp thời. Xử lý nghiêm minh đối với người xúc phạm báo chí và danh dự người làm báo”– ông Nghĩa đánh giá.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết rất buồn khi nghe việc có các phóng viên, cộng tác viên bị xử lý kỷ luật.
Theo ông Nghĩa, việc kỷ luật tăng lên do các cơ quan xử lý nghiêm. “Chúng ta vỗ vai nhắc nhở, cùng nhau kiểm soát tốt nhất để không xảy ra vi phạm, nhưng nếu xảy ra rồi thì phải làm nghiêm minh”- ông nói và cho rằng trong truyền thông chính sách, các cơ quan báo chí phải đặt mục tiêu cuối cùng là sự ấm no, hạnh phúc của người dân và doanh nghiệp.
Ông nhìn nhận doanh nghiệp nào làm sai pháp luật thì phải đấu tranh, doanh nghiệp nào làm đúng, có khát vọng vươn lên, làm giàu cho đất nước thì phải ủng hộ, không được nhầm lẫn.
Ông cho rằng có tình trạng không tốt về “nhóm đánh đấm” tiêu cực, chủ yếu ở đội ngũ cộng tác viên tại các địa bàn chưa có điều kiện quản lý chặt chẽ.
“Làm báo có thể nghèo nhưng không làm tiêu cực, lợi dụng cái này để đánh cái kia, cái nọ. Không thể nghe người này, người kia nói mà không điều tra, xem xét kỹ trước khi đăng, gây phức tạp; mà phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả.
Mỗi bài báo viết chống tiêu cực phải được tâm phục, khẩu phục, đúng đường lối, pháp luật, đúng nguyện vọng người dân” – ông khẳng định và cho rằng nếu làm được như vậy thì vị thế báo chí, phóng viên sẽ được nâng lên nhiều.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí.
Từ đó, tạo hành lang pháp lý và môi trường để nhà báo hội viên sáng tạo, có tác phẩm báo chí tích cực, mang tính giải pháp và kiến tạo.
Đến hết tháng 2-2024, toàn Hội Nhà báo Việt Nam có 25.424 hội viên đang sinh hoạt tại 307 đơn vị các cấp Hội. Trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, TP; 21 Liên Chi hội, 223 Chi hội trực thuộc Hội.
Xử lý 10 phóng viên vi phạm
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, cho biết trong năm qua, các cấp Hội Nhà báo đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo Luật Báo chí, chấp hành Điều lệ Hội, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: HỮU HẠNH
Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp hội trực thuộc đã tăng cường hoạt động, xử lý, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên các trường hợp vi phạm. Qua đó, đã xử lý và kiến nghị xử lý 14 vụ việc liên quan đến 10 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Ông Lợi cho biết đa phần các phóng viên vi phạm đều đang ký hợp đồng thử việc, chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; tỉ lệ hội viên vi phạm chiếm 30% tập trung ở các tạp chí.
“Nhìn chung, báo chí địa phương thực hiện nghiêm Điều lệ Hội và tuân thủ quy định pháp luật; tỉ lệ vi phạm chủ yếu ở báo chí Trung ương tập trung vào khối các tạp chí điện tử” – ông Lợi thông tin.
Ông cũng cho biết các cấp Hội luôn xác định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nhà báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Hội.
Hội Nhà báo Việt Nam đã kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo.
Trong đó, đã gửi 14 công văn can thiệp đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến phóng viên bị hành hung, đe dọa khi tác nghiệp đến các cơ quan chức năng nơi vụ việc xảy ra để điều tra, xử lý thích đáng những người vi phạm.
Nguồn PLO