BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường chuẩn Quốc gia-những vấn đề cần xem lại

Cập nhật ngày: 27/04/2015 - 05:28

Trường THCS thị trấn Bến Cầu sắp được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục - Đào tạo (Sở GD-ĐT), tính đến cuối tháng 7.2014, toàn tỉnh Tây Ninh có 264 trường tiểu học, 107 trường trung học cơ sở và 32 trường trung học phổ thông (trong đó có một trường ngoài công lập). Tại thời điểm ấy, toàn tỉnh có 105 trường đạt chuẩn quốc gia bao gồm 19 trường mầm non, 51 trường tiểu học, 29 trường trung học cơ sở và 6 trường trung học phổ thông.

Theo kế hoạch của tỉnh, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 145, trong đó có 19 trường trung học phổ thông, còn lại là các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Cũng theo Sở GD - ĐT, cơ sở để đưa ra số lượng 145 trường chuẩn quốc gia là dựa trên kế hoạch phát triển mạng lưới trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 của tỉnh.

Chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia còn căn cứ vào danh mục đề nghị của các huyện, thị (nay là thành phố). Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia không mang tính bình quân, vì có trường phải đập bỏ để xây mới hoàn toàn, song cũng có một số trường đã có sự đầu tư từ những năm trước nên hiện nay chỉ cần đầu tư bổ sung thêm để hoàn thiện cơ sở vật chất.

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 2011 - 2015, ngành Giáo dục dự kiến chỉ xây dựng 60 trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên số lượng trường chuẩn nâng lên (thành 145) là do trong giai đoạn này tỉnh xây dựng 25 xã điểm nông thôn mới (theo quy định, các trường học trên địa bàn xã nông thôn mới phải đạt chuẩn quốc gia).

Theo quan điểm của Sở GD - ĐT, xuất phát từ thực tiễn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các giai đoạn trước có thể đánh giá được- các đơn vị được công nhận đạt chuẩn đã thực sự nổi bật trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt. Các trường chuẩn quốc gia có nhiều học sinh giỏi, cơ sở vật chất tốt của trường chuẩn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường chuẩn quốc gia là trung tâm về kỷ cương nền nếp, đổi mới phương pháp dạy học cho các trường trong khu vực ở từng địa phương, đồng thời góp phần tích cực cho việc thực hiện phổ cập giáo dục. Những điều vừa nêu chứng minh rằng việc phát triển trường chuẩn quốc gia đã đi đúng hướng, có hiệu quả và do vậy cần được nhân rộng, phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ý KIẾN TỪ CƠ SỞ

Tháng 10.2014, Hội đồng Giám định xã hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh (Hội đồng giám định) tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề: “Hiệu quả thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015”.

Trước đó, Hội đồng này đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tại một số địa phương. Trong thời gian thực hiện đợt khảo sát, đoàn giám định đã lần lượt làm việc với UBND TP. Tây Ninh và 5 huyện Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu xung quanh hiệu quả đầu tư và quản lý sử dụng cơ sở vật chất trường học trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Ở huyện Châu Thành, theo kế hoạch, trong này tiến hành xây dựng 18 trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên kế hoạch có thể khó đạt vì đến tháng 10.2014 toàn huyện mới chỉ có 8 trường được công nhận đạt chuẩn. Theo UBND huyện Châu Thành, kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng lồng ghép đạt chuẩn nông thôn mới khá lớn trong khi nguồn ngân sách địa phương lại gặp khó khăn.

Ở huyện Hoà Thành, kế hoạch 2011 - 2015 là xây dựng 14 trường đạt chuẩn quốc gia, song tiến độ xây dựng có thể bị chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Lãnh đạo huyện cho biết, khi xây trường chuẩn quốc gia cần nghiên cứu lại việc xây dựng cũng như mua sắm trang thiết bị cho học phòng ngoại ngữ ở trường tiểu học. Huyện cũng kiến nghị cần có quy định mức tối thiểu số lớp, số học sinh của một trường chuẩn quốc gia để tránh lãng phí khi đầu tư.

Còn theo ý kiến của UBND huyện Gò Dầu, các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia hằng năm không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nhanh. Cũng giống như một số địa phương khác, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Gò Dầu (tính đến thời điểm tháng 10.2014) chỉ mới đạt 14/56 trường.

Trong khi đó ở Tân Châu, lẽ ra đến năm 2015 sẽ có 18 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng vào thời điểm khảo sát chỉ mới đạt  8 trường. Giải thích của UBND huyện là do kinh phí đầu tư xây trường quá lớn nên việc phân bổ vốn cho các công trình chưa đáp ứng được; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện này còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

Ngoài các huyện và thành phố, đoàn giám định còn làm việc với một số trường THPT, THCS và tiểu học. Trong đó có 3 trường THPT: Ngô Gia Tự (Gò Dầu), Nguyễn Huệ (Bến Cầu) và Lộc Hưng (Trảng Bàng) mà mỗi trường được đầu tư xây mới với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng nhưng chưa trường nào được công nhận đạt chuẩn quốc gia vì chưa thoả mãn một số điều kiện quy định.

Ba ngôi trường nói trên đều có điểm chung là thừa phòng học, riêng Trường THPT Lộc Hưng năm học 2014 - 2015 thừa đến 11 phòng. Tại một số trường tiểu học và THCS, đoàn giám định ghi nhận: ngoài chuyện thừa phòng học, chất lượng công trình còn nhiều điều đáng quan ngại, ví dụ: tường nhà thấm nước, gạch bong tróc, nhà vệ sinh hư hỏng dù sử dụng chưa lâu, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đồng bộ…

CÓ HIỆN TƯỢNG LÃNG PHÍ

Theo đánh giá của đoàn giám định, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 đã thu được những kết quả nhất định. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục của nhiều trường đã có những thay đổi tích cực. Tuy vậy, vẫn còn có hai mặt tồn tại lớn. Thứ nhất, có sự lãng phí về quy mô đầu tư phòng học, các phòng chức năng và trang thiết bị dạy học. Thứ hai, chất lượng xây dựng, chất lượng trang thiết bị, tính đồng bộ trong đầu tư xây dựng là “có vấn đề”.

Về vấn đề thứ nhất, đoàn giám định cho rằng, số lượng học sinh hiện có của nhà trường luôn thấp hơn con số tính toán để thiết kế. Do đó, ở nhiều trường, số phòng học được thiết kế xây dựng nhiều hơn số lớp thực tế và số học sinh thực tế trong mỗi lớp thì ngược lại.

Theo quy định, đối với trường phổ thông đạt chuẩn thì số phòng học thiết kế phải bảo đảm không học quá hai ca mỗi ngày nhưng xem ra quy định này… không cần thiết vì thực tế tất cả các trường đều được thiết kế để học một ca mỗi ngày. Điều đó có nghĩa, số phòng học đang dư thừa rất nhiều và gây ra sự lãng phí không nhỏ. Ngoài phòng học, các khối phòng phục vụ học tập (cùng trang thiết bị đi kèm) và khối hành chính quản trị của các trường cũng được xây dựng nhiều hơn cả số phòng học.

Đoàn giám định đơn cử một trường hợp: một trường tiểu học chỉ dao động từ 5 - 7 lớp học nhưng để đạt chuẩn thì phải xây thêm 7 phòng phục vụ học tập và 8 phòng dành cho khối hành chính. Nhiều loại trang thiết bị được cấp hầu như không được sử dụng, ví dụ các loại đàn dành cho môn Âm nhạc.

Hiện tượng lãng phí này không chỉ có ở cấp tiểu học mà còn ở cả các cấp học trên. Một số trường được khảo sát cũng thừa nhận là… có lãng phí nhưng vẫn phải đầu tư để… đạt chuẩn. Đã có một số ý kiến đề nghị: ở cấp THCS và THPT nên gộp một số phòng lại với nhau để tiết kiệm, đồng thời giảm số phòng y tế và bỏ nhà thi đấu đa năng. Còn ở cấp tiểu học nên gộp các khối phòng phục vụ học tập và khối hành chính quản trị để phù hợp với quy mô lớp học.

Về vấn đề tồn tại lớn thứ hai, theo đoàn giám định, chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa tạo được sự yên tâm. Hầu hết các trường chỉ mới xây từ 2 - 6 năm nhưng đã bộc lộ các vấn đề về chất lượng như thấm nước ở nhiều nơi và thiết kế điện nước không đồng bộ. Ngoài chất lượng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được đánh giá là chưa đạt yêu cầu.

Trong giờ học tại Trường THCS Võ Văn Kiệt - TP Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

Theo giải thích của Hội đồng giám định, các mặt tồn tại nêu trên một phần xuất phát từ quy chế xét công nhận trường chuẩn quốc gia quá máy móc, không phù hợp thực tế và nặng tính hình thức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho trường đạt chuẩn không đồng bộ với năng lực của đội ngũ giáo viên nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

Công tác dự báo về số lượng học sinh không chính xác, người có trách nhiệm trong ngành Giáo dục thường có tâm lý đầu tư cho ngành mình, cơ sở của mình sao cho hoành tráng. Chủ đầu tư không có chuyên môn về xây dựng công trình, chỉ dựa vào tư vấn trong khi không ít đơn vị tư vấn vừa thiếu năng lực tư vấn vừa thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Cần xem lại

Trên cơ sở kết quả của đợt khảo sát, Hội đồng giám định đã nêu lên 9 kiến nghị xung quanh chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong đó, đối với Trung ương, kiến nghị các bộ, ngành liên quan rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với địa phương, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng rà soát, xem xét lại các dự án trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí về cơ sở vật chất.

Cách nay chưa lâu lắm, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, ông Đổng Ngọc Lập- Giám đốc Sở GD - ĐT thừa nhận có nhiều điều bất cập đang tồn tại trong việc xây trường chuẩn quốc gia, tuy vậy, trước mắt ngành vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành.

VIỆT ĐÔNG