BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ: Luật cần phân biệt rõ hai thành phần “Dân quân” và “Tự vệ”

Cập nhật ngày: 08/06/2009 - 09:43

Ngày 8.6, tham gia thảo luận dự án Luật dân quân tự vệ tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy- Trưởng đoàn đơn vị tỉnh Tây Ninh cho rằng tên gọi của Dự thảo Luật nên phân biệt giữa hai cụm từ “Dân quân” và “Tự vệ” là “Luật Dân quân, Tự vệ” vì lực lượng này được cấu thành bởi lực lượng Dân quân tổ chức ở cấp xã và lực lượng Tự vệ tổ chức ở cơ quan, đây là hai đối tượng khác nhau, Luật cần phải thể hiện rõ. Tên gọi này mặc dù không phù hợp với tên gọi “dân quân tự vệ” quy định trong Hiến pháp và các luật khác nhưng nó thể hiện rõ bản chất của lực lượng này.

Về vị trí của lực lượng dân quân tư vệ: Tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo Luật: Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh ở địa phương, cơ sở. Đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ như sau:… “xử lý các tình huống khẩn cấp” và đánh giặc khi có chiến tranh ở địa phương, cơ sở, chứ không phải chỉ có đánh giặc khi có chiến tranh.

Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nồng cốt: Tại điểm a khoản 3 Điều 9: Sức khoẻ bị suy giảm không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, “theo kết luận của y tế cấp xã trở lên” nên sửa đổi lại: “theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ cấp huyện kết luận”. Vì cấp xã không đủ điều kiện (ban đầu khi nhận vào là do Hội đồng khám sức khoẻ kết luận) .

Đề nghị Chính phủ xem xét quy định đưa vào Luật các xã, phường, thị trấn trọng điểm quốc phòng – an ninh có yêu cầu sẳn sàng chiến đấu cao cần tổ chức hai tiểu đội Dân quân thường trực; các xã nội địa còn lại tổ chức một tiểu đội dân quân thường trực sẳn sàng chiến đấu.

Về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ Ban chỉ huy Quân sự cấp xã,… Trường hợp có thời hạn công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, nếu nghỉ việc có lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì hưởng trợ cấp một lần (không quy định hưởng trợ cấp một lần), nên sửa lại quy định theo Luật bảo hiểm xã hội để cán bộ không mất quyền lợi.Về Quỹ quốc phòng – an ninh: nên duy trì quỹ này vì đây là nguồn đóng góp tự nguyện để đảm bảo cho hoạt động.

Về hình thức kỷ luật: Ngoài các hình thức quy định của dự thảo Luật đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề nghị cần bổ sung thêm hình thức kỷ luật “buộc thôi việc” đối với cán bộ Dân quân tự vệ. Đồng thời đại biểu còn đề nghị Chính phủ xem xét đưa vào Luật về giải quyết chế độ mua bảo hiểm y tế cho lực lượng Dân quân tự vệ thường trực.

Thanh Nhàn

(lược ghi)