Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh Phạm Hùng Thái: Cần thành lập Ban Chỉ đạo để tháo gỡ vấn đề bức xúc về thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực ngành Y tế và ngành Giáo dục
Chủ nhật: 09:17 ngày 23/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị để giảm tổn thất, thiệt hại, Chính phủ cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể để sớm xử lý dứt điểm, khắc phục các tồn tại, yếu kém này trong thời gian sớm nhất, không để kéo dài, nếu càng kéo dài thì càng gây thất thoát, tổn hại vốn nhà nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thái phát biểu thảo luận tại tổ

Ngày 22.10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV tiếp tục ngày làm việc thứ 3.

Buổi sáng thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý) và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thuộc tổ thảo luận số 16 cùng với Đoàn ĐBQH Nghệ An và Phú Yên. Phát biểu về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận định vấn đề nổi lên là việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, có rất nhiều mặt tích cực, tuy nhiên cũng còn có hạn chế khuyết điểm là việc giải ngân vốn của chương trình phục hồi kinh tế chậm, đạt thấp, chỉ đạt 20% và 3 chương trình mục tiêu được triển khai nhưng cũng còn nhiều vướng mắc, đại biểu Phạm Hùng Thái cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là việc chậm ban hành các văn bản cụ thể hoá để hướng dẫn thực hiện dẫn đến việc thực hiện chưa đi vào thực tiễn, đề nghị Chính phủ đánh giá đây là một nguyên nhân quan trọng để có giải pháp khắc phục, bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi kinh tế mới chỉ đạt thấp, đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có cơ chế, biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập làm sao để thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất này, tạo được sự tiếp cận từ các đối tượng thụ hưởng để bảo đảm ý nghĩa, mục tiêu của Chính phủ.

Theo đại biểu Thái, việc xử lý những tồn tại, yếu kém của các doanh nghiệp, các dự án thuộc ngành công thương theo Thông báo số 43/2017 của Bộ Chính trị, đến nay mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa chuyển biến đáng kể, vẫn còn phải trả nợ, vẫn còn lỗ rất lớn. Do vậy, đại biểu Thái đề nghị để giảm tổn thất, thiệt hại, Chính phủ cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể để sớm xử lý dứt điểm, khắc phục các tồn tại, yếu kém này trong thời gian sớm nhất, không để kéo dài, nếu càng kéo dài thì càng gây thất thoát, tổn hại vốn nhà nước.

Vấn đề bức xúc trong cả nước, đó là vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế và thiếu nhân lực ngành Y tế, thiếu nhân lực của ngành Giáo dục, đại biểu Thái đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo, phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể, tập trung giải quyết các vấn đề này một cách quyết liệt để khắc phục, theo như dự báo năm 2023 thì khả năng là tình trạng này tiếp tục nghiêm trọng hơn nếu để kéo dài.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh cho rằng, theo Nghị quyết 120/2020 của Quốc hội về “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” thì mục tiêu của Chương trình là hướng đến thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình này.

Đồng thời, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719 đề ra nhiều chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đến nay đã hơn nữa chặng đường 5 năm (2021-2025), nhưng kết quả đạt được dường như không thấm vào đâu so với các mục tiêu, chỉ tiêu rất “đồ sộ” mà Quyết định 1719 đề ra, theo báo cáo 9 tháng của Chính phủ, việc phân bổ vốn cho chương trình rất chậm, tiến độ giải ngân vô cùng thấp; bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong triển khai Chương trình là do số lượng các dự án nhiều nhưng quy mô nhỏ lẻ, việc triển khai đến địa bàn xã, thôn, bản, trong khi đây là chương trình mới, năng lực thực thi cấp cơ sở hạn chế.

Đại biểu Thuý cho rằng việc phân nhỏ nguồn lực không chỉ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và triển khai mà còn làm cho hiệu quả của chính sách bị suy giảm do bị phân mảnh, manh mún, không phát huy lợi thế do quy mô, tác động lan toả thấp và rất không bền vững. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân phân bổ vốn của chương trình này chậm? Chậm ở đâu? Trách nhiệm ngành nào? Việc chậm phân bổ đó tác động như thế nào đến việc hoàn thành mục tiêu chương trình này, kể cả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của năm 2022. Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cơ chế, xác định trách nhiệm đối với các bộ, ngành chưa thực sự quan tâm và quyết liệt trong cơ chế phối hợp; có rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu tập trung vào ngành Y tế và ngành Giáo dục. Chính phủ cần phân tích kỹ nguyên nhân và có giải pháp để ổn định.

Bên cạnh đó, theo đánh giá Chính phủ du lịch Việt Nam phục hồi nhanh nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu so với năm 2021. Vấn đề đặt ra là năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam như thế nào so với một số nước trên thế giới. Chính phủ cần đánh giá và có giải pháp.

Về thu ngân sách, đại biểu Phương cho rằng công tác dự báo hiện nay là không sát với thực tế, thiếu yếu tố bền vững. Song song đó, dự báo của Chính phủ đến những tháng cuối năm thu từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm so với năm 2021, đề nghị Chính phủ đánh giá nguyên nhân tại sao?

Về chi ngân sách Nhà nước, đại biểu Phương cho rằng chi đầu tư công vẫn là điểm nghẽn xảy ra nhiều năm nhưng Chính phủ chưa có giải pháp triệt để, nguyên nhân nêu ra trong báo cáo lặp lại hằng năm, đại biểu Phương nhấn mạnh do kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa nghiêm, cần đánh giá kỹ nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Về chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng không bảo đảm nội dung chi năm 2022, Bộ Tài chính không có hướng dẫn, nhiều nội dung giao cho Hội đồng nhân dân quyết, về tiến độ không bảo đảm cho nhiệm vụ chi của năm 2022.

Đại biểu Phương đề xuất một số giải pháp để kiểm soát lạm phát, vì hiện nay lạm phát tăng 1%-8% (theo báo cáo): Một là, đề nghị Chính phủ đánh giá đúng tác động của vấn đề quốc tế mà chủ yếu là xung đột của Nga và Ukraine làm đứt gãy hệ thống cung ứng vật liệu, linh kiện để phục vụ sản xuất cho toàn thế giới; Hai là, phải ổn định sản xuất, ổn định thị trường và bình ổn giá cả mặt hàng, đại biểu cho rằng đây là yếu tố để giúp cho tăng trưởng kinh tế cao; Ba là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các tầng lớn của nền kinh tế; Thứ tư, đánh giá đúng nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế, vừa bảo đảm phục hồi nền kinh tế, vừa bảo đảm sử dụng vốn; Thứ năm là kiểm soát giá cả thị trường, xăng đang giảm 25% nhưng các mặt hàng khác không giảm; Thứ sáu là cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ quan tâm đến chỉ tiêu năm 2023 về tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động 5,6%, tiếp tục đề ra mức cao nhưng hiện tại không đạt; chỉ tiêu về BHYT là 93,2% khó khăn trong thực hiện do vướng mắc của ngành Y tế hiện nay.

Liên quan cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 Quốc hội khoá 14 của TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn ĐBQH Tây Ninh thống nhất đề xuất Chính phủ cho phép để tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31.12.2023, để có thêm thời gian cho Thành phố và cho Chính phủ báo cáo đánh giá toàn diện hơn, đại biểu Thái cho rằng nếu thấy nhiều vấn đề chưa rõ thì cần phải tiếp tục kéo dài để có thời gian xem xét, đánh giá làm rõ thêm, đồng thời đề nghị Chính phủ có chi đạo sớm, có đánh giá tổng kết về việc thực hiện Nghị quyết 54 cũng như quan tâm, thường xuyên theo dõi để cập nhật và có đánh giá chung về các cơ chế chính sách, nhất là những cơ chế phân cấp, phân quyền, những chính sách thí điểm đã triển khai tại các địa phương, làm sao để đánh giá lại những giải pháp nào, những cơ chế nào, chính sách nào thật sự hiệu quả, tạo động lực phát triển chung thì nên sớm đưa vào thực hiện chung cho cả nước, hạn chế việc phải ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa phương.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thanh Trung

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục