BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường học lớn của những người chọn cách sống xung phong 

Cập nhật ngày: 26/09/2017 - 16:30

BTN - Với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, dù tay không tấc sắt, chỉ có trái tim rực lửa, không ngại hiểm nguy, gian khổ, các bạn trẻ đã dũng cảm tiếp đạn, tải thương dưới đạn pháo rền vang, góp sức cùng bộ đội đẩy lui quân xâm lược sang bên kia biên giới, giữ vững biên cương, bảo vệ, giúp đỡ người dân vùng biên giới khôi phục sản xuất, đời sống yên bình.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Dương Minh Châu Nguyễn Văn Hoàng (bìa phải) tặng quà cho hội viên nghèo trong huyện.

40 năm trước, đáp lời kêu gọi của Ðảng, của Ðoàn, hàng ngàn thanh niên trong tỉnh đã lên đường tham gia Tổng Ðội TNXP Tây Ninh phục vụ chiến đấu trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, dù tay không tấc sắt, chỉ có trái tim rực lửa, không ngại hiểm nguy, gian khổ, các bạn trẻ đã dũng cảm tiếp đạn, tải thương dưới đạn pháo rền vang, góp sức cùng bộ đội đẩy lui quân xâm lược sang bên kia biên giới, giữ vững biên cương, bảo vệ, giúp đỡ người dân vùng biên giới khôi phục sản xuất, đời sống yên bình.

Những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi ngày ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người có hoàn cảnh, trình độ khác nhau nên trong cuộc sống cũng lắm nỗi lo toan, vất vả khác nhau.

Người có ý chí mạnh mẽ muốn thay đổi cuộc đời đã phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, trang bị kiến thức cho bản thân để giúp ích cho gia đình và xã hội; người có điều kiện kinh tế gia đình tiếp tục phát huy trở thành doanh nhân; có người tự thân vận động dù có vất vả rồi cái khó, cái khổ cũng qua.

Hàng ngàn cán bộ, đội viên ngày ấy dù thành đạt hay không cũng luôn giữ vững và phát huy phẩm chất TNXP năm xưa, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho quê hương đất nước, để làm gương cho thế hệ trẻ.

Có thể nói TNXP là trường học lớn đào tạo nên lớp người trẻ có lập trường kiên định, có tư tưởng cầu tiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Không thể thống kê hết được có bao nhiêu cán bộ, đội viên TNXP Tây Ninh phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam năm nào đã trở thành công chức, viên chức mẫn cán hay doanh nhân thành đạt, hoặc chỉ là những công dân bình thường trong xã hội, nhưng dù ở vị trí nào anh em vẫn luôn nhớ mãi một thời tuổi trẻ hào hùng trên tuyến đầu biên giới.

Ðến hôm nay, những bạn trẻ ngày ấy đã đủ trải nghiệm để khẳng định, môi trường TNXP thực sự là trường học lớn, nơi học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, làm nền tảng vững chắc và hành trang đầy đặn cho mỗi cá nhân mạnh bước vào đời.

Trong đội ngũ TNXP 40 năm trước có những cá nhân có thể gọi là tiêu biểu như Nguyễn Thiện Dũng, cậu học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 đã tham gia TNXP lúc chiến tranh biên giới chưa kết thúc, bọn Pol Pot vẫn còn lén lút mò sang phá hoại.

Vóc người ốm yếu, mặt mũi non choẹt, lần đầu đến Kà Tum còn mếu máo nhớ nhà. Ban ngày cùng lao động với mọi người, đêm xuống Dũng cùng cán bộ chuyên trách cầm đèn bão vượt đường rừng biên giới đến điểm đóng quân của các đại đội dạy bổ túc văn hoá, kể cả “xoá mù” cho đội viên mù chữ.

Ngày trở về địa phương, Dũng tiếp tục ôn tập và thi đậu đại học, hiện nay Nguyễn Thiện Dũng đang công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Cũng là học sinh khi mới tham gia TNXP, anh Lê Hoàng Vinh ở Châu Thành được biên chế về C15, Liên đội cơ động, với chức vụ C Phó chính trị, anh cán bộ đại đội trẻ nhất Tổng đội nhớ mãi những ngày thiếu gạo ăn trong lúc dự trữ vẫn còn, anh dẫn hai tiểu đội, mỗi đội viên vác một ba lô đầy lúa, từ đập Suối Ðục băng đường rừng về chợ Kà Tum để xay gạo, xay xong lại cho gạo, cám vào ba lô băng rừng trở về đơn vị.

Sau khi về địa phương, Vinh tiếp tục học tập, tốt nghiệp đại học, làm chuyên viên Văn phòng UBND huyện, hiện Lê Hoàng Vinh là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Châu Thành.

Tại Châu Thành còn có Nguyễn Ðức Hải, nguyên C phó C13, Liên đội cơ động. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hải thi đậu đại học, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, được phân công giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện. Hiện, Nguyễn Ðức Hải là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Châu Thành.

Có trường hợp gần như gắn bó cả đời với TNXP, như anh Nguyễn Thái Bình, nguyên Liên đội phó Liên đội 1. Khi Tổng Ðội TNXP biên giới Tây Nam chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế, anh tiếp tục phấn đấu vươn lên trong công tác, được phân công làm Tổng đội phó Tổng Ðội TNXP Xây dựng kinh tế, rồi làm Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV-TNXP Tây Ninh.

Hiện nay Nguyễn Thái Bình là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh. Cũng là TNXP chuyển sang làm công chức Nhà nước, anh Trịnh Văn Hải, nguyên Tổng đội phó tiếp tục học tập và công tác tại huyện Tân Châu, trước khi về nghỉ hưu anh là Trưởng phòng Tư pháp huyện; anh Phạm Văn Vinh, đội viên C Văn thể, rời TNXP công tác tại Tỉnh đoàn, hiện anh đang công tác tại Ban Dân vận Tỉnh uỷ; anh Nguyễn Văn Hoàng, nguyên cán bộ Phòng y tế Tổng đội, trở về địa phương tiếp tục học tập, công tác trong ngành Y, trước khi về hưu anh là Chánh văn phòng Sở Y tế Tây Ninh.

Một trường hợp trùng cả họ tên, chữ lót là Nguyễn Văn Hoàng - anh Nguyễn Văn Hoàng nguyên C trưởng C12, Liên đội cơ động, sau khi trở về địa phương tiếp tục công tác tại cơ sở, đã từng bước trưởng thành để trở thành Chủ tịch UBND rồi Bí thư Ðảng uỷ xã Phước Ninh.

Hiện nay, Nguyễn Văn Hoàng là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Dương Minh Châu. Gương vượt khó vươn lên sau khi đi TNXP có anh Nguyễn Văn Niệm, nguyên cán bộ C4, Liên đội 1. Hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Từng bước phấn đấu học tập kinh nghiệm những người đi trước, anh thoát nghèo và có của ăn của để. Hiện anh là chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và chế biến nông sản, có 3 cơ sở tại Tân Châu và Dương Minh Châu.

Một trường hợp khá đặc biệt là một học sinh ở Hoà Thành thi đậu Ðại học Bách khoa, nhưng lại quảy ba lô đi dạy bổ túc văn hoá cho TNXP là anh Nguyễn Hữu Triệu, nguyên cán bộ Phòng chính trị Tổng đội.

Hoàn thành nghĩa vụ TNXP, Triệu lại thi đại học và lại đậu với điểm số đủ để nhận học bổng đi du học nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, về công tác tại tỉnh nhà, Triệu là một trong các cán bộ tham gia xây dựng và quản lý Khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh tại Trảng Bàng.

Hiện nay, Nguyễn Hữu Triệu đã nghỉ hưu, là nông dân sản xuất thanh long ruột đỏ và đặc sản mãng cầu núi Bà Ðen. Gương kiên nhẫn trong học tập có anh Tống Văn Ðức ở Long Thành Bắc, Hoà Thành. Năm, sáu lần thi vào Ðại học Y không đậu, Ðức tình nguyện đi TNXP, vừa tham gia sản xuất lúa trên cánh đồng biên giới Vạc Xa, vừa… tiếp tục ôn thi.

Rời TNXP, Tống Văn Ðức đậu vào trường Ðại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, bác sĩ Ðức đang là Giám đốc một Trung tâm y tế quận ở thành phố Hồ Chí Minh và là mạnh thường quân của nhiều sinh viên nghèo quê Tây Ninh.

Nhắc chuyện 40 năm trước, nhiều người còn nhớ tấm gương đại đội trưởng Nguyễn Văn Tuấn xuống giếng sâu vớt 5 thi thể đồng bào bị Pol Pot tàn sát ở ấp Cây Me, Bến Cầu. Noi gương anh Tuấn, anh em đội viên không còn ngần ngại, sợ mùi tử khí xuống giếng vớt xác đồng bào.

Tấm gương Nguyễn Văn Tuấn năm ấy được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn biểu dương trong toàn tỉnh. Rời đơn vị khi giữ chức vụ Tổng đội phó Tổng Ðội TNXP Tây Ninh, Nguyễn Văn Tuấn chuyển về thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh khá thành đạt.

Còn nhiều lắm, những người đã cống hiến và trưởng thành từ trường học lớn TNXP, luôn sẵn sàng tiếp lửa truyền thống cho giới trẻ hôm nay.

TRẦN PHƯỚC ÐỨC


 
Liên kết hữu ích