Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường kỳ kháng chiến trên đất Thái Bình thôn
Thứ tư: 21:10 ngày 01/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một thôn ra đời cùng với phủ Tây Ninh (1836); một miền đất mang tên theo khát vọng của các bậc tiền nhân đi mở đất. Đến năm 1930 lại lấy tên thôn làm tên quận (một trong hai quận của tỉnh Tây Ninh) và sau đó, đến 1942 lại đổi tên Châu Thành, coi như một vùng đất trung tâm của tỉnh.

Dinh thờ ông Huỳnh Công Giản trên đất Thái Bình xưa.

Vậy mà vùng đất Thái Bình từ năm 1975 về trước lại chưa từng yên ổn. Bởi một lẽ giản đơn: đất và người Thái Bình luôn là tâm điểm của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trước khi lật lại các trang sử cũ, xin kể ngay điều này. Đấy là chuyện đất Thái Bình đã góp sức làm nên những chiến khu, các căn cứ địa nổi tiếng gan góc kiên cường nhất trên địa bàn Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt cả hai thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong sách “Truyền thống cách mạng xã Thái Bình” (1945- 1975) của Đảng bộ xã, xuất bản năm 2010, trên trang 26 có ghi: “năm 1949, tỉnh, huyện Châu Thành quyết định cắt toàn bộ phần đất phía đông quốc lộ 22B để thành lập xã mới Thạnh Bình…”. Đến trang 32 lại có đoạn: “Năm 1951… Tỉnh uỷ (Gia Định Ninh- TV) chỉ đạo hình thành tổ chức huyện căn cứ lấy tên Dương Minh Châu gồm 5 xã…”.

Xã Thạnh Bình (phần đất vừa mới tách ra từ xã Thái Bình”) được vinh dự là xã đầu tiên của huyện căn cứ địa. Trang 64, lại có: “Tháng 6.1959, Xứ uỷ đề nghị Tây Ninh cắt một phần đất của xã Thái Bình giao cho trên để thành lập căn cứ, bí số C1000”. Chính là C1000 sau này đã trở thành huyện căn cứ 105, tiền thân của huyện Tân Biên, bảo bọc trong lòng các căn cứ địa của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Xin trở lại với các trang sử và cả những huyền thoại trên đất Thái Bình, cả trước và sau khi miền đất này được chính danh là thôn Thái Bình thuộc tổng Hoà Ninh từ năm 1836.

Nhân vật được nhân dân suy tôn là Quan Lớn Trà Vong và có nhiều miếu đền thờ cúng nhất ở Tây Ninh cũng chính là người được các tư liệu chép tay và truyền tụng ghi nhận, rằng ông đã đến Tây Ninh mở đất lập làng từ rất sớm. Cụ Quốc Biểu- Nguyễn Văn Hiến chủ trì Văn đàn Quốc Biểu lập năm 1923 (Huỳnh Minh- Tây Ninh xưa) và ông Phan Thành Lợi, cháu của cụ Cử- Phan Văn Trị có thuật lại tiểu sử của nhân vật ấy trong đêm trung thu năm 1927 như sau: “Tên thật của ngài là Huỳnh Công Giản sinh năm Canh Dần (1722) và tử tiết vào tháng 2 Nhâm Dần (1782)… Năm 27 tuổi (1849- TV) thấy tỉnh Tây Ninh còn rừng núi âm u, ngài bàn tính với em (Huỳnh Công Nghệ- TV) đến mở mang quy dân lập ấp. Đến Trà Vong sau này thuộc xã Thái Bình, thành lập được 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp… Ngày nay có những địa danh tương tự là do danh từ ngài đặt ra từ lúc ấy…”.

Sách “Truyền thống xã…” cũng kể đến một vài nhân vật từng bám đất Thái Bình chống giặc. Như Võ Văn Oai và Khâm Tấn Tường. Tuy nhiên, hai nhân vật này cho đến nay vẫn còn rất ít tư liệu xác thực làm căn cứ. Chỉ biết chắc là các ông từng nắm giữ binh quyền, tổ chức đánh giặc ngoại xâm, giặc cướp để bảo vệ dân lành được yên ổn làm ăn. Võ Văn Oai thì trên đất xã Thái Bình nay là các phường 1, 2 của TP. Tây Ninh. Còn Khâm Tấn Tường (hoặc Khâm Trấn Tường, Tán Văn Tương) lại lấy đất Hảo Đước, Thái Bình làm căn cứ mà đồn chính nay chỉ còn lại một cái tên phủ An Cơ.

Trong khi đó, còn một nhân vật lịch sử có rất nhiều chiến công được chép trong các cuốn chính sử lại bị quên trong mục “Các cuộc đấu tranh tiêu biểu”. Mãi tới phần kết luận của sách mới thấy tên ông. Đó chính là vị anh hùng trẻ tuổi Trương Quyền, còn gọi là Trương Tuệ, con trai Trương Định.

Tương truyền, trước khi mất vào năm 1844, Trương Định đã trao ấn “Bình Tây đại nguyên soái” cho Trương Quyền- khi ấy mới 19 tuổi. Chính là Trương Quyền liên quân với ông hoàng Khmer Pu-kôm-pô đã có những chiến công xuất sắc tại Tây Ninh. Đặc biệt là các trận bến Trường Đổi (thành phố Tây Ninh) và rạch Vịnh (Hảo Đước, huyện Châu Thành) vào các ngày 7 và 14.6.1866 (theo tác phẩm “Chống xâm lăng”, quyển I- Nam kỳ kháng Pháp của cố giáo sư Trần Văn Giàu- NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001).

Đến thời dân ta có Đảng, sau Chi bộ Giồng Nần ở Long Vĩnh, Bến Cầu được thành lập ngay trong năm 1930, chi bộ thứ hai cũng đã xuất hiện năm 1934 ở Quán Cơm thuộc địa bàn làng Thái Bình lúc ấy. Từ đây, ánh sáng cách mạng được nhen nhóm và lần lượt lan truyền khắp vùng đất phía Bắc tỉnh Tây Ninh.

11 năm sau, Cách mạng tháng Tám thành công trên cả nước. Ngày 25.2, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Tây Ninh. Lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân Thái Bình chiếm công sở xã, lấy đó làm nơi mít-tinh ra mắt Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Châu Thành (không phải là công sở xã Thái Hiệp Thạnh như sách “Truyền thống xã…” đã viết, vì đến năm 1956 xã này mới được thành lập).

Chỉ hơn 2 tháng sau, chính quyền non trẻ chưa đầy 3 tháng tuổi ấy đã phải bước vào cuộc kháng chiến. Ngày 8.11.1945, Pháp tái chiếm Tây Ninh. Kể từ các trận đánh đầu tiên ở Trà Cốt, Suối Muồn của bộ đội Nguyễn Công Bằng và nhân dân Thái Bình cho tới ngày 30.4.1975 toàn thắng- nói như sách đã dẫn: “Chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ròng rã suốt 30 năm, hơn 10.860 ngày không ngơi nghỉ… máu đổ, thịt rơi, vào tù ra khám. Riêng Thái Bình đã có 650 cán bộ đảng viên, có 232 người đã hy sinh…”.

Không thể nào đo đếm đầy đủ các chiến công diễn ra trên đất Thái Bình. Nhưng có một số sự kiện đã “nằm lòng” đối với người Tây Ninh và cả nước. Đó là chiến thắng Tua Hai đêm 25 rạng 26.1.1960- đây được coi như phát súng lệnh cho đồng khởi vũ trang trên toàn Nam bộ.

Trận đánh đã làm tan rã Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 của nguỵ quyền Sài Gòn. Đại tướng Mai Chí Thọ viết: “Trận tập kích Tua Hai không phải trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đây là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của đồng khởi… Chúng ta từ thế thoái trào, bị động, bế tắc đã lật ngược thế cờ, bừng bừng khí thế, chủ động tấn công. Kẻ thì ngỡ ngàng lo sợ, nhân dân cả nước vui mừng…” (kỷ yếu Hội thảo về chiến thắng Tua Hai, NXB Quân Đội Nhân Dân 1999).

Sự kiện thứ hai là sau cơn choáng váng ở Tua Hai, ngày 12.3.1960, chính quyền Sài Gòn đưa người cán bộ cách mạng Hoàng Lê Kha ra xử bằng máy chém tại Bàu Heo ngay trên đất xã Thái Bình.

Sự kiện thứ ba là Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định lập nên “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn ngay sau khi quân Mỹ đưa Lữ đoàn 196 lên lập khu căn cứ Trảng Lớn rộng 1km2 trên đất xã Thái Bình tháng 10.1965 trong chiến lược Chiến tranh cục bộ”. Vành đai này bao gồm nhiều xã quanh vùng căn cứ, nhưng áp sát nhất vẫn là các cụm chiến đấu ở ngay trên địa bàn xã. Người Thái Bình đã “nắm thắt lưng địch mà đánh” như một câu nói nổi tiếng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Cả ba sự kiện trên đây đều gắn với 3 địa điểm nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tuy nhiên, ngoại trừ di tích cấp quốc gia Chiến thắng Tua Hai, hai di tích còn lại có vẻ còn chưa xứng tầm.

Di tích khu lưu niệm Hoàng Lê Kha trong sân Trường tiểu học Hoàng Lê Kha đã bị lở long đá ốp lát và nứt nẻ nhiều chỗ. Tượng cũng bị dãi dầu sương gió (theo ý kiến của người dân thì cần có một mái che). Di tích vành đai diệt Mỹ cũng mới chỉ có một tấm bảng bê tông khắc chữ, ngày thường bị lút vào trong cỏ trên địa bàn Thị trấn, giáp giới ấp Suối Dộp, xã Thái Bình.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục