Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nguồn nhân lực:

Trường nghề đang... lạc hậu ? 

Cập nhật ngày: 26/03/2018 - 05:58

BTN - Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có phần lạc hậu so với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Một số trường nghề tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, một phần cũng do học sinh và các bậc phụ huynh vẫn còn tâm lý thích đại học hơn trường nghề.

Hội đồng nhân dân tỉnh trong lần làm việc với Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh.

Ngày 21.3, đoàn giám sát của HĐND tỉnh thực hiện đợt giám sát chuyên đề về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng hai Phó Chủ tịch Phan Thị Điệp và Nguyễn Thanh Phong chủ trì phiên làm việc. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

TĂNG TỶ LỆ LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO

Báo cáo với đoàn, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB &XH) cho biết, mạng lưới đào tạo nghề của tỉnh hiện có 18 cơ sở, trong đó có 14 cơ sở công lập, 4 cơ sở tư thục. Hiện nay, số người có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh khá lớn, một số trường nghề luôn đủ và vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Tại Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, mỗi năm có từ 300-500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng, tỷ lệ người học tìm được việc làm đạt 100%. Các cơ sở khác như Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường trung cấp Y tế, Trường trung cấp Tân Bách Khoa mỗi năm có từ 150-200 học sinh tốt nghiệp và tỷ lệ người học tìm được việc làm đạt 90%.

Riêng các trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề lái xe, số người học tìm được việc làm đạt 80%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo được cho là phù hợp với nhu cầu dự báo phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong danh mục, mã ngành các trường nghề đang đào tạo, nhóm ngành kỹ thuật được người học đăng ký nhiều nhất- khoảng 80%, còn lại là các ngành kinh tế - dịch vụ.

Đánh giá về tình hình phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học nghề, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhận định: công tác phối hợp trong việc phân luồng chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ. Số liệu thu thập được cho thấy, ngoài Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh thu hút được người học, các trường còn lại- số lượng học sinh sau phổ thông vào đây còn thấp.

Giai đoạn từ năm 2010-2015, Tây Ninh có hơn 142.000 lao động được giải quyết việc làm. Dự báo, giai đoạn 2016-2020, mỗi năm, tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 85.000 người, bình quân 17.000 người mỗi năm.

Từ năm 2013 đến nay, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo, dạy nghề, đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần cùng với hệ thống trường công lập đào tạo nhân lực cho địa phương. Ngoài các doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, một số trung tâm dạy nghề (dạy lái xe) vì nhiều lý do khác nhau đã ngừng hoạt động.

Nhìn lại công tác đào tạo nghề trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, xã hội đã dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn về việc lựa chọn nghề nghiệp khi đăng ký tham gia học nghề. Các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đào tạo nghề đã đi vào nề nếp.

Các cơ sở dạy nghề đang ngày càng đa dạng hoá ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học. Nguồn nhân lực được đào tạo từ các cơ sở dạy nghề đã phần nào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mức thu nhập của người học nghề tại các cơ sở sản xuất được đánh giá là “tương đối ổn định”.

Nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng mở các lớp đào tạo liên thông nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho học sinh, sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% của năm 2011 đã lên 64% vào năm 2017. Chương trình giải quyết việc làm được triển khai ngày càng có hiệu quả.

Tuy vậy, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Về phương diện pháp lý, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn những điều vướng mắc (có sự chồng chéo, chưa hoàn toàn thống nhất) giữa các hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Những cải cách gần đây trong công tác tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT (dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) đã thu hút gần hết nguồn tuyển sinh của trường nghề. Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có phần lạc hậu so với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Một số trường nghề tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, một phần cũng do học sinh và các bậc phụ huynh vẫn còn tâm lý thích đại học hơn trường nghề.

Trình độ của giáo viên dạy nghề cũng có phần hạn chế so với sự phát triển của khoa học công nghệ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập, nhóm đối tượng được ưu tiên học nghề (nhóm 1, 2) lại ít muốn tham gia học nghề. Các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và đối tượng vay chủ yếu cũng là doanh nghiệp.

Để khắc phục những mặt hạn chế, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh có chính sách phù hợp- cho công chức quản lý, giáo viên dạy nghề được đi học tập nâng cao trình độ cả trong và ngoài nước. Mặt khác, cần đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề để từ đó cải thiện chất lượng tay nghề của người học.

THIẾT BỊ, CÔNG NGHỆ LẠC HẬU

Tại buổi làm việc, nhiều thành viên đoàn giám sát đã nêu lên những vấn đề đáng quan tâm đối với lĩnh vực dạy nghề. Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét, sắp xếp lại mạng lưới trường dạy nghề để cải thiện chất lượng đào tạo, nếu cần thiết nên sáp nhập một số trường nghề.

Đầu năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã tổ chức khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực và kết quả cho thấy: Việt Nam đứng thứ 70/100 quốc gia, có nghĩa, tay nghề lao động của người Việt Nam còn rất thấp. Ông Võ Văn Sớm- Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, bày tỏ mối e ngại khi việc sử dụng thiết bị cho công tác dạy nghề chỉ đạt từ 15%-40%.

Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị xem lại công tác phân luồng, không thể làm việc này theo mùa vụ, ông cho rằng: “Học sinh phổ thông hiện chỉ lo học ngày học đêm, hầu như không biết gì về hệ thống trường nghề”.

Liên quan chất lượng lao động, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đặt vấn đề: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tốn kém rất nhiều tiền, nhưng khi lao động vào làm trong doanh nghiệp, họ lại tự đào tạo nghề cho công nhân. Vậy có vấn đề gì ở đây không”?

Theo ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là người lao động tự tạo việc làm. Về liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, ông Quá thừa nhận còn yếu kém, ông nói: “Nhiều doanh nghiệp thuê thợ lành nghề từ TP.Hồ Chí Minh về trực tiếp truyền dạy tay nghề cho công nhân trong xí nghiệp ở Tây Ninh”.

Về chuyện lãng phí trong đầu tư mua sắm thiết bị, ông Quá cũng thừa nhận: “Có thiết bị mua từ năm 2012 đến nay vẫn chưa sử dụng, hoặc nó không còn phù hợp với công nghệ, ví dụ việc mua động cơ ô tô của Liên Xô cũ để dạy nghề sửa chữa ô tô không còn sát thực tế”.

Bà Võ Thanh Thuỷ- Giám đốc Sở cũng cho biết, theo kế hoạch, năm 2019 sẽ sáp nhập Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật vào Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Học sinh Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh đăng ký tìm việc làm với nhà tuyển dụng.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề thực ra không có gì mới. Trong số 18 cơ sở đào tạo nghề hiện nay, ngoài các đơn vị có quy mô nhỏ hoặc hoạt động không chuyên nghiệp, tính hiệu quả của các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp là điều đáng bàn nhất.

Ngoài Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh- tình hình tuyển sinh và đào tạo thuộc loại khả quan, các trường còn lại như trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, trung cấp Y tế đều đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong 3 trường vừa đề cập, Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật đang tồn tại một cách chật vật. Điểm chung của hai cơ sở đào tạo này là số người học ngày càng ít, đặc biệt là Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh thường xuyên tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Những khó khăn các trường nghề đang gặp phải có cả nguyên nhân nội tại của nhà trường, và cả nguyên nhân từ việc xây dựng chính sách đối với lĩnh vực dạy nghề. Ví dụ, có nhiều học sinh sau khi học xong trung cấp nghề không được doanh nghiệp nhận vào làm, lý do các em này chưa đủ 18 tuổi.

Đối với việc thu hút người học, đang có sự mâu thuẫn giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Chủ trương tuyển gần hết học sinh lớp 9 vào lớp 10 đã khiến cho nguồn tuyển vào trường nghề ngày càng khan hiếm.

Mặt khác, ngay cả bản thân các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở cũng không mặn mà gì với trường nghề, vì cho rằng học nghề “không sang trọng”. Cùng với đó, chính sách tuyển sinh vào đại học như vài năm qua khiến bất kỳ học sinh phổ thông nào cũng có thể vào đại học, nếu muốn. Trên thực tế, nếu như không được ngân sách bao cấp, không ít trường nghề công lập đã phải giải thể từ lâu.

VIỆT ĐÔNG