Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trương Quyền và Pu-Kom-Pô trong mắt người Pháp
Thứ tư: 14:45 ngày 03/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghe nói Tây Ninh có mộ Trương Quyền, nhà nghiên cứu Nam bộ Trương Ngọc Tường từ Tiền Giang từng gửi thư lên hỏi, kèm theo một đoạn phô tô sách Đại Nam Quốc lược sử của tác giả Alfred Schreiner xuất bản tại Sài Gòn Năm 1906. Ông còn gửi thêm một vài ý kiến phân vân về kết cuộc của Trương Quyền.

Bến Trường Đổi

Quả thật là ở ấp Bưng Rò, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành nay có một ngôi mộ được dựng bia khắc đá ghi là của Trương Quyền. Ngôi mộ này đã được tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều bài nghiên cứu đã đăng báo Tây Ninh cho thấy, đây là mộ của ông Trương Công Sách. Về sau, người ta đã cho rằng Trương Công Sách chính là Trương Quyền. Một số sách ở Tây Ninh còn cho rằng ông Sách là cháu của Trương Định. Đến khi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh xét công nhận di tích ngôi mộ Trương Quyền (Trương Công Sách) thì bia mộ mới được xây lại và khắc trên bia đá tên là Trương Quyền.

Thiết nghĩ, Trương Công Sách không thể là Trương Quyền, bởi các lý do sau:

Một, Trương Quyền là con trai cả của Trương Định (không phải là cháu). Danh sĩ Nguyễn Thông (1827- 1844), người cùng thời Trương Định có bài viết về Trương Định, kể rằng: “Con (Trương Định) là Trương Quyền, tuy tuổi còn trẻ song biết cầm quân thường được gọi là Nhị lang quân (cậu Hai). Sau khi Định chết thì Quyền trốn đi”.

Hai, Trương Công Sách thuộc dòng họ Trương sống ở xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Theo gia phả dòng họ viết về ông: “Ông chết tại Bến Kéo ngày 20 tháng 8 âl năm 1871, thọ 57 tuổi”. Do vậy, ông Sách sinh vào năm 1814, còn lớn tuổi hơn cả Trương Định (sinh 1820). Vậy ông Sách không thể là con trai Trương Định được.

Ba, cuốn gia phả của chi họ Trương Công, do ông Trương Công Tại biên soạn vào năm 1982, do con gái của ông là bà Nguyễn Thị Loan sở hữu và đem tặng Bảo tàng tỉnh, trong sách này cũng không thừa nhận Trương Công Sách là Trương Quyền mà chỉ nêu lên một vài liên quan giữa hai chi họ Trương. Đó là: Cha của Trương Công Sách là "Trương Công Vạn, quê quán tại xã Kiểng Phước (Gò Công), là “bà con” một họ với Trương Định. Ông có 5 người con, trong đó “anh Hai” Trương Công Mật và “anh Tư” Trương Công Thiền theo về Gia Định phò tá cho Lê Văn Duyệt. Người thứ ba là Trương Công Đạo cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh tại Đồng Tháp. Người con gái duy nhất không rõ tên". Còn: “Trương Công Sách là con út, chạy giặc Pháp lên Tây Ninh, cải lại họ Nguyễn lập nghiệp tại làng Hoà Hội, chạy giặc Tầm Bô (Pu-Kom-Pô), chết tại Bến Kéo ngày 20 tháng 8 (âl) năm 1871 thọ 57 tuổi. Di táng về Hoà Hội vào dịp thanh minh năm 1951…”.

Do vậy, ông Sách có thể là cháu Trương Định, nhưng tên tuổi khác biệt thì sao có thể suy diễn đây là Trương Quyền, như một số sách sử ở Tây Ninh đã viết. Nhất là khi Trương Quyền là con trai Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định; lại là một “Lãnh tụ trẻ tuổi” (chữ của GS Trần Văn Giàu) của cuộc khởi nghĩa chống Pháp từng diễn ra trên đất Tây Ninh.

Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Khoa học xã hội 1992) cho biết: “Trương Định (1820- 1844) sinh tại làng Từ Cung phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Cha là lãnh binh Trương Cầm dưới triều vua Thiệu Trị… Năm 1861, ông được bạt bổ làm Quản cơ lĩnh phó lãnh binh Gia Định. Trương Quyền là con trai của ông với bà vợ đầu Lê Thị Thưởng. Bà vốn là con gái một hào phú ở huyện Tân Hoà (Gò Công Đông hiện nay). Trương Định chính là người bất tuân lệnh triều đình dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1861 đến 1864. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ I (1861- 1867)".

Trở lại cuốn Đại Nam Quốc lược sử của Alfred Schreiner, in năm 1906, tức là đã có độ lùi 40 năm với thời điểm diễn ra cuộc chiến đấu của Trương Quyền và Pu-Kom-Pô. Sách đã được dịch giả Nguyễn Văn Nhàn “diễn ra chữ quốc ngữ theo kỳ in tiếng lang sa lần thứ 2, có chủ bút Quản Sóc”. Trước khi viết về diễn biến của cuộc khởi nghĩa, tác giả đã có nhận định: “Chuyện khởi nguỵ mới rầy dây dưa hơn một năm rưỡi, nó cũng đồng tràn ra trong xứ Nam kỳ và tại nước Cao-man, hẳn thật nó là một cuộc đáng kinh hơn hết mà chúng ta phải chống lại; bởi không phải nó đe hại sự chúng ta cai trị hơn mấy cuộc trước, song vì nó làm cho chúng ta phải hao binh tốn của nhiều hơn nữa…”. Đây có vẻ là một nhận định khách quan và đúng mức của tác giả. Sau này, GS Trần Văn Giàu trong tác phẩm Chống xâm lăng cũng viết rằng: “Sau Trương Định, còn nhiều cuộc khởi nghĩa, nhưng không có cuộc nào có quy mô rộng rãi bằng, trừ cuộc khởi nghĩa của Pu-Kum-Pô, Trương Quyền ở miền Tây Ninh, Gia Định, Khmer" (sau đây xin gọi là liên quân).

Hãy xem tác giả Schreiner viết gì về cuộc chiến đấu đầu tiên của liên quân trên đất Tây Ninh, mà sau này một số sách sử ở Tây Ninh viết là trận Trường Đổi: “Bữa mồng 7 Juin ban mai, có một đoàn người lao xao, chừng hai ngàn, có cầm khí trượng, cờ bạch phơ phất, kéo tới đồn Tây Ninh. Quan Đốc lý sự vụ là ông De Larclauze, tưởng có lẽ vỗ về họ được, nên đi xốc tới họ với hai mươi người hộ vệ mà thôi. Khi gần tới đám ấy, người bước tới một mình; tức thì quân nghịch vây người mà đánh. Người bắn kịp được một phát súng carabine, rồi người bị một viên đạn trúng nặng quá mà ngã xuống. Ông quan một Lesage cai tốp hậu vệ, chạy tới tiếp cứu cũng bị giết chết với chín tên quân. Bao nhiêu binh lang sa còn dư lại, thì họ tả dục hữu xông hết sức mới giải khỏi mà thối về đồn, nhờ có một tốp hai mươi lính với ông quan ba Pinaud ở trên đồn chạy xuống mới làm cho đàng tiên chiến dừng chân…”.

Viết như trên là chưa phản ánh đầy đủ diễn tiến của trận đánh cũng như vị trí diễn ra cuộc tấn công, một tài liệu khác đã xác định đây là bến Trường Đổi, cách cầu Quan hiện nay về phía Bắc khoảng 1km. Hoàn toàn chưa mô tả được mưu lược của liên quân- đã có một tổ chức chặt chẽ; cũng như chưa làm bật lên ý nghĩa của thất bại tuy nhỏ về số lượng nhưng rất “thê thảm” trong mắt người lính Pháp. Tác phẩm Chống xâm lăng của GS Trần Văn Giàu (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001) đã viết về trận đánh này chi tiết hơn, dựa trên chính những sách báo của người Pháp viết sau trận đánh. Đấy là từ: “ngày chúa nhật 3.6.1866, tình báo Pháp cho Lác-cơ-lô-zơ hay rằng có 3, 4 trăm quân (có tài liệu nói là 2,3 nghìn hoặc 1.500) khởi nghĩa tụ họp cách thành Tây Ninh 8 dặm và có ý định tiến đánh Tây Ninh… Hôm ấy Pô-Kum-Pao làm kế như chuyển quân đi xa lên phía Bắc, chứ không phải sát gần Tây Ninh (Nghi binh?) Lác-cơ-lô-zơ cũng đã đến tận nơi nghiên cứu chỗ đóng quân, nhà bếp của chỗ đồn quân để biết số quân khởi nghĩa… Nhưng, thình lình, ngày 7.6 gần chiều tối thì Pô-Kum-Pao xuất hiện ở hữu ngạn rạch Tây Ninh, nhắm thành Tây Ninh mà tiến vào. Quân Pô-Kum-Pao cách thành chỉ 2 dặm (gần 1.000m) về phía Tây Bắc, ở ven rừng (bến Trường Đổi- TV) giàn trận vòng cung mà nghĩa quân gọi là trận hình sừng trâu. Trong lúc đó thì tên quan ba Pi-nô đem quân tiếp viện qua cầu… một cánh quân khởi nghĩa đã đến trước mặt chúng… vừa ứng chiến vừa cắt đứt đường rút lui của Lác-cơ-lô-zơ. Hai bên nổ súng, toán quân của Pi-nô tháo chạy về dồn. Quan ba Lác-cơ-lô-zơ bị bao vây. 7 giờ tối, tổng số 21 người lính Pháp đi theo chủ tướng, chỉ còn 9 người chạy bán sống bán chết về đồn, trong đó có 3 người bị thương; 11 người với sĩ quan La-sa và Lác-cơ-lô-zơ đều bị giết tại trận trong một cuộc giáp chiến không đầy nửa giờ… Địch cố thủ trong thành. Chúng khiếp sợ đến đỗi trong vòng 30 giờ, thây của Lác-cơ-lô-zơ và các sĩ quan binh lính khác “bị để mặc cho diều ăn quạ mổ” (lời của Du- Mec)”.

GS Trần Văn Giàu nhận định, đây là “trận thắng đầu tiên rất có ảnh hưởng” đến tinh thần binh lính Pháp.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục