BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường Sơn – những năm tháng hào hùng

Cập nhật ngày: 19/05/2012 - 06:14

(BTNO)- Chiến tranh đã qua đi 37 năm. Nỗi đau nào rồi cũng vơi. Nhưng những chiến công hiển hách của lớp người đi trước vẫn làm cho những con người của thế hệ mai sau tự hào. Trong tất cả chiến công lẫy lừng, thì đường Hồ Chí Minh đã trở thành một huyền thoại, còn mãi âm vang khúc trường ca của một thời: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ (19.5.1959), tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève lập lại hoà bình ở Đông Dương, ta nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định, tập kết lực lượng ra miền Bắc. Hàng vạn con em miền Nam ra miền Bắc học tập, chuẩn bị cho lực lượng tương lai, với mong ước sau hai năm tổng tuyển cử sẽ trở về đoàn tụ gia đình. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Diệm, Nhu cố tình phá hoại Hiệp định, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng, đưa ra Luật 10/1959 lê máy chém tàn sát đồng bào rất dã man, dìm đất nước ta trong biển máu.

Tháng 1.1959, Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời, đây là một bước ngoặt của phong trào cách mạng miền Nam. Xác định con đường cách mạng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp với đấu tranh vũ trang chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; miền Bắc là nhân tố quyết định nhất. Nghị quyết 15-TW đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước, đặc biệt đối với đồng bào miền Nam và con em miền Nam tập kết ra Bắc.

Khẩn trương đưa xe ra khỏi lầy. Ảnh tư liệu.

Ngày 19.5.1959, Tổng quân uỷ thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy phiên hiệu là Đoàn 559 và cũng trong tháng 5.1959, Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng thành lập đoàn B90 tăng cường cho Quân khu 5 để mở đường từ nam Tây Nguyên nối với Đông Nam bộ vốn là “vùng trắng” trong kháng chiến chống Pháp.

Lực lượng ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn ở các sư đoàn bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, chủ yếu là Liên khu 5 và tổ chức thành tiểu đoàn, ký hiệu 301 do Thượng tá Võ Bẫm làm trưởng đoàn. Cơ quan làm việc đặt tại 63 Lý Nam Đế - Hà Nội. Căn cứ đầu tiên tại Khe Hó (Tây Nam - Vĩnh Linh), cuối năm 1959, căn cứ được dời đến Làng Ho (Tây Nam - Quảng Bình). Hoạt động của Đoàn 559 tuyệt đối giữ bí mật và tránh địch, lánh dân với khẩu hiệu “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhằm không để dấu vết gì của miền Bắc để địch không có cớ gây rắc rối về chính trị, ngoại giao.

Ngày 20.8.1959, đoàn 559 đã giao chuyến hàng vũ khí đầu tiên cho Liên khu 5 gồm 30 gói (mỗi gói 10 bó) tại Bắc A Lưới, Thừa Thiên Huế. Trong đó gồm: 20 súng tiểu liên (10 bó), 20 súng trường Max (10 bó), 20 thùng đạn Strong và Max. Đồng chí Tư Vạn, Thường vụ Liên khu uỷ Khu 5 (phụ trách cánh Bắc: Thừa Thiên Huế - Quảng Trị) trực tiếp đón nhận, đồng chí chỉ vào vũ khí, nói: “Chính quyền là đây, độc lập thống nhất đất nước là đây! Ôi sung sướng lắm các đồng chí ơi!”. Đây là mốc rất có ý nghĩa, vì mỗi khẩu súng, viên đạn nói lên ý Đảng lòng dân, thể hiện tình cảm “Đất nước Việt Nam là một”. Chuyến hàng đầu tiên thắng lợi, tạo ra khí thế thi đua trong D301- Đoàn 559, anh em thay nhau mang vác, có nhiều đồng chí mang đến 60kg vũ khí, đạn dược. Tổng kết 17 tháng vận chuyển bằng “Chân đồng vai sắt”, mỗi ngày D301 đã chuyển bình quân được 900kg hàng. Tổng cộng đã chuyển vào chiến trường 355 tấn vũ khí, 75 tấn quân dụng… góp phần cho phong trào nổi dậy ở miền Nam và chào mừng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (20.12.1960). Sau này, D301 phát triển thành E70 (11.1960) do đồng chí Chu Đăng Chữ làm E trưởng và đồng chí Nguyễn Danh làm Chính ủy (mất năm 2009, thọ 85 tuổi).

Những chú voi tải hàng ra trận

Để chi viện cho Nam bộ và cực Nam Trung bộ, Bộ Chính trị và quân uỷ Trung ương chủ trương mở tuyến chi viện đường biển. Đoàn 559 cũng được giao nhiệm vụ này. Tháng 7.1959 tiểu đoàn 603 gọi là đoàn 759 được thành lập, biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ, dùng cảng cá Hanh Khê (cách cửa sông Gianh - tỉnh Quảng Bình 4km về phía Nam) làm nơi đóng quân, lấy danh nghĩa tập đoàn đánh cá miền Nam để hoạt động. Sau đó được lệnh bàn giao cho binh chủng Hải quân để đoàn 559 tập trung cho tuyến chi viện chiến lược trên bộ ở Trường Sơn.

Trong quá trình vận chuyển, từ năm 1959 đến 1961, chiến sĩ chủ yếu là gùi vai, thồ xe đạp, tận dụng đường sông thả hàng trôi. Năm 1962 – 1964, vận tải bằng ôtô nhưng chủ yếu ở Đông Trường Sơn (Việt Nam). Từ năm 1965 - 1975 vận tải ôtô chuyển sang tuyến Tây Trường Sơn.

Trong thời điểm đó, năm 1961 bộ đội Pathet Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Cánh đồng Chum, mở chiến dịch Trung Lào, đánh bật quân phái hữu ra khỏi vị trí xung yếu trên đường 12 và đường 9, giải phóng vùng rộng lớn phía đông 2 tỉnh Khammuane và Xavanakhet, nối thông vùng giải phóng Trung Lào với các tỉnh từ Hà tĩnh đến Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện cho Đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn.

Tại miền Nam, sau hơn một năm thực hiện kế họach Stanley Taylor mà vẫn không cứu vãn được nguy ngập của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Mỹ cho rằng nguyên nhân chính là do tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm bất tài, bất lực. Ngày 1.11.1963 Mỹ bật đèn xanh cho một nhóm tướng lĩnh Sài Gòn làm đảo chính và giết chết Diệm - Nhu với hy vọng việc thay ngựa giữa đường sẽ cứu vãn được tình hình. Nhưng thực tế, chính quyền Sài Gòn vẫn khủng hoảng triền miên.

Tháng 1.1963 Hội nghị Trung ương Đảng (khoá III) tiếp tục khẳng định phương châm cách mạng miền Nam là đấu tranh chính trị với vũ trang, nhân dân và lực lượng vũ trang miền Bắc phải tăng cường hơn nữa tiềm lực kinh tế - quốc phòng, đẩy mạnh chi viện cho miền Nam về mọi mặt, đồng thời sẵn sàng đánh bại hành động chuẩn bị mở rộng chiến tranh của địch. Bộ Quốc phòng lệnh cho đoàn 559 chuyển toàn bộ sang Tây Trường Sơn, thọc sâu, vươn xa hơn trong nhiệm vụ chiến lược. Quân số 559 lúc này là 6.000 người.

Đầu năm 1965, Nhà nước và Bộ Quốc phòng bổ sung lực lượng, phương tiện đưa quân số lên 25.000 người (15.000 bộ đội, 1.600 công nhân phòng không và 7.600 thanh niên xung phong). Trang bị phương tiện gồm: 738 ô tô, 40 máy húc, 10 máy ép hơi khoan đá. Kể từ giai đoạn đó, phương thức vận chuyển bằng cơ giới  phát triển mạnh mẽ. Lực lượng tham gia Đoàn 559 vào đầu năm 1974 lên đến 104.950 người với khoảng 12.000 xe ôtô, cơ giới. Bộ đội 559 được biên chế thành 8 sư đoàn binh chủng; 20 trung đoàn và tương đương; 10 tiểu đoàn trực thuộc.

Vượt qua trọng điểm sau trận bom. Ảnh tư liệu.

Bộ đội Trường Sơn đã đào đắp khoảng 29 triệu m3 đất đá, xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000 km, 1 tuyến đường “kín” dài 3.140 km, 1 tuyến đường sông dài hơn 500 km. Đã xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu dài 1.400 km nối từ Quảng Bình vào tới Bù Gia Mập ( Bình Phước). Xây dựng trên 4.000 km đường dây trần dùng cho máy tải ba, 11.569 km đường dây bọc thông tin hữu tuyến. Giặc Mỹ đã ném xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom, đạn và rải hàng triệu lít hoá chất độc hại. Các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom; phá 12.600 quả bom từ trường; 8.000 bom nổ chậm; 85.100 mìn các loại. Bộ đội Trường Sơn đã đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu 18.700 tên địch; bắt sống 1.190 tên; thu, phá huỷ hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại. Bộ đội phòng không của 559 đã bắn rơi 2.455 máy bay các loại. Đoàn 559 đã vận chuyển và tổ chức hành quân hơn 2 triệu lươt bộ đội, cán bộ dân chính vào chiến trường; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vất chất kỹ thuật.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, ngoài tuyến Đông và Tây Trường Sơn, Đoàn còn đảm bảo giao thông toàn bộ tuyến đường quốc lộ 1 và 7 tuyến đường ngang khác. Bắc lại 88 cầu. Sử dụng trên 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn 471 và 571 chở 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn chủ lực , hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật và chở bổ sung 400.000 quân hành quân bằng ô tô vào các chiến trường. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã cấp phát 4.100 tấn xăng dầu cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn có gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hơn 32.000 cán bộ, chiến sỹ bị thương.

Suốt 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt với bao hy sinh gian khổ không sao kể xiết, các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã trở thành “Một lực lượng gang thép một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó; một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hòan tòan”.

Thời gian sẽ lùi xa vào quá khứ nhưng huyền thọai về đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Võ Cường