BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyện ngắn: Điều không có trong kịch bản

Cập nhật ngày: 25/09/2011 - 11:40

Truyện ngắn của Phước Hội

(Thương mến tặng bạn bè tôi)

“A lô!... A lô!... Một… hai… ba… bốn… a lô… chậc!... chậc!...

Kính thưa bà con cô bác! Tối đêm nay, tại sân bóng đá xã Hoà Minh, Đội thông tin lưu động huyện Tân Thạnh sẽ phục vụ bà con một chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề… kính mời bà con đến xem và cổ động cho nhiều người cùng xem. A lô! A lô!...”.

Tiếng loa với công suất lớn khuấy động một vùng không gian bình yên của miền quê nghèo biên giới. Gió mùa thổi bạt lời rao về phía những chòm nhà xa xa nằm khuất trong rặng cây thẩm màu chiều. Trời sụp tối. Những khán giả đầu tiên có mặt là đám trẻ con ồn ào, lăng xăng chạy tới chạy lui giữa hai ngọn đèn cao áp sáng trưng. Có đứa đứng chống nạnh tò mò nhìn dàn loa thùng cao ngất đang phát nhạc ầm ầm, đứa thì táy máy săm soi những máy móc thiết bị đầy dây nhợ khiến tay phụ trách kỹ thuật khan cả giọng. Mấy cô bé thích thú chạy đuổi theo những chùm hoa ánh sáng bay là đà trên mặt cỏ toả ra từ chiếc đèn xoay, rồi cười khanh khách. Đội trưởng đang tíu tít với chiếc điện thoại.

“A lô! Anh Năm chủ tịch xã phải không ạ? Anh làm ơn cho mấy anh em dân quân xuống giữ trật tự giùm…”.

“A lô! Sao giờ này chưa thấy mặt mày vậy ông thần, tới giờ diễn rồi… Ờ… ờ… bể bánh xe hả. Tranh thủ nghen”.

“Tiến ơi! Cho diễn viên làm mặt đi”.

Đội trưởng làm ra vẻ tất bật chẳng qua là muốn động viên anh em cho thêm phần khí thế, bởi ai cũng biết nhiệm vụ của mình, gấp gáp gì. Nói vậy chứ dù công việc đã quá quen thuộc, đi phục vụ đã biết bao lần, nhưng trước mỗi đêm diễn ai cũng có cảm giác hồi hộp pha lẫn háo hức, nhất là khi thấy khán giả đến xem càng lúc càng đông.

Sân khấu là một khoảng đất trống trước cầu môn. Tấm phông xanh trang trí chữ và hoa văn vàng choé treo vừa khít khung thành bằng tre. Một sợi dây ni-lông căng ngang làm ranh giới với khán giả. Sau phần thủ tục chào hỏi là chương trình giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn do các “ca sĩ” tại chỗ thực hiện. Cả đội chỉ có bảy người: đội trưởng phụ trách chung kiêm lái xe, một phụ trách âm thanh ánh sáng kiêm nhạc công, một phụ trách sân khấu đạo cụ và bốn tuyên truyền viên kiêm diễn viên, ca sĩ. Việc sinh hoạt giao lưu với địa phương cũng là một cách tạo cho đêm diễn thêm sinh động, vừa lôi kéo nhiều khán giả đến xem và cũng để tăng thời lượng chương trình, anh em trong đội đỡ hao sức. “Ê, anh cu Tửng hát kìa bây ơi! Anh cu Tửng cố lên!”. “Chèn ơi! Con Gái Tý ca nghe được quá chừng”. Những tràng pháo tay giòn giã, những chùm hoa cỏ may, hoa hôi trao tận tay những nghệ sĩ miệt vườn, chân chất hồn nhiên như cây cỏ quê làng. Đã đến phần biểu diễn chính thức, “em xi” cũng là tuyên truyền viên của đội bước ra giới thiệu chương trình. “Ủa, hình như trọng tài Vàng mà, đúng rồi, trọng tài Vàng chứ còn ai”.

Đội Thông tin lưu động biểu diễn phục vụ ở vùng sâu

“Đêm nay, Đội thông tin lưu động huyện xin được phục vụ bà con cô bác vở kịch thông tin nội dung xoay quanh việc chăm sóc trẻ sơ sinh từ…”.

“Trời! Chuyện này để mấy bà phụ nữ xem, tụi tui xem làm chi. Thôi về…”. “Khoan, khoan… Bà con, nhất là quý anh hãy bình tĩnh! Đây là vở kịch hết sức vui nhộn, hài hước bảo đảm sẽ đem đến cho bà con những tràng cười sảng khoái, cười thoải mái và cười đến té…”.

“Té gì cha nội? Nói luôn đi, ha ha!”.

“À không, cười đến… bể bụng. Bởi vì đây là vở kịch vui được mang tên “Hội thi những người đàn ông nuôi con giỏi”. Và bây giờ chương trình xin được… bắt đầu”.

Lời giới thiệu tếu táo và rất hoạt náo của “em xi” kiêm trọng tài bóng đá khiến không khí trở nên sôi nổi, hào hứng. Kịch thông tin vốn khô khan, nặng tính tuyên truyền, vì vậy để thu hút khán giả, kịch bản phải được dàn dựng nhiều mảng miếng lạ, càng vui càng tốt, sau đó khéo léo lồng vào nội dung cần thông tin. Nội dung vở kịch lần này là nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh cho những bậc cha mẹ có con nhỏ. Câu chuyện xảy ra ở một làng nọ. Ban lãnh đạo địa phương có sáng kiến cho tổ chức hội thi nuôi con giỏi nhưng chỉ dành cho các ông bố. Nhiều tình tiết hài hước xảy ra từ những ông bố ngờ nghệch dưới sự diễn xuất của các đội viên thông tin khiến một góc trời đêm xôn xao nghiêng ngả tiếng cười. Tình huống bất ngờ xảy ra khi một khán giả nam (chắc đã có hơi men), chuệch choạng bước lên sân khấu giật lấy micro của diễn viên và nói với giọng nhừa nhựa: “Mấy anh chị cho tui hỏi. Chuyện chích ngừa cho con nít mới đẻ như lao, ho gà… thì tui biết, nhưng ngừa bịnh uống dáng là bịnh gì? Tui là nông dân, tui không hiểu, đề nghị anh chị cho biết”. Nhìn các diễn viên lúng túng vì tình tiết không nằm trong kịch bản, anh đội trưởng đành ra tay. Đi từ phía khán giả lên, anh đội trưởng la to: “Anh Tư Đực phải hôn?”. Lấy lại cái micro từ tay người khách không mời, anh nói: “Để tui giải thích cho anh rõ, bịnh uốn ván nói theo ông bà mình tức là bịnh phong đòn gánh đó ông ạ! Khi còn nhỏ, nếu trẻ con được chích ngừa bịnh này thì mai mốt lớn lên không sợ bị kinh phong giựt khi đạp phải đinh sét, miểng chai bể. Anh hiểu chưa, hiểu rồi thì tui với anh đi làm xị nữa, nghen!”.

Người “cướp” sân khấu ngoan ngoãn bá vai anh đi xuống nhưng trong bụng vẫn thắc mắc không hiểu cha nội này ở đâu mà biết mình là Tư Đực? Khán giả vỗ tay rần rần làm anh ta bẽn lẽn đưa bàn tay vò vò cái đầu tóc bù xù khét mùi nắng. Kịch bản đang vào đoạn cao trào, đó chính là phần giao lưu, tương tác với khán giả. “Em xi” hướng về phía khán giả: “Vì sao ta lại khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ? Bà con nào biết xin giơ tay. Ai trả lời đúng sẽ được thưởng một… hộp sữa bò tươi cô gái Tây Lan”. Có tiếng trả lời: “Đỡ tốn tiền mua sữa hộp! Vì sữa hiện nay mắc quá”- “Rất đúng. Ai có ý kiến khác”.

“Dinh dưỡng trong sữa mẹ cao”- “Chứng minh?”- “Vì hồi nhỏ tôi chỉ bú sữa mẹ mà bây giờ lớn lên cũng mập cùi cụi, chẳng có bịnh đau gì”- Một anh chàng đen như cột nhà cháy hét to- “Chính xác. Ai nữa?”.

“Theo tui vì… bình đựng sữa mẹ là đẹp nhất”. Tiếng cười và vỗ tay lan như sóng. Có ai đó đế thêm: “Hèn chi đêm nào nó cũng giành bình sữa của con nó để cầm chơi”. Ha ha ha! Lúc này thì chính “em xi” cũng chịu không nổi đành chấm dứt phần giao lưu, ôm bụng vào bên trong sân khấu.

Đêm đã dần khuya. Những ngôi sao thắc thỏm trên bầu trời. Lác đác có người đứng dậy rời sân. Trên sân khấu, các tuyên truyền viên đang chuyển sang phần tuyên truyền các số liệu thống kê. Thấy bà con ngáp vắn ngáp dài có vẻ lơ đểnh, anh đội trưởng đứng sau tấm phông nhắc nhở: “Bỏ phần tuyên truyền miệng đi, mở pa-nô số liệu ra. Kết là vừa, coi chừng khán giả bỏ về hết”.

Vở kịch kết thúc bằng chi tiết khá khôi hài là ba ông bố đi thi đã không nhận ra đứa bé nào là con mình khi ban tổ chức cho mặc cùng một loại quần áo như nhau.

Sương đêm thấm lạnh. Những ánh đèn pin cuối cùng chìm tắt vào các ngõ xóm. Bình yên trả lại mênh mông. Chiếc xe bán tải chở toàn bộ tài sản cồng kềnh của đội chậm rãi lăn bánh, lắc lư, ngật ngưỡng xuyên vào màn đêm biên giới hun hút sâu. Cả đội ngồi chen nhau trong ca bin lặng lẽ nhìn vào khoảng sáng ánh đèn pha trước mặt. Cô diễn viên nhỏ tuổi nhất thắc mắc hỏi anh đội trưởng sao biết cái ông hồi nãy tên là Tư Đực, rồi bệnh uốn ván có phải là phong đòn gánh, sao lại cắt bỏ phần tuyên truyền bằng những số liệu của cô… Anh đội trưởng bẻ vòng tay lái tránh cái ổ gà mỉm cười bí hiểm. Đó là những tình tiết không nằm trong kịch bản, nhiệm vụ của chúng ta là đời hoá sân khấu, nhưng chẳng có tác giả nào có thể viết hoàn chỉnh được kịch bản đời, nên phần còn lại là dành cho chúng ta. Ngày mai mình đi xã biên giới Hoà Bình.

 P.H


 
Liên kết hữu ích